Văn hoá

Nay Y K Rư – Một tinh thần trong trẻo

Nay Y K Rư sở hữu trong tay ba bằng đại học và là một cây viết trẻ đang bước vào nghiệp viết văn.

Nay Y K Rư sinh năm 1991, sở hữu trong tay ba bằng đại học, trong đó có hai bằng đại học chính quy là Sư phạm toán và Luật. Anh là một cây viết trẻ đang bước vào nghiệp viết văn.

Nếu là người Chăm sinh ra ở thành phố, thị xã, thị trấn hoặc vùng lân cận thì việc sở hữu tấm bằng đại học sẽ chẳng có gì là ghê gớm. Nhưng, K Rư sinh ra và lớn lên ở làng Ma Đao xã Cà Lúi huyện Sơn Hoà, nơi xa nhất, heo hút nhất, nghèo nhất của tỉnh Phú Yên.

Làng cách trung tâm xã 7 km, cách trung tâm huyện 35 km và cách Thành phố Tuy Hoà 80 km. Làng Ma Đao là địa bàn giáp ranh với xã Đất Bằng (huyện Krông Pa, Gia Lai), giao thông còn đường đất cấp phối; muốn đi chợ trung tâm, người dân phải đến Trà Kê (xã Sơn Hội) cách 14 km. Do điều kiện đi lại, mua bán trao đổi hàng hóa nông sản bất lợi, củ sắn củ khoai, con gà con lợn… muốn đem đi bán cũng muôn phần gian khổ. Như thế đủ để thấy đời sống sinh hoạt của dân làng nghèo khó thế nào.

Nay Y K Rư là anh cả trong một gia đình thuần nông nghèo có bốn anh chị em, nhưng Nay Y Krư lại ốm yếu, sức khỏe kém hơn các em. Khi 5 tuổi, từ một cơn bạo bệnh không được chữa trị kịp thời, chân bị co rút cơ từ bàn chân đến cổ. Từ đó, chân phải ngắn hơn chân trái, nên việc đi lại không mấy cân bằng, vận động khó khăn. Mặc dù cơ thể khiếm khuyết nhưng K Rư sống lạc quan, hòa nhập và rất ham học.

Với một học sinh đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng xa trung tâm, việc đi lại học hành vốn đã vất vả, với một học sinh khuyết tật như Krư thì càng vất vả hơn gấp bội phần. Tuy vậy, K Rư luôn là một học trò chăm ngoan, ham học, chịu thương chịu khó. Một buổi đi học, một buổi tranh thủ đi chăn bò, lội sông mò cua bắt ốc đá, hái rau nút áo, hái măng giúp mẹ cải thiện bữa ăn. Những năm học cấp ba ở Trường THPT Phan Bội Châu, nhiều bạn nghỉ học dần, chỉ còn mình K Rư bám trụ với con chữ.

Rồi K Rư với bước chân tập tễnh, vài bộ quần áo đi học đại học tận Quy Nhơn - Bình Định. K Rư tâm sự: “Những năm tôi học ở Quy Nhơn, gia đình góp nhặt từng đồng để mỗi tháng gửi ra cho cháu 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Nhờ khéo ăn khéo mặc, biết tiết kiệm nên cháu chi tiêu cũng đủ”.

Vất vả, thiếu thốn và những bước chân tập tễnh không làm nhụt ý chí và khát vọng của người con quê hương Cà Lúi. Nhưng, con đường đi đến tương lai chưa bao giờ bằng phẳng, nhung lụa. Học xong đại học Quy Nhơn, loay hoay mãi không kiếm được chỗ làm việc. K Rư tiếp tục thi vào trường đại học Thái Bình Dương. Một lần nữa, gia đình lại khó khăn nối tiếp. Ba mẹ không muốn K Rư học tiếp vì nhà không còn gì để bán, sức khỏe ba mẹ ngày một già. Nợ nần ba mẹ vay nuôi mấy anh em ăn học vẫn chưa biết cách nào để trả. Thế nhưng, thấy K Rư quyết tâm nên ba mẹ bán bò và vay mượn thêm để cho K Rư đi học đại học lần nữa. Nhà có đậu bán đậu, có bắp, sắn thì bán bắp, sắn để cho anh đổ xăng, đóng học phí.

Mỗi ngày K Rư xuống tỉnh, mẹ dậy sớm dỡ cơm gạo với muối mè cho K Rư ăn sáng và trưa. Đường xa, từ nhà xuống trường 80km với nhiều đồi dốc, quanh co, những ngày mưa bão rất vất vả. Song không gì có thể làm lay chuyển ý chí của k Rư, mỗi tuần Krư phải chạy xe 80km xuống Tuy Hòa để học.

Mí Krư (mẹ K Rư) chia sẻ đầy hy vọng: “Vợ chồng già, trong nhà không có gì nhưng cũng ráng lo cho cháu. Bồ lúa, con bò đã bán cả rồi, chỉ mong nó có cái chữ, có công ăn việc làm nuôi thân, giúp ích cho xã hội”.

Nay Y K Rư giữa rừng núi Sơn Hòa, Phú Yên. Ảnh: NVCC

Vừa đi học K Rư vừa tham gia các phong trào hoạt động của làng, của xã. K Rư là uỷ viên Hội người khuyết tật của xã. Bằng kiến thức đã học, K Rư luôn vận động dân làng xây dựng nếp sống mới, giữ gìn môi trường, giữ rừng, giữ gìn văn hoá truyền thống của dân tộc mình, chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước… Với nỗ lực học tập, rèn luyện và cống hiến với quê nhà, cháu vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, được bà con quý mến, yêu thương và tin tưởng giao phó công việc ở thôn.

Già làng Ma Bren đã nói về cháu thế này ạ: “Nay Y Krư là đứa con của buôn làng Ma Đao này. Nó hiền như con nai dưới suối. Nó ham cái học, ngoan cái nết, chỉ tội là bệnh tật từ nhỏ. Trong làng có mấy ai học hết cấp 3, mà nó học tới cử nhân sư phạm, rồi giờ lại tiếp tục xuống núi học đại học luật nữa…”

Giữa chừng câu chuyện, tôi hỏi K Rư: “Dân làng tin em, quý em thế sao em không về làm việc ở xã để được gần dân, giúp dân, xây dựng quê mình?”

K Rư chợt buông tiếng thở dài, dõi ánh mắt xa xăm về phía những ngọn núi mờ xa phía trước, nơi ấy có làng Ma Đao của K Rư. Giọng K Rư trầm xuống: “Buồn lắm anh ạ, tôi đi học đại học là thuộc diện cử tuyển của tỉnh. Học xong muốn xin về làm việc ở xã, nhưng xin mấy lần không được, chẳng hiểu vì lý do gì. Thế là tôi lại thi vào trường đại học Luật học tiếp hệ tại chức. Rồi năm ngoái tôi cùng anh Nguyễn Bá Nha thành lập Công ty cổ phần truyền thông Đam Book. Tôi thấy công việc này cũng phù hợp với kiến thức và sức khoẻ của mình”.

Tôi động viên K Rư: “Việc xin về xã làm việc mà không được cũng đừng buồn, tôi nghĩ thì có thể chính quyền địa phương đã nghĩ tốt cho anh đấy. Họ thấy anh học hành được nhiều thế, trình độ và kiến thức như thế, về làm ở một xã miền núi, chỉ có làm rẫy, chăn nuôi nhì nhằng… thì sẽ rất phí “tài nguyên”. Có thể họ muốn anh có được môi trường làm việc tốt hơn, phù hợp hơn với trình độ và kiến thức của mình, để anh có được nhiều cơ hội và tương lai tốt đẹp hơn”.

Anh mắt K Rư chợt vui hơn: “Có thể như thế thật hả anh. Nếu đúng thế thì tôi sẽ cố gắng để được đóng góp cho quê cháu nhiều hơn, vì công ty mình hiện cũng ở gần làng”.

K Rư hiện nay là Phó tổng giám đốc của Đam Book, một đơn vị Văn hoá truyền thông hoạt động đa ngành nghề. K Rư cũng tài hoa lắm, ngoài công việc kinh doanh, K Rư còn viết văn, làm thơ, làm biên tập sách. Văn, thơ của K Rư đã xuất hiện nhiều trên các báo, tạp chí và in trong một số đầu sách do Đam Book phát hành.

Đam Book cũng là công ty có những hoạt động xã hội rất tốt như: Xây dựng tủ sách miễn phí cho sinh viên của Đại học Nha Trang; Hỗ trợ các cây viết trẻ trong việc xuất bản tác phẩm; Ủng hộ đồng bào miền núi khó khăn, bằng tiền và các sản phẩm, hàng hoá phục vụ sinh hoạt và đời sống của bà con.

Một chàng trai đầy nghị lực và ý chí vượt khó vươn lên. Một người con ưu tú của làng Ma Đao, của dân tộc Chăm Hroi, yêu quê hương mình, dân tộc mình tha thiết. Tôi tin K Rư sẽ trưởng thành và cống hiến cho quê hương, cho dân tộc và đất nước nhiều. Khát vọng của K Rư sẽ thành hiện thực và làng Ma Đao sẽ luôn tự hào về người con yêu quý của lũ làng.

Nhà văn Trịnh Hoàng Nghi