Xu hướng thị trường

"Nên để doanh nghiệp tư nhân đầu tư đường cao tốc, sân bay"

ĐBQH Nguyễn Như So cho rằng, các dự án như thiết kế, xây dựng hạ tầng, sân bay, đường cao tốc… nếu thu hút được nguồn vốn tư nhân là hiệu quả, nhanh chóng hơn, tránh được hiện tượng tiêu cực.

Thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 30/10 về tình hình kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020, đã có tới 105 đại biểu đăng ký phát biểu ngay từ đầu giờ sáng.

Đánh giá về kinh tế tư nhân thời gian qua, ĐBQH Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) cho rằng đây là động lực đóng góp cho nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, hiện khu vực này chỉ đang được đánh giá dưới dạng tiềm năng, chưa bứt phá được để trở thành trụ cột mới của nền kinh tế.

ĐBQH Nguyễn Như So - Chủ tịch tập đoàn Dabaco. Ảnh: Ngọc Thắng.

Là Chủ tịch tập đoàn Dabaco Việt Nam - một trong những doanh nghiệp chăn nuôi có quy mô lớn tại Bắc Ninh, theo ông So, thời gian qua, Chính phủ có một số văn bản hỗ trợ kinh tế tư nhân nhưng phần lớn doanh nghiệp không thể tiếp cận, hưởng thụ nguồn ưu đãi đã được quy định.

ĐBQH đoàn Bắc Ninh nhấn mạnh, phải có sự đột phá về cơ chế chính sách, cần tập trung phát triển nguồn nhân lực thông qua đổi mới các mảng, hoàn thiện giáo dục, đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy hoàn thiện cơ chế thị trường, xây dựng quảng bá thương hiệu, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, giúp kinh tế tư nhân nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.

Nhà nước phải đẩy mạnh khuyến khích, hỗ trợ, nâng cao năng lực quản trị, trình độ công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu chuyển giao công nghệ giúp doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững. Qua đó, thu hút kinh tế tư nhân, tham gia sâu vào lĩnh vực mà lâu nay vốn độc quyền của Nhà nước, như thiết kế, xây dựng hạ tầng, sân bay, đường cao tốc…

“Thực tế cho thấy đầu tư từ nguồn vốn tư nhân là hiệu quả, nhanh chóng hơn, tránh được hiện tượng tiêu cực”, ông So nói.

Trước đó, liên quan đến vấn đề xây dựng hạ tầng, sân bay, dự án đầu tư sân bay Long Thành giai đoạn 1 quy mô 4,6 tỷ USD - tương đương 111.000 tỷ đồng nhận được sự quan tâm lớn của cử tri cũng như ĐBQH, Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua nghị quyết giao Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư các hạng mục chính giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 khó chọn ai khác ngoài ACV.

Lý do được Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đưa ra, do không đầu tư công thì phải phát hành hồ sơ mời thầu để chọn nhà đầu tư, chắc chắn sẽ đấu thầu trong nước, do sân bay gắn với an ninh quốc gia.

Vì đây là lĩnh vực đầu tư đặc thù, nên theo Bộ trưởng thì chỉ có duy nhất một cái tên đủ khả năng thực hiện là ACV.

Vốn Nhà nước đang chiếm 95% vốn của ACV, tới đây phần vốn Nhà nước tiếp tục tăng lên đến gần 100%, ACV cũng đang quản lý, khai thác 21/22 cảng hàng không của cả nước, ông Thể nêu lý do chọn ACV.

"Ngoài ACV ra , không doanh nghiệp nào đủ điều kiện quản lý sân bay để tổ chức đấu thầu”, Bộ trưởng Thể nhấn mạnh.

“Nếu tổ chức đấu thầu thì mất thêm 1,5 năm nữa mà đáp án cuối cùng cũng chỉ có 1, rồi nhà đầu tư mới bắt đầu chuẩn bị làm hồ sơ, thiết kế. Như vậy có thể khởi công vào năm 2022-2023 chứ không thể khởi công vào năm 2021 như kế hoạch. Chính phủ báo cáo Quốc hội, nếu chỉ định thầu ngay thì kịp, nếu tổ chức đấu thầu, cũng khó chọn ai khác ngoài ACV”, ông Thể tiếp tục nhấn mạnh lý do cần chỉ định thầu dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 cho ACV.

Hoa Liên - Công Luân