Môi trường

Nếu “cống hóa” sông Tô Lịch mất nhiều hơn được

Theo các chuyên gia đã có nhiều năm nghiên cứu, mức độ ô nhiễm sông Tô Lịch nhận định, việc đề xuất “cống hóa” sẽ mất nhiều hơn được.

Tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội của HĐND TP Hà Nội ngày 8/7, Bí thư quận Hoàn Kiếm, ông Dương Đức Tuấn đề nghị thành phố xem xét "cống hoá" với một số sông có tính chất kênh, mương thoát nước như Tô Lịch, Kim Ngưu vì cho rằng sẽ góp phần giảm thiểu việc xả thải, tăng thêm không gian công cộng, cây xanh và hạ tầng giao thông.

Việc đề xuất “Cống hóa” sẽ mất nhiều hơn được.

Liên quan đến vấn đề này, GS.TS.NGND. Trần Hiếu Nhuệ, nguyên Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ môi trường thuộc Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) cho biết:  “Việc đề xuất “cống hoá” sông Tô Lịch của Bí thư quận Hòa Kiếm, theo tôi, cái được duy nhất chính là có thêm diện tích hạ tầng giao thông đi lại cho người dân.

Tuy nhiên cái không được nhiều hơn, tôi lấy ví dụ ở các nước trên thế giới cũng có rất nhiều kênh, mương chảy qua trung tâm và họ trân trọng điều đó. Vì thế, theo tôi chúng ta phải giữ bằng được dòng sông Tô Lịch và tìm mọi cách cứu lấy nó. Trước đây chúng ta chưa đô thị hoá thì nước sông rất trong và thơ mộng, tuy nhiên hiện nay không chỉ sông Tô Lịch mà rất nhiều sông khác chỉ có nhiệm vụ vận chuyển nước thải hơn là điều hoà khí hậu, tạo cảnh quan đô thị”.

GS.TS.NGND. Trần Hiếu Nhuệ giải thích thêm: “Nhiều chuyên gia có ý kiến cho rằng, giải pháp lâu dài giúp sông Tô Lịch "hồi sinh" là cần thu gom nước thải đưa về nhà máy xử lý, nạo vét bùn tầng đáy, sau đó lắp đặt trạm bơm công suất lớn để dẫn nước tạo dòng chảy.

Tuy nhiên, chúng ta đang tiến hành xây dựng nhà máy nước thải tại Hà Nội, đã có gần 4 năm để xây dựng nhà máy và đang gặp nhiều khó khăn, đến nay mới chỉ hoàn thiện, một số nhà máy cũng mới chỉ giải phóng được mặt bằng. Việc đưa vào sử dụng cần thời gian dài, và kinh tế sẽ tốn rất nhiều”.

GS.TS.NGND. Trần Hiếu Nhuệ, nguyên Viện trưởng Viện kỹ thuật nước và công nghệ môi trường thuộc Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE), Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Trung ương Hội bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam kiêm Trưởng ban Cộng đồng và Phát triển bền vững.

“Chúng tôi cũng đã theo dõi từ đầu khi đặt công nghệ Nano đến giờ, vấn đề lớn chính là kinh tế, qua các số liệu chuyên gia Nhật Bản cung cấp về hiệu quả ứng dụng công nghệ Nano, cá nhân tôi nhận thấy, công nghệ này có triển vọng, lượng bùn đã giảm từ 90cm đã xuống 40cm trong vòng 1 tháng. Đã giải quyết 2 vấn đề, nước thải chảy qua sông Tô Lịch, và lượng bùn dày tại đáy sông. Tôi cho rằng như thế này là đáng khả thi, nhưng tôi mong muốn sẽ được nhân rộng không chỉ sông Tô Lịch mà còn rất nhiều sông khác quanh TP. Hà Nội”, vị giáo sư này cho biết.

Đồng quan điểm trên, GS.TS.NGND. Ngô Đình Tuấn, chủ tịch Hội Môi trường và Tài nguyên nước Việt Nam nói: “Trước hết, muốn đưa sông Tô Lịch muốn trở lại như ngày xưa, chúng ta cần giải quyết vấn đề mùi, nguồn nước và lượng bùn”.

 TS.Takeba Akira, Cố vấn Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản cũng phân tích: “Sông Tô Lịch không có nước cấp, tốc độ dòng chảy, tiếp nhận 280 cống thì không còn gọi là con sông nữa. Việc đưa nước từ nơi khác vào sông chỉ hiệu quả sau khi chúng ta làm sạch ô nhiễm bên trong sông, sau đó sông Tô Lịch mới tiếp nhận nước để tăng lượng nước và tạo dòng chảy, nâng mực nước lên... để dòng sông chết được hồi sinh”.

TS.Takeba Akira, Cố vấn Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản.

Hữu Thắng- Di Hân