Đối thoại

Nếu không hỗ trợ bổ sung thì doanh nghiệp khó phục hồi

Theo TS. Phan Đức Hiếu, sức khoẻ doanh nghiệp bị bào mòn, khi chúng ta chậm phát triển, nhóm giải pháp nhiệm vụ nên tập trung vào doanh nghiệp.

Ngày 14/1, Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam thường niên năm 2022 đã diễn ra với chủ đề: “Phục hồi & Bứt tốc tăng trưởng: Từ chính sách Kích thích Kinh tế đến sức bật của các ngành, địa phương và doanh nghiệp”. 2022 cũng đánh dấu cột mốc lần thứ 14 Diễn đàn được tổ chức.

Bài học cần được duy trì từ đại dịch

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhận định, chúng ta đã bước sang năm thứ ba của đại dịch một trăm năm có một trong lịch sử. Bên cạnh nỗi đau, sự mất mát, sự thiệt hại cho nền kinh tế, xã hội và doanh nghiệp, có 3 điều có tính chất kinh điển được đúc rút ra từ đại dịch này đối với các doanh nghiệp. 

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Nguyễn Minh Vũ

Thứ nhất, trong nguy có cơ. Ngay trong giai đoạn cao điểm của đại dịch, khi nhiều ngành dịch vụ như du lịch, vận tải, bán lẻ... chịu tác động nặng nề, song chúng ta cũng chứng kiến sự đi lên của các ngành, lĩnh vực mới, giàu tiềm năng như thương mại điện tử, thương mại số, các ngành cung ứng các sản phẩm và dịch vụ gắn với khoa học đời sống.

Thứ hai, trong cái khó ló cái khôn. Nhiều doanh nghiệp đã thể hiện năng lực thích ứng tốt, đầy sáng tạo và quả cảm, không chỉ vượt qua đại dịch mà còn phát triển mạnh mẽ hơn, tìm kiếm những xu hướng sản xuất, kinh doanh mới, an toàn, bền vững và có trách nhiệm với xã hội cao hơn…

Thứ ba: thay đổi, quản lý thay đổi và tốc độ sự thay đổi có ý nghĩa quan trọng, quyết định đối với doanh nghiệp nhất là trong một thế giới của nhiều sự chuyển dịch to lớn, chưa từng có về quy mô, tốc độ như hiện nay, đặc biệt là sự xuất hiện của chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các xu hướng bền vững từ đại dịch. 

Ba thực tế đó nói lên rất nhiều điều đối với doanh nghiệp và hiệp hội. Trong đó có lẽ điều quan trọng nhất là học cách sống chung với mọi biến cố và sự thay đổi rất cần những điều kiện thuận lợi bên ngoài.

Song, trong bối cảnh mà những yếu tố bên ngoài luôn bất định, bất ổn và bất an, thậm chí bất ngờ như đại dịch vừa qua, thì sự thay đổi và thích ứng ở bên trong mỗi doanh nghiệp mới là điều quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định.

Từ đó, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương bày tỏ, những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của nước ta năm 2021 cho thấy nông nghiệp ngày càng khẳng định vai trò là trụ đỡ; công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, môi trường đầu tư và kinh doanh được cải thiện và niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào khả năng phục hồi của nền kinh tế ngày càng được củng cố. 

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương

Bên cạnh những bài học từ đại dịch, ông Sơn cho rằng, điều cần thiết bây giờ chính là kế hoạch hành động cụ thể để thực thi hiệu quả, hiện thực hóa các mục tiêu đề ra; để tăng cường công tác quản trị và theo dõi, giám sát quá trình thực thi, bảo đảm đúng quan điểm, mục tiêu, công khai, minh bạch, hiệu quả, khả thi và tiến độ; không để trục lợi chính sách.

Sự tiếp sức kịp thời từ Chính phủ

Trước bối cảnh doanh nghiệp chịu nhiều tác động sau 2 năm đại dịch, Quốc hội thông qua các chính sách tài khoá và tiền tệ nhằm giúp sức cho sự phục hồi kinh tế, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, trên cơ sở chính sách này thì Chính phủ sẽ cụ thể hoá chính sách tiền tệ, ban hành chương trình phục hồi phát triển kinh tế chi tiết.

Đặc biệt, ông Hiếu nhấn mạnh: “Có hai tác động Covid-19 nghiêm trọng buộc ta phải hành động”. 

Thứ nhất, Covid làm suy thoái, bộc lộ điểm yếu hạ tầng y tế xã hội, chúng ta buộc phải khắc phục ngay. 

Thứ hai, sức khoẻ doanh nghiệp bị bào mòn nếu không hỗ trợ bổ sung thì doanh nghiệp khó phục hồi và sẽ tiếp tục rút khỏi thị trường. Mặt khác, nếu phục hồi được mất nhiều thời gian, số phục hồi giảm, kinh tế khó phát triển, khi chúng ta chậm phát triển thì biết hậu quả nghiêm trọng nên nhóm giải pháp nhiệm vụ tập trung vào doanh nghiệp là quan trọng.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Theo đó, quy mô Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội gần 350.000 tỷ đồng. Nội dung cơ bản của chương trình gồm 5 nhóm trọng tâm. 

Cụ thể, đầu tư nâng cao năng lực y tế phòng chống dịch bệnh khoảng 60.000 tỷ đồng; đảm bảo an sinh xã hội hỗ trợ việc làm 48.500 tỷ đồng; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp 110.000 tỷ đồng; phát triển kết cấu hạ tầng 113.550 tỷ đồng; giải pháp khác 10.000 tỷ đồng.

Qua đó, năm 2022 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, là năm mà chúng ta không chỉ phải vượt qua những khó khăn, thách thức mang tính ngắn hạn mà còn phải tạo dựng được nền tảng cho phát triển của nền kinh tế - xã hội trong trung và dài hạn.