Bình tĩnh sống

Nền tảng "Giúp tôi!": Giải pháp công nghệ hỗ trợ chống dịch Covid-19

Nền tảng "Giúp tôi!" không chỉ hỗ trợ kết nối, chăm sóc y tế, mà còn góp phần mở ra kỷ nguyên mới cho việc ứng dụng nền tảng công nghệ số trong y học.

Trước bối cảnh dịch bệnh khủng hoảng như hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước đang phải gồng mình chống chịu các ca lây nhiễm ngày một tăng trong cộng đồng.

Tại TP.HCM, nơi tâm dịch đang căng thẳng nhất hiện đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà cho 40.451 ca F0. Trong đó, 19.243 trường hợp cách ly tại nhà ngay từ đầu và 21.208 F0 sau xuất viện. Từ cuối tháng 7, khi các bệnh viện quá tải, thành phố cho phép F0 không triệu chứng được cách ly ở nhà.

Theo đó, điều trị F0 tại nhà là trụ cột đầu tiên trong chiến lược điều trị 2 trụ cột của toàn thành. Tuy nhiên, số lượng tử vong tại nhà của F0 rất lớn, song song là tâm lý hoang mang lo sợ dẫn đến tình trạng bệnh tình có xu hướng nặng hơn.

Dự án nhân văn kết nối, chăm sóc y tế

Trong bối cảnh đó, nhu cầu kết nối của người bệnh với đội ngũ tư vấn y tế là rất lớn. Chính vì vậy, nền tảng "Giúp Tôi!" mới ra mắt ngày 25/8 vừa qua đã góp phần giải quyết bài toán kết nối y tế trước tình hình dịch bệnh phức tạp.

Thông qua ứng dụng này, người dân thuộc nhóm F0 và Fx đang cách ly tại nhà cần hỗ trợ tư vấn sức khoẻ hay người dân đang cần hỗ trợ về vấn đề tâm lý sẽ được kết nối trực tuyến với bác sĩ. Theo đó, người bệnh chỉ cần mở app, mô tả vấn đề mình đang gặp phải, hệ thống sẽ lập tức liên kết người dùng với một bác sĩ phù hợp trong dự án để trao đổi chuyên sâu.

Đồng thời, các bác sĩ, chuyên gia có thể bật ứng dụng xem yêu cầu của người dân và sẽ chat hoặc gọi điện video trực tiếp thăm khám. Từ đó, các y bác sĩ có thể giúp thêm được người dân trong mùa dịch dù ở bất kỳ đâu mà không tốn nhiều thời gian.

Để có những đánh giá khách quan và đa chiều về dự án, Hội thảo trực tuyến “Nền tảng Giúp Tôi! công nghệ kết nối nhu cầu trong thời dịch Covid-19” do Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia, bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với dự án đã được tổ chức vào ngày 28/8 vừa qua.

Chia sẻ tại hội thảo, TS. Trần Việt Hùng- người đồng sáng lập dự án "Giúp tôi!" cho biết, với mục đích thông qua công nghệ giúp giảm tải cho đội ngũ cán bộ y tế đang ngày đêm chống dịch, nền tảng "Giúp Tôi!" được cấp tốc xây dựng và ra đời trong vòng 2 tuần bởi hơn 200 tình nguyện viên người Việt trên khắp thế giới, hoàn toàn miễn phí để phục vụ cộng đồng.

 “Bên cạnh những người thuộc nhóm F0, Fx, hiện còn nhiều đối tượng như  thai phụ, trẻ em, người già có bệnh mãn tính, người khuyết tật, người có bệnh nền cũng như người có vấn đề về tâm lý rất cần sự tư vấn hỗ trợ về chuyên khoa khi hầu hết các bệnh viện đều quá tải, không thể đến thăm khám trực tiếp. Với mong muốn chung tay góp sức vì một Việt Nam chiến thắng đại dịch, dự án Giúp tôi! đã ra đời”, bác sĩ Hùng cho biết.

Đánh giá về dự án "Giúp Tôi!", Ths.BS. Nguyễn Trọng Khoa- Lãnh đạo cục Quản lý Khám chữa bệnh, bộ Y tế cũng cho rằng đây là nền tảng kết nối vô cùng cần thiết để hỗ trợ y tế và sức khỏe tâm lý cho người dân. Theo ông, Giúp tôi! không chỉ đáp ứng kịp thời nhu cầu được hỗ trợ, tư vấn nhanh chóng của người dân, mà còn là ứng dụng công nghệ tiên phong dẫn dắt, tránh gây hoang mang cho cộng đồng và kết nối người có thể giúp và người cần giúp lại với nhau.

Đồng quan điểm, BS. Vương Thành Huấn đánh giá thêm, dự án là một hướng đi mới, mặc dù ra đời “gấp” nhưng đã đảm bảo giải quyết tốt vấn đề bảo mật, đảm bảo sự riêng tư thông tin của người dân trên hệ thống - đây chính ưu điểm “nhân văn” nền tảng mang đến.

Cũng theo BS. Huấn, trong đại dịch, việc ổn định tâm lý con người có vai trò quan trò quan trọng nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh. Khi mọi người dân bị hạn chế di chuyển, thực hiện việc giãn cách xã hội ở nhà lâu ngày, điều này dễ sinh ra các vấn đề stress, ám ảnh bệnh tật… Do đó, khi nền tảng ra đời, người dân chỉ mất vài phút thông qua công nghệ số, và nhờ nền tảng, mọi thắc mắc, lời khuyên đã được đưa ra, giải quyết hết các vấn đề.

“Nền tảng cần được phát triển, lan tỏa để không chỉ hỗ trợ, giúp đỡ mọi người dân mà ngược lại đang giúp hỗ trợ hệ thống y tế giảm bớt những gánh nặng, khó khăn, quá tải hiện nay”, BS Huấn đánh giá.

Giảm gánh nặng cho ngành y tế

Ở một khía cạnh khác, PGS-TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho rằng nền tảng giúp ngành Y tế giải quyết bài toán quá tải cho các tuyến bệnh viện điều trị. Qua nền tảng này sẽ góp phần phát hiện và hỗ trợ sớm cho những ca nhiễm mới, giảm tải gánh nặng khi ngành y tế hiện đã quá tải 500%.

Hội thảo có sự góp mặt của nhiều lãnh đạo cơ quan nhà nước, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực y tế

"Bên cạnh đó, nền tảng này cũng mở ra kỷ nguyên mới cho việc ứng dụng nền tảng công nghệ số trong y học. Trong tương lai, khi người dân muốn khám, chữa bệnh có thể thực hiện các nền tảng số để đặt lịch trước đối với các bác sĩ khám, đó một hướng đi của y tế thông minh. Công đoàn ngành Y tế mong muốn người dân, cộng đồng cần tích cực lan tỏa sử dụng nền tảng để góp phần với đạt mục tiêu chung chiến thắng dịch bệnh", BS. Bình chia sẻ.

Để đảm bảo tăng hiệu quả chương trình và thu hút đông đảo cộng đồng tham gia sử dụng nền tảng, BS. Bình đề xuất, nhất thiết trong quá trình đội ngũ bác sĩ, chuyên gia khi tư vấn nên có sự thống nhất theo khung chuẩn về hướng dẫn tư vấn mà Cục Quản lý khám chữa bệnh nên sớm xây dựng).

Đồng thời, Công đoàn Y tế bộ sẽ là đơn vị đầu mối để tập hợp những ý kiến phản hồi hai chiều từ các cán bộ y tế, bác sĩ, chuyên gia tư vấn và người dùng. Ngoài ra, cần đảm bảo thông suốt về mặt công nghệ để vận hành hiệu quả.

Ghi nhận những góp ý của chuyên gia, TS. Trần Việt Hùng cho biết, với sự trợ giúp của nhiều kỹ sư, nhà sản xuất sản phẩm giỏi, dự án sẽ cố gắng hoàn thiện để nền vận hành một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, đội ngũ phát triển nền tảng sẽ liên tục nhận phản hồi, theo dõi các trường hợp tư vấn để đảm bảo hoàn thiện về mặt công nghệ của ứng dụng.

"Giúp Tôi!" được khởi xướng bởi liên minh bốn đơn vị, gồm STEAM for Việt Nam, Got It! Việt Nam, Kompa Group và Filum, hỗ trợ bởi Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Trung tâm công nghệ phòng chống dịch Covid-19.

Ngoài tính năng chính về kết nối y tế, đội ngũ "Giúp Tôi!" đang làm việc tích cực để cho ra mắt trong tương lai sớm nhất các tính năng hỗ trợ khác cho người dân trong vùng dịch như kết nối về nhu yếu phẩm, trợ giúp giáo dục, việc làm…

"Giúp tôi!" đã lên Google Play hoặc Apple Store và nhận được hàng nghìn lượt tải về và đăng ký. Hiện ứng dụng đã vận hành và những bước cuối cùng để nâng khả năng xử lý lên mức 300.000 lượt mỗi ngày.