Thế giới

NATO, Mỹ cam kết hỗ trợ nhiều hơn cho Ukraine

Người đứng đầu NATO cũng nhấn mạnh trách nhiệm ngăn chặn cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine trở thành một cuộc chiến tranh toàn diện ở châu Âu.

Liên minh quân sự phương Tây lo ngại Nga có thể đang chuẩn bị một cái cớ để sử dụng vũ khí hóa học, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với các phóng viên sau hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels hôm 24/3.

Khi được hỏi liệu NATO có cung cấp cho Ukraine những vũ khí và thiết bị mà Tổng thống Volodymyr Zelensky yêu cầu hay không, ông Stoltenberg cho biết, các thành viên liên minh đã cung cấp vũ khí và thiết bị, nhưng "đồng thời, chúng tôi có trách nhiệm ngăn chặn cuộc xung đột này trở thành một cuộc chiến tranh toàn diện ở Châu Âu".

Ông Stoltenberg cho biết, NATO sẽ tăng cường hỗ trợ Ukraine cũng như các hoạt động triển khai ở Đông Âu.

Các thành viên NATO đang "trang bị cho Ukraine các viện trợ quân sự quan trọng bao gồm các hệ thống chống tăng, phòng không và máy bay không người lái, vốn đang chứng tỏ hiệu quả cao, cũng như viện trợ nhân đạo và tài chính đáng kể", ông Stoltenberg nói.

“Hôm nay chúng tôi đồng ý làm nhiều việc hơn, bao gồm hỗ trợ an ninh mạng và thiết bị để giúp Ukraine tự bảo vệ mình khỏi các mối đe dọa sinh học, hóa học, phóng xạ và hạt nhân.

Người đứng đầu NATO cũng cam kết hỗ trợ nhiều hơn cho các quốc gia khác đang đối mặt với các mối đe dọa, đó là Gruzia và Bosnia.

Các nhà lãnh đạo của liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương do Mỹ dẫn đầu đã đồng ý tăng cường khả năng phòng thủ dọc theo sườn phía Đông của liên minh bằng cách triển khai các thành phần của Lực lượng ứng phó NATO và bố trí 40.000 quân ở sườn phía Đông, các lãnh đạo NATO cho biết trong một tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp ở Brussels hôm 24/3.

“Chúng tôi cũng đang thành lập thêm 4 nhóm chiến đấu đa quốc gia ở Bulgaria, Hungary, Romania và Slovakia. Chúng tôi đang thực hiện tất cả các biện pháp và quyết định để đảm bảo an ninh và quốc phòng của tất cả các Đồng minh trên tất cả các lĩnh vực và với cách tiếp cận 360 độ”, họ cho biết thêm.

Tuyên bố cho biết các biện pháp của liên minh "vẫn mang tính phòng ngừa, tương xứng và không leo thang".

Tổng thống Mỹ ủng hộ hỗ trợ phòng không cho Ukraine

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang hội kiến với lãnh đạo các nước G7 tại Brussels trong một cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp của nhóm này bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO vừa bế mạc ở Brussels hôm 24/3.

Cuộc hội đàm giữa các cường quốc phương Tây hàng đầu thế giới có thể nhằm gửi một tín hiệu tới Nga về sự thống nhất và cam kết của phương Tây trong việc bảo vệ châu Âu, trang Times of Israel cho biết.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hội kiến với lãnh đạo các nước G7 tại trụ sở của NATO ở Brussels, ngày 24/3/2022. Ảnh: Times of Israel

Trong một tuyên bố của Nhà Trắng, ông Biden cho biết, Mỹ và các đồng minh cam kết cung cấp các thiết bị bổ sung, bao gồm cả hệ thống phòng không, để giúp Ukraine.

Kiev đã yêu cầu các khẩu đội phòng không để chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga.

Ông Biden cho biết, NATO “sẽ tiếp tục hỗ trợ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và chính phủ của ông với lượng hỗ trợ an ninh đáng kể và ngày càng tăng để chống lại Nga".

Ông Biden cũng cho biết, việc NATO triển khai thêm lực lượng sẽ gửi một "tín hiệu mạnh mẽ" tới Nga, lưu ý rằng vào tháng 6, liên minh phòng thủ sẽ phát triển các kế hoạch cho các biện pháp bổ sung và một chiến lược mới "để đáp ứng bất kỳ thách thức nào trong môi trường an ninh mới và nguy hiểm hơn".

Minh Đức (Theo DW, Times of Israel)