Chính sách

"Nếu chỉ có 1 Phó Chủ tịch HĐND, riêng việc đi họp cũng rất thiếu người"

Đóng góp vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, tại nghị trường Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, đối với HĐND cấp tỉnh, nếu chỉ có 1 Phó Chủ tịch thì công việc sẽ không đảm bảo hiệu quả.

Chủ trương giảm số lượng cấp Phó

Báo cáo giải trình trước Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành việc cụ thể hóa chủ trương của Trung ương trong việc giảm số lượng cấp phó của HĐND. Tuy nhiên, giảm như thế nào, giảm ở cấp nào, cơ quan nào thì ý kiến còn khác nhau. Đối với HĐND cấp huyện thì đa số ý kiến thống nhất.

Đối với HĐND cấp tỉnh thì đa số ý kiến đại biểu đề nghị giữ nguyên như Luật hiện hành (gồm 02 Phó Chủ tịch HĐND) hoặc đề nghị quy định số lượng cấp phó căn cứ vào phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh. Đối với việc giảm số lượng Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh, nhiều ý kiến đồng ý với đề xuất của Chính phủ nhưng cũng nhiều ý kiến đề nghị nên giữ nguyên như Luật hiện hành (gồm 02 Phó Trưởng ban) hoặc quy định mềm dẻo, linh hoạt hơn.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.

Về số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện, Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện xuống còn một người.

Cụ thể, về số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, dự thảo Luật dự kiến 02 phương án tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội: Phương án 1: Giữ nguyên quy định HĐND cấp tỉnh có 02 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách như tại Điều 18 và Điều 39 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành.

Phương án 2: Quy định lãnh đạo HĐND cấp tỉnh có 02 đại biểu hoạt động chuyên trách, trường hợp Chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu hoạt động chuyên trách thì bố trí 01 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách; trường hợp Chủ tịch HĐND là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 02 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách.

Về số lượng Phó trưởng Ban của HĐND cấp tỉnh, dự thảo Luật dự kiến 02 phương án tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội: Phương án 1: quy định Ban của HĐND cấp tỉnh có 02 đại biểu hoạt động chuyên trách, nếu Trưởng ban là đại biểu hoạt động chuyên trách thì bố trí 01 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách; nếu Trưởng ban là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 02 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách.

Phương án 2: quy định HĐND cấp tỉnh có không quá 02 Phó Trưởng ban, trong đó có 01 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách.

Đại biểu còn băn khoăn

Nêu quan điểm của mình, đại biểu Trần Thị Hằng, Bắc Ninh, chọn Phương án 1 với lý do thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh gồm 1 Phó Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch, các ủy viên là trưởng ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh có thể là đại biểu hoạt động chuyên trách, Phó Chủ tịch là đại biểu hoạt động chuyên trách.

Đại biểu Trần Thị Hằng, Bắc Ninh.

“Nhưng chúng ta thấy rằng, theo luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành, nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân tỉnh trong đó có nhiệm vụ của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh có 10 nhóm nhiệm vụ, ngoài ra Hội đồng nhân dân tỉnh cũng còn những nhiệm vụ khác. Đó là cơ quan ban hành chính sách và nhiều đại biểu đã phân tích số lượng lớn nhiệm vụ mà Hội đồng nhân dân tỉnh và thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh phải thực hiện. Với xu hướng hiện nay, chính quyền cấp trên thực hiện phân cấp mạnh mẽ cho cấp dưới, mà phân cấp là tức là phân quyền, do vậy, việc tăng cường giám sát là hết sức cần thiết.

Do đó, quy định theo phương án 1 là để đảm bảo tính bao quát và xác định cụ thể số lượng Phó Chủ tịch HDND tỉnh hoạt động chuyên trách”, bà Hằng nêu quan điểm.

Theo đại biểu Hằng, nếu theo phương án 2, lại có 2 phương án xảy ra. Bà nêu: “Nếu như Chủ tịch là đại biểu hoạt động chuyên trách mà chỉ có 1 Phó Chủ tịch là đại biểu hoạt động chuyên trách thì riêng việc đi họp, không phải nội dung nào Chủ tịch cũng đi, mà như thế thì chỉ 1 Phó Chủ tịch cũng rất là thiếu người”.

“Trong luật cũng không nên đưa ra phương án là "nếu thì". Ta nên đưa thống nhất luôn, xác định rõ là có Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch. Và 2 Phó Chủ tịch này hoạt động chuyên trách”.

Tương tự, bà Trần Thị Hằng tán thành với phương án 2 của Phó Trưởng ban Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là xác định rõ luôn số lượng Phó trưởng ban Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hoạt động chuyên trách. 

“Tôi đề nghị giữ nguyên 2 Phó Chủ tịch, 2 Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân là hoạt động chuyên trách”, Đại biểu Hằng đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Sơn, đoàn Hà Tĩnh.

Đại biểu Nguyễn Sơn (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng việc tăng giảm phải cân nhắc kỹ, làm sao để đảm bảo được hiệu quả công việc: “Về số lượng Phó chủ tịch HĐND, chúng ta đang phân cấp đại biểu chuyên trách, đại biểu không công tác ở cơ quan quản lý nhà nước. Cơ cấu để vai trò, vị thế của Chủ tịch HĐND gắn với thường trực cấp ủy, trừ trường hợp cá biệt do công việc mới không phải Bí thư, Phó Bí thư. Hiện nay, HĐND cấp tỉnh có 2 Phó Chủ tịch thì thực hiện các công việc được giao đều có vai trò quan trọng.
Linh hồn của HĐND, các kỳ họp HĐND là ở các Ban của HĐND, đại biểu HĐND chuyên trách. Đề nghị Trưởng ban nên là đại biểu chuyên trách. Nhiều nơi thường vụ các cấp kiêm nhiệm trưởng ban, nghe có vẻ có vị thế cao hơn, nhưng hiệu quả công việc không cao hơn, vì họ còn dành thời gian thực hiện các công việc của cấp ủy”.

Đến từ địa phương có dân số đông, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) cho rằng nếu chỉ có 1 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh thì không thể đáp ứng được yêu cầu công việc.

Đại biểu đề nghị mỗi tỉnh cần quy định có 2 Phó Chủ tịch HĐND chuyên trách, không cần căn cứ vào Chủ tịch HĐND có chuyên trách hay không. Những hoạt động Chủ tịch HĐND chuyên trách chủ yếu thực hiện ở hai đô thị lớn, còn một số trường hợp khác là đòi hỏi riêng biệt, không phổ biến. Mỗi đồng chí phụ trách một mảng riêng, nên phải có hai Phó Chủ tịch HĐND mới có thể am hiểu sâu về công tác.

Đề nghị trong 2 Phó Chủ tịch HĐND, cần bố trí 1 đồng chí là phó trưởng Đoàn ĐBQH, vì có nhiều ý nguyện của nhân dân gửi lên Quốc hội, có thể học tập kinh nghiệm của Quốc hội về áp dụng tại hoạt động của HĐND.

“Tôi từng là Phó đoàn nhận thấy, nếu mình tham gia với địa phương càng sâu, càng kỹ sẽ đóng góp được nhiều cho địa phương, cho Quốc hội. Vấn đề này không cần quy định trong luật, có thể đưa vào đề án bầu cử từng thời kỳ, nhưng cần cân nhắc áp dụng”, Đại biểu Ngọ Duy Hiểu bày tỏ.

Công Luân - Hoa Liên