Xu hướng thị trường

Nếu di dời trạm BOT T2, ai sẽ trả chi phí trăm tỷ?

Bất cập khó giải quyết tại trạm BOT T2 khiến Bộ GTVT xem xét phương án di dời trạm. Tuy nhiên việc này có thể tiêu tốn đến cả trăm tỷ đồng, liệu bộ GTVT sẽ chịu trách nhiệm hay phía tỉnh An Giang phải tự bỏ tiền ra thực hiện?

Trạm thu phí BOT T2 tên quốc lộ 91.

Như thông tin đã đưa, ngày 30/5, Thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Nhật đã trả lời trước báo chí về những bất cập gần đây liên quan đến trạm thu phí BOT T2 trên quốc lộ 91.

Thứ trưởng thừa nhận những bất cập tại trạm thu phí xảy ra ở cả 2 hướng Kiên Giang - An Giang và hướng An Giang - Đồng Tháp. Phía bộ đang cập nhật lại lưu lượng xe để tính toán phương án tài chính của dự án, phương án xử lý bất cập tại trạm T2 đang trong giai đoạn nghiên cứu. Bộ GTVT cân nhắc cả phương án giảm phí lẫn di dời trạm thu phí.

Trong khi phương pháp thu phí theo quãng đường đi sẽ khó có thể triển khai do lưu lượng xe lưu thông qua trạm lớn, việc theo dõi, kiểm soát và tính phí sẽ gặp nhiều hạn chế.

Phương án di dời trạm thu phí đến một địa điểm mới được cho là sẽ khả quan hơn. Nhưng các vấn đề về pháp lý và tài chính cũng là một trở ngại không nhỏ.

Trả lời Tuổi trẻ, ông Nguyễn Việt Trí - Giám đốc Sở GTVT An Giang không đồng tình với phương án di dời. Ông Trí chỉ ra chi phí di dời trạm thu phí BOT T2 mất khoảng 70 - 80 tỷ đồng, chi phí làm khoảng 700m đường quốc lộ 91 từ ngã 3 Lộ Tẻ đến Long Xuyên mất khoảng 20 tỷ đồng. Bộ GTVT cho rằng nếu di dời trạm BOT T2 thì phía An Giang phải bỏ ra số tiền này.

Việc di dời trạm sẽ tốn gần 100 tỷ đồng.

Trao đổi với báo Dân Việt về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Xuân - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô An Giang phản đối việc tỉnh An Giang phải bỏ ra số tiền khoảng 100 tỷ đồng để di dời trạm BOT T2.

Ông Xuân cho rằng vị trí đặt trạm BOT T2 bất cập như hiện nay là do phía Bộ GTVT, nhà đầu tư và các đơn vị tham mưu lựa chọn vậy nên không thể bắt tỉnh An Giang phải chịu trách nhiệm.

“Các doanh nghiệp chúng tôi hoàn toàn có thể cùng nhau gom số tiền đó để trả cho nhà đầu tư để di dời trạm nhưng như thế là không đúng về mặt pháp lý" - ông Xuân bày tỏ.

Trong trường hợp An Giang phải bỏ tiền ra để di dời trạm BOT T2, ông Xuân cho rằng nhà đầu tư cải tạo quốc lộ 91 phải có nghĩa vụ trích % từ tiền bán vé để trả lại cho An Giang cả phần gốc lẫn lãi cho đến khi nào đủ thì thôi.

Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 và 91B theo hình thức BOT với vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng. Dự án có 2 trạm thu phí gồm trạm T1 đặt tại quận Ô Môn và trạm T2 tại quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ – giáp ranh tỉnh An Giang.

Tài xế sử dụng tuyến Quốc lộ 91 và 91B, từ TP.Cần Thơ đi tỉnh An Giang, nếu mua vé tại trạm T1 thì sử dụng chính vé này qua trạm T2 và ngược lại, mua vé trạm T2 và sử dụng luôn cho trạm T1. Hai trạm này hoạt động vào năm 2016, với mức thu phí từ 35.000 đồng đến 200.000 đồng/lượt phương tiện.

Năm 2018, một số tài xế phản đối mức thu phí trên do quãng đường đi ngắn nhưng lại phải trả số tiền toàn tuyến. Bộ GTVT đã yêu cầu miễn, giảm mức phí qua trạm cho xe người dân trong bán kính 8km quanh trạm thu phí. Sau đó, dự án hoạt động ổn định.

Từ khi thông xe cầu Vàm Cống ngày 19/5, nhiều lái xe lại phản đối cho rằng, họ chỉ sử dụng đoạn đường ngắn, nhưng phải mua vé toàn tuyến là không hợp lý.

Bá Di (Tổng hợp)