Tiêu điểm

Nên “thiết kế” Luật Trọng tài thương mại theo hướng mở rộng phạm vi thẩm quyền

Trên thực tế, hiện có 2 quan điểm nhận thức khác nhau về phạm vi điều chỉnh của Luật TTTM, gây khó khăn cho việc xác định thẩm quyền của trọng tài.

Sáng 29/11, tại Tp. Hồ Chí Minh, Hội Luật gia Việt Nam, Tạp chí Đời sống và Pháp luật tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật Trọng tài thương mại (Luật TTTM).

Luật TTTM đã góp phần thúc đẩy hoạt động trọng tài phát triển

Phát biểu tham luận góp ý , Ths. Nguyễn Thị Thùy Dung - Phó Chánh án Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định Luật TTTM đã góp phần thúc đẩy hoạt động trọng tài phát triển và nhận được sự quan tâm, đón nhận lớn từ cộng đồng.

Thông tin đến các đại biểu, bà Nguyễn Thị Thuỳ Dung cho biết, từ ngày 1/1/2011 đến 30/9/2022, Tòa án nhân dân (TAND) Tp. Hồ Chí Minh đã giải quyết 13 vụ việc xem xét khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài về thẩm quyền; 11 vụ việc thu thập chứng cứ, 27 vụ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; 4 vụ việc đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc.

Ths. Nguyễn Thị Thùy Dung - Phó Chánh án Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Đáng chú ý, TAND Tp. Hồ Chí Minh cũng đã xử lý 217 vụ việc liên quan đến yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài.

Từ thực tế giải quyết các loại việc liên quan đến hoạt động trọng tài, bà Dung đã chỉ ra 10 nội dung vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai và thực hiện Luật TTTM.

Đầu tiên, Phó Chánh án TAND Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng phạm vi điều chỉnh của Luật TTTM chưa được quy định rõ ràng. Từ nội dung quy định tại Điều 1 Luật TTTM dẫn tới thực tế có 2 quan điểm nhận thức khác nhau về phạm vi điều chỉnh của Luật gây khó khăn cho việc xác định thẩm quyền của trọng tài. 

Cụ thể, quan điểm thứ nhất, Luật TTTM chỉ áp dụng đối với các quyết định của Trọng tài trong nước. Quan điểm thứ hai, Luật này cũng có thể được áp dụng cả đối với các quyết định của Trọng tài nước ngoài trong quá trình giải quyết tranh chấp nếu quyết định được tuyên tại Việt Nam hoặc địa điểm giải quyết vụ tranh chấp tại Việt Nam. 

 

Bà Dung cho rằng: “Nếu theo Luật mẫu và Công ước New York 1958 thì theo quan điểm tôi, phạm vi điều chỉnh nên thiết kế theo hướng mở rộng phạm vi về thẩm quyền”.

Tiếp đó, bà Nguyễn Thị Thuỳ Dung đã góp ý đến ngôn ngữ tố tụng trọng tài. Trên thực tế, trung tâm trọng tài có bổ sung thêm nội dung “hội đồng trọng tài quyết định có tính đến yếu tố của hợp đồng”. Việc bổ sung này rất đúng đắn và hợp lý bởi ngôn ngữ được sử dụng trong hợp đồng cũng như quá trình thực hiện hợp đồng là chứng cứ cực kỳ quan trọng trong quá trình tố tụng trọng tài.

Về gửi thông báo và trình tự gửi thông báo, bà Nguyễn Thị Thuỳ Dung chia sẻ: “Từ thực tế giải quyết các yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, bên yêu cầu cho rằng, trong quá trình tố tụng trọng tài họ không nhận được văn bản tố tụng của trọng tài vì công ty không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký. 

Chúng tôi có kiểm tra hồ sơ thì đúng là hội đồng trọng tài gửi các thông báo đến các trụ sở công ty nhưng do công ty không còn hoạt động tại địa chỉ đó dẫn đến việc họ không nhận được thông báo từ hội đồng trọng tài”.

Trong khi đó, Luật Tố tụng dân sự 2015 quy định cực kỳ chặt chẽ việc tống đạt cho đương sự, từ tống đạt trực tiếp, tống đạt cho người thứ ba, niêm yết tại địa phương và thông báo trên báo đài. Từ đó, bà Dung cho rằng thủ tục trọng tài cần quy định chặt chẽ hơn việc gửi thông báo hoặc xác minh địa chỉ để đảm bảo quyền tố tụng của các đương sự.

Hủy phán quyết trọng tài và những vấn đề cần làm rõ

Về tiêu chuẩn trọng tài viên, bà Dung kiến nghị cần chuẩn hóa trình độ của Trọng tài viên, tối thiểu là cử nhân luật và phải trải qua các lớp nghiệp vụ về Trọng tài. Do đó, tiêu chuẩn Trọng tài viên cần được quy định chặt chẽ, tiêu chuẩn hoá hơn những  hơn theo tiêu chuẩn được quy định tại điều 20 Luật TTTM.

Liên quan đến quyền và nghĩa vụ của Trọng tài viên, Phó Chánh án Toà án nhân dân Tp. Hồ Chí Minh cho rằng cần bổ sung chế tài đối với trọng tài viên trong trường hợp họ cố ý ban hành phán quyết không đúng quy định pháp luật. 

Toàn cảnh Hội thảo góp ý dự thảo Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật Trọng tài thương mại.

Báo cáo về căn cứ hủy phán quyết trọng tài, Ths. Dung cho biết mặc dù đã có quy định liên quan đến giải thích phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, cách giải thích không thực sự rõ ràng, còn mang tính chung chung nên dễ dẫn đến tình trạng có nhiều cách hiểu khác nhau và áp dụng khác nhau bởi tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh thương mại có phạm vi rộng, liên quan đến nhiều hệ thống văn bản pháp luật khác nhau, như: Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán,... thì sẽ rất khó cho việc xác định đâu là nguyên tắc cơ bản và đâu là nguyên tắc không cơ bản.

Do đó, bà Dung cho rằng cần quy định dễ hiểu hơn, cụ thể hơn về các nguyên tắc cơ bản của luật pháp Việt Nam. 

Về quy định thời hiệu thi hành, bà Thuỳ Dung chỉ ra thực tế vướng mắc khi cơ quan thi hành án thường có văn bản hỏi Tòa án liên quan đến thông tin yêu cầu hủy phán quyết trọng tài không. Tuy nhiên, tòa án không có quy định nào trả lời những dạng văn bản này, dẫn đến mất thời gian của bên được thi hành.

Từ đó, Phó Chánh án TAND Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị bỏ quy định này, bên phải thi hành phải chứng minh tại cơ quan thi hành án là nộp đơn đề nghị hủy phán quyết trọng tài.

2 vấn đề cuối cùng được bà Dung đưa ra ý kiến góp ý là thời hiệu khởi kiện và thẩm quyền chuyên biệt của tòa án. Theo bà Dung, đây là các vấn đề còn chưa thống nhất, cần có sự cân nhắc và tham vấn ý kiến của các nhà làm luật Việt Nam.