Thế giới

Nền kinh tế đầu tàu châu Âu chìm sâu hơn vào suy thoái

Những khó khăn hiện tại của Đức là do hậu quả của cuộc khủng hoảng giá năng lượng, chi phí vay tăng cao và sự suy thoái ở các đối tác thương mại quan trọng.

Các nhà dự báo kinh tế vừa mang lại tin rất không vui cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu: Đức sẽ chịu một cuộc suy thoái sâu sắc hơn dự kiến.

Nền kinh tế Đức, vốn bị ảnh hưởng bởi lạm phát cao và suy thoái sản xuất, được dự đoán sẽ giảm 0,5% trong năm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết hôm 10/10. Trước đó, hồi tháng 7, tổ chức cho vay toàn cầu này dự báo mức giảm 0,3%.

Đức dự kiến cũng sẽ là nền kinh tế duy nhất trong Nhóm 7 quốc gia công nghiệp hóa cao (G7) không đạt được mức tăng trưởng vào năm 2023, IMF cho biết.

Quốc gia Tây Âu phải đối mặt với nhiều trở ngại bao gồm “sự yếu kém trong các lĩnh vực nhạy cảm với lãi suất và nhu cầu đối tác thương mại chậm hơn”, tổ chức cho vay toàn cầu có trụ sở tại Washington DC cho biết trong báo cáo mới nhất của mình.

Theo sau sự suy thoái vào đầu năm 2023 và sự trì trệ trong quý II, Đức đang hướng tới một “sự suy thoái kinh tế nhẹ” khác trong nửa cuối năm nay, IMF cho biết, đồng thời chỉ ra rằng nền kinh tế số 1 châu Âu sẽ phục hồi vào năm 2024, nhưng đã hạ kỳ vọng tăng trưởng xuống 0,9% so với mức 1,3% mà chính cơ quan này dự báo hồi tháng 7.

Trong bản cập nhật triển vọng kinh tế công bố hôm 11/10, Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz cũng dự báo nền kinh tế Đức sẽ thu hẹp trong năm nay và tăng trưởng yếu hơn dự kiến vào năm 2024.

Bộ trưởng Kinh tế kiêm Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck lưu ý rằng nền kinh tế hàng đầu châu Âu sẽ tăng trưởng trở lại trong năm tới. Ảnh: Straits Times

Bộ Kinh tế Đức cho biết, GDP của nước này có thể sẽ giảm 0,4% vào năm 2023, ngược lại so với dự báo tăng trưởng 0,4% được công bố hồi cuối tháng 4. Năm tới, Bộ Kinh tế Đức dự kiến mức tăng trưởng là 1,3%, yếu hơn mức 1,6% dự báo trước đó.

Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck, người đồng thời là Phó Thủ tướng Đức, cho rằng “những khó khăn” hiện tại của quốc gia là do hậu quả của cuộc khủng hoảng giá năng lượng, chi phí vay tăng cao và sự suy thoái ở các đối tác thương mại quan trọng.

“Cũng có những điểm rắc rối về địa chính trị đang làm gia tăng sự bất ổn”, ông Habeck cho biết trong một tuyên bố gửi qua email cho Bloomberg. “Do đó, chúng tôi đang thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng chậm hơn dự kiến”.

Tuy nhiên, ông dự đoán một “sự phục hồi bền vững” được hỗ trợ bởi lạm phát giảm và thu nhập thực tế tăng lên, mà theo ông là “cơ sở cho sự hồi sinh kinh tế trong nước”.

Bộ trưởng Habeck xác định “vấn đề cơ cấu cấp bách nhất” của Đức là sự khan hiếm lao động, cả lao động có trình độ và lao động phổ thông, đồng thời cảnh báo rằng dân số già sẽ chỉ làm tình hình trở nên trầm trọng hơn.

“Chúng tôi phải tiếp tục làm mọi thứ có thể để tận dụng tốt hơn tiềm năng lao động trong nước thông qua trình độ chuyên môn”, ông nói. “Tuy nhiên, rõ ràng là Đức cũng phụ thuộc vào người nhập cư để đáp ứng nhu cầu lực lượng lao động, tạo ra tăng trưởng và đảm bảo sự thịnh vượng”.

Đề cập đến cuộc tranh cãi hiện nay về số lượng người tị nạn ngày càng tăng, ông Habeck cho biết Chính phủ Đức quyết tâm giúp đỡ những người đến Đức tham gia thị trường lao động một cách hợp pháp, đồng thời cần phải làm nhiều hơn nữa để đảm bảo rằng những người đang cư trú ở nước này bất hợp pháp có thể rời đi nhanh chóng hơn.

Minh Đức (Theo Bloomberg, DW)