Công nghệ

Netflix hướng đến thị trường châu Á trong cuộc chiến streaming

Với số người dùng sụt giảm tại Bắc Mỹ và châu Âu, Netflix đang nỗ lực giành thêm thị phần tại thị trường châu Á, nơi nhiều thử thách còn đang chờ đợi.

Park Sae-eun, một nhân viên công nghệ 27 tuổi sống tại Seoul, thích dùng Netflix nhưng dành phần lớn thời gian xem chương trình Hàn Quốc trên 2 dịch vụ nội địa, với nhiều phim trong nước hơn. Cô Park cho biết: “Không đáng dùng Netflix nếu không có thêm chương trình gốc độc quyền. Đối với các chương trình Hàn Quốc, có một vài nền tảng khác thay thế được Netflix rồi.” 

Để giành thị phần tại thị trường châu Á đầy đối thủ cạnh tranh, các công ty dịch vụ stream sẽ phải mạnh tay đầu tư hơn nhằm tạo ra hoặc đăng ký độc quyền nội dung cho khách hàng. Thử thách này càng khó khăn hơn đối với các tập đoàn ngoài khu vực do Netflix do thị hiếu muốn xem chương trình và phim bằng tiếng mẹ đẻ của khán giả.

Theo công ty phân tích Media Partners Asia từ Singapore, có hàng chục dịch vụ stream phim tại Hàn Quốc và Nhật Bản, 40 dịch vụ tại Hồng Kông (Trung Quốc) và hơn 70 dịch vụ trên toàn khu vực Đông Nam Á. Gói dịch vụ rẻ nhất của Netflix tại Ấn Độ - thị trường Netflix vừa giảm giá để cạnh tranh với 80 đối thủ - là khoảng 2 USD/tháng, tương đương 3 lần một số dịch vụ trong nước. 

Giám đốc điều hành Media Partners Asia Vivek Couto cho rằng điểm khác biệt của thị trường châu Á là việc nhiều khán giả vẫn đang trong quá trình lựa chọn dịch vụ stream mà mình thích, do thị trường còn tương đối trẻ. 

Hơn 75% hộ gia đình tại các thị trường đã trưởng thành như Mỹ đã đăng ký một dịch vụ stream phim, nhưng ngay tại các nước châu Á phát triển như Nhật Bản và Hàn Quốc thì con số này chưa đạt mức 50%. Con số này tại Ấn Độ và nhiều quốc gia Đông Nam Á là khoảng 10%. 

Tuy vậy, với quy mô của mình, châu Á - Thái Bình Dương vẫn là thị trường lớn nhất cho lĩnh vực dịch vụ stream phim, chiếm khoảng 43% số người đăng ký theo Ampere Analysis. Thị trường Bắc Mỹ chiếm 29%, châu Âu chiếm 16%, còn Trung và Nam Mỹ chiếm 8%. Châu Á cũng sẽ là thị trường được dự báo tăng trưởng mạnh nhất trong vài năm tới. 

Hình ảnh từ "Squid Game" - series phim ăn khách nhất của Netflix đến thời điểm hiện tại.

Netflix có khoảng 220 triệu tài khoản đăng ký trên toàn cầu. Trong quý 1/2022, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực duy nhất mà Netflix ghi nhận tăng trưởng người dùng - khoảng 1,1 triệu - trong khi mất đi 1,3 triệu người dùng tại các thị trường khác. Tuy nhiên, khu vực này mới chỉ chiếm khoản 15% tổng số tài khoản Netflix và đóng góp khoảng 10% doanh thu. 

Bà Kim Minyoung, người đứng đầu bộ phận hoạt động sáng tạo và nội dung của Netflix tại châu Á (trừ Ấn Độ) cho rằng trong vài năm gần đây, Netflix đã nỗ lực tìm hiểu thị hiếu khán giả và tiếp tục thấy rõ cơ hội đầu tư tại đây.  

Tại Hàn Quốc, Netflix đã chi hơn 1 tỷ USD cho các chương trình sản xuất tại đây, bao gồm cả bộ phim ăn khách "Squid Game". Netflix cũng đã đầu tư khoảng 400 triệu USD vào Ấn Độ và tổ chức nhiều workshop cùng các cuộc thi tại Thái Lan và Việt Nam. Gần đây, Netflix cũng đã ký kết văn bản hợp tác với Studio Colorido tại Nhật Bản để tăng cường danh sách anime (phim hoạt hình Nhật Bản) của mình.  

Tuy nhiên, các đối thủ của Netflix như Prime Video (Amazon) và Disney+ không ngồi yên. Disney+ muốn “bật đèn xanh” cho hơn 50 phim gốc tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương trước năm 2023. 

Tại Ấn Độ, vị trí đứng đầu trong thị trường stream phim và truyền hình là Hotstar, thuộc sở hữu của Disney, với 51 triệu tài khoản (năm 2021) nhờ quyền phát sóng giải cricket lớn nhất quốc gia này. Vị trí thứ 2 thuộc về Amazon với 22 triệu tài khoản, trong khi Netflix ở vị trí thứ 3 với khoảng 6,1 triệu tài khoản. Về giá gói cước, Hotstar và Amazon đều có ưu thế hơn so với Netflix. 

Tùng Phong (Theo The Wall Street Journal)