Thế giới

Nền kinh tế Mỹ đối mặt với thách thức đáng lo ngại

Fed đang trong tình cảnh không mấy dễ chịu khi họ vừa phải nỗ lực kiềm chế lạm phát, vừa phải phải đảm bảo cú “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế số 1 thế giới.

Người dân Mỹ đang phải đối mặt với một số rắc rối thường ngày, ví dụ khi một vị khách bị thất lạc hành lý sẽ khó tìm thấy sự trợ giúp từ nhân viên ở sân bay, hay khi một thực khách phải chờ nửa giờ đồng hồ để thanh toán hóa đơn tại một nhà hàng. Những rắc rối như vậy đến từ một thách thức mà nền kinh tế Mỹ đang phải đối mặt: Thiếu hụt lao động nghiêm trọng.

Các nhà kinh tế cũng đồng ý với quan điểm này. Nhiều chuyên gia cho rằng sự mất cân bằng trong cung - cầu lao động là một trong những thách thức hiện nay của nền kinh tế Mỹ, và có vượt qua được thử thách này thì nền kinh tế số 1 thế giới mới có thể thực hiện một cú “hạ cánh mềm”, đảm bảo tỷ lệ lạm phát cao nhất trong 4 thập kỷ giảm xuống trong khi tỉ lệ thất nghiệp không tăng đến mức gây ra suy thoái.

Tuy nhiên, việc nguồn cung lao động đang bị thu hẹp là điều nằm ngoài kịch bản. Lực lượng lao động Mỹ nay đã ít hơn khoảng 600.000 người so với đầu năm 2020, khi Covid-19 gây ra một cuộc suy thoái nặng nề nhưng chỉ trong thời gian ngắn. Con số này thậm chí còn thấp hơn vài triệu nữa nếu xét đến sự gia tăng dân số. Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, từ tháng 3 đến nay, số lượng lao động đã giảm 400.000 người so với hồi chưa bùng dịch.

Bộ Lao động Mỹ cũng cho biết, tỉ lệ tham gia lực lượng lao động – tỉ lệ người dân từ 16 tuổi trở lên đang làm việc hoặc tìm việc làm – là 62,1% trong tháng 7, thấp hơn so với con số 62,4% trong tháng 3 và 63,4% trước đại dịch.

Người đi bộ đi ngang qua biển quảng cáo tuyển nhân viên ở Arlington, bang Virginia, Mỹ, ngày 16/3/2022. Ảnh: NPR

Nguyên nhân gây thiếu hụt lao động

Các chuyên gia đã chỉ ra một số nguyên nhân chính gây ra tình trạng thiếu hụt lao động trong nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Thứ nhất, các khoản trợ cấp thất nghiệp tăng cường, chi trả tác động kinh tế, hay việc không thể ra ngoài và chi tiêu trong thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch giúp người Mỹ tiết kiệm được 4.000 tỷ USD kể từ đầu năm 2020. Ngoài ra, họ còn được hưởng vài trăm USD trợ cấp thất nghiệp mỗi tuần (chấm dứt vào tháng 9/2021). Do đó, 68% số người thất nghiệp còn được hưởng nhiều hơn so với lúc họ còn đi làm.

Thu nhập cao hơn và số tiền tiết kiệm được đã giúp nhiều người ổn định kinh tế và không cần tham gia vào lực lượng lao động.

Thứ hai, tính đến tháng 10/2021, đại dịch đã khiến hơn 3 triệu người trưởng thành phải nghỉ hưu sớm. Nhìn chung, số người từ 55 tuổi trở lên rời khỏi lực lượng lao động do nghỉ hưu đã tăng từ 48,1% trong quý III/2019 lên 50,3% vào quý III/2021.

Nguyên nhân thứ ba đến từ sự hạn chế trong dịch vụ chăm sóc trẻ em. Kể cả khi đại dịch chưa bùng phát, việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc trẻ em chất lượng cao, giá cả phải chăng đã là một vấn đề nan giải đối với người Mỹ.

Một báo cáo gần đây của Phòng Thương mại và Quỹ Ủy thác Giáo dục Mỹ (The Education Trust) cho thấy, đại dịch đã tạo ra một vòng luẩn quẩn trong ngành công nghiệp này.

Để trở lại làm việc, người lao động cần nơi giữ trẻ đáng tin cậy. Tuy nhiên, các bên cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em lại đang phải đối mặt với những thách thức to lớn. Nhiều cơ sở đã phải đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô. Từ tháng 2 đến tháng 4/2020, ngành công nghiệp này đã mất 370.600 việc làm, 95% trong số đó do phụ nữ đảm nhiệm. Đến cuối tháng 9/2021, việc làm trong ngành chăm sóc trẻ em vẫn thấp hơn 10% so với mức trước đại dịch.

Trẻ em chơi đùa tại Trung tâm chăm sóc trẻ em Kinder Kare, bang Michigan, Mỹ. Ảnh: New York Times

Thứ tư, với tinh thần khởi nghiệp, một số người lao động đã nghỉ việc để tự mở cơ sở kinh doanh. Trong 2 năm qua, gần 10 triệu đơn đăng ký kinh doanh mới đã được nộp lên. Riêng trong năm 2020, hơn 4 triệu doanh nghiệp mới đã được thành lập.

Ngoài ra, theo cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ, 33% phụ nữ cho biết họ không thể trở lại làm việc vì phải ở nhà và chăm sóc con cái hoặc các thành viên khác trong gia đình. 28% nam giới cho biết lĩnh vực họ tham gia vẫn còn nhiều khó khăn, không có đủ công việc tốt để quay trở lại làm việc.

Bên cạnh đó, một số người vẫn còn lo ngại về Covid tại nơi làm việc, e ngại mức lương quá thấp, hoặc đang tập trung nâng cao kỹ năng trước khi tham gia lại vào thị trường lao động.

Tình cảnh khó chịu của Fed

Trong ngắn hạn, cải thiện nguồn cung lao động là vấn đề bức thiết để ngăn chặn một cuộc suy thoái nghiêm trọng hơn trong một vài năm tới.

Ông Michael Pugliese, nhà kinh tế cấp cao tại Wells Fargo, cho biết: “Hạ cánh mềm nghĩa là nhu cầu lao động giảm trong khi nguồn cung tăng lên, và chúng ta đạt được trạng thái cân bằng lành mạnh ở giữa. Nhưng nếu nguồn cung lao động đi ngang hoặc tiếp tục giảm, chúng ta sẽ phải hạ thấp nhu cầu hơn nữa để kìm hãm tốc độ tăng lương”.

Trong quý II/2022, tiền lương của lao động khu vực tư nhân ở Mỹ tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất kể từ mức tăng kỷ lục vào năm 2001. Tiền lương của lao động nói chung cũng tăng mạnh trong tháng 7.

Một người đàn ông đeo khẩu trang ngồi trước khu mua sắm ở San Mateo, bang California, Mỹ. Ảnh: Xinhua

Tình hình này không mấy dễ chịu với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), khi họ đang nỗ lực đưa lạm phát trở về mức 2% bằng cách tăng lãi suất.

Ông Peter Berezin, trưởng chiến lược gia toàn cầu tại BCA Research, nói: “Mặc dù lương đã tăng, nhưng có lẽ vẫn chưa đủ vì khi thiếu nhân lực, mọi người vẫn phải kiêm thêm việc khác. Người sử dụng lao động có thể sẽ phải tăng lương lên đáng kể trong thời gian điều chỉnh lạm phát, khiến mọi việc càng trở nên khó khăn hơn với Fed”.

Nguyễn Tuyết (Theo WSJ, USChamber)