Thế giới

NATO gặp nhau giữa cuộc khủng hoảng an ninh nghiêm trọng nhất

Thượng đỉnh NATO ở Madrid bị phủ bóng bởi cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine đang bùng phát mạnh mẽ trên khắp đất nước Đông Âu.

Các nhà lãnh đạo NATO dự họp tại Madrid hôm 29/6 dự kiến sẽ công bố Nga là mối đe dọa đối với an ninh của họ trong bối cảnh NATO đang chuẩn bị đại tu hệ thống phòng thủ của mình nhằm phản ứng với cuộc xung đột quân sự ở Ukraine, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết.

“Chúng ta sẽ tuyên bố rõ ràng rằng Nga đặt ra mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh của chúng ta”, ông Stoltenberg cho biết trước khi công bố kế hoạch chiến lược mới của NATO.

Ông Stoltenberg cho biết Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Madrid là sự kiện "mang tính lịch sử và tính chất chuyển đổi" đối với liên minh quân sự 70 tuổi này trong bối cảnh NATO đang phải vật lộn với tác động từ cuộc tấn công quân sự của Nga vào Ukraine.

“Chúng ta gặp nhau giữa cuộc khủng hoảng an ninh nghiêm trọng nhất mà chúng ta phải đối mặt kể từ Thế chiến II”, người đứng đầu NATO nói.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg chào mừng Tổng thống Mỹ Joe Biden đến bắt đầu Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Madrid, Tây Ban Nha, ngày 29/6/2022. Ảnh: Al Jazeera

Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận sẽ “bật đèn xanh” cho Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự này, thì xung đột Nga-Ukraine sẽ là vấn đề trọng tâm được đem ra bàn thảo ở Hội nghị Thượng đỉnh NATO lần này.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã được mời dự họp và sẽ phát biểu 2 lần qua liên kết video. Kiev dự kiến sẽ thúc đẩy các đồng minh bàn giao vũ khí nhanh chóng hơn.

Các nước NATO, vốn đã cam kết hỗ trợ quân sự hàng tỷ USD cho Ukraine, sẽ nhất trí với một "gói hỗ trợ toàn diện cho Ukraine, để giúp họ duy trì quyền tự vệ", ông Stoltenberg cho biết. "Điều cực kỳ quan trọng là chúng ta sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Ukraine".

Thượng đỉnh NATO năm nay bị phủ bóng bởi cuộc xung đột quân sự đang bùng phát mạnh mẽ trên khắp Ukraine, đặc biệt là ở khu vực Donbass ở miền Đông, nơi Nga đang dồn sức tấn công.

Tình hình ở Lysychansk rất khó khăn”

Trên thực địa, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) hôm 28/6, các lực lượng Nga đang tiếp tục mở các chiến dịch tấn công về phía nam và tây nam thành phố Lysychansk – thành trì cuối cùng của quân Ukraine ở Lugansk, một trong 2 tỉnh hợp thành Donbass.

Các quan chức của Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LPR) tự xưng tuyên bố rằng các lực lượng Ukraine đã bắt đầu rút khỏi thành phố, nhưng ISW không thể xác nhận những tuyên bố này.

"Tình hình ở Lysychansk rất khó khăn", Thống đốc Luhansk, Serhiy Haidai cho biết trên truyền hình hôm 28/6. "Người Nga đang sử dụng mọi loại vũ khí họ có sẵn... và không phân biệt mục tiêu có phải là quân sự hay không".

"Mọi thứ đang bị phá hủy. Đây là chính sách tiêu thổ", ông Haidai nói.

Bản đồ đánh giá diễn biến trên thực địa xung quanh tỉnh Lugansk, miền Đông Ukraine, đến ngày 28/6/2022. Nguồn: Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW)

Bên cạnh Lysychansk, các lực lượng Nga đã tiến hành các chiến dịch tấn công về phía bắc Slovyansk và các khu định cư ở phía tây Izyum, nhằm làm gián đoạn các cuộc phản công của người Ukraine, tuy nhiên những nỗ lực này của Nga không thành công, ISW cho biết.

Theo đánh giá của tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Mỹ, các lực lượng Nga cũng đã thất bại trong việc tiến quân dọc theo đường cao tốc Kharkiv-Belgorod và tiếp tục thực hiện các biện pháp để cản trở các bước tiến của Ukraine về phía biên giới quốc tế hoặc Izyum.

Họ đang tiếp tục chuyển thiết bị quân sự và nhân sự về phía đông Melitopol, ISW nói.

Trong khi đó, theo ISW, các lực lượng Ukraine tiếp tục tiến hành các cuộc phản công ở phía bắc thành phố Kherson và được cho là đã giải phóng 2 khu định cư gần đó.

Anh: Nga có thể đã “đánh trượt” mục tiêu ở Kremenchuk

Liên quan đến vụ tấn công tên lửa ở miền Trung Ukraine, Bộ Quốc phòng Anh cho biết, có khả năng thực tế là quả tên lửa bắn trúng trung tâm mua sắm ở Kremenchuk vốn là nhằm vào một mục tiêu gần đó.

"Sự thiếu chính xác của Nga trong việc tiến hành các cuộc tấn công tầm xa trước đây đã dẫn đến các vụ thương vong dân sự hàng loạt, bao gồm cả vụ tại nhà ga Kramatorsk vào ngày 9/4/2022", Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong một cuộc họp báo gần đây.

Các nhà chức trách Ukraine cho biết 36 người vẫn mất tích hôm 29/6, 2 ngày sau cuộc tấn công tên lửa trúng vào trung tâm mua sắm ở thành phố công nghiệp Kremenchuk, miền Trung Ukraine, khiến ít nhất 18 người thiệt mạng.

Nga đã phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào các khu vực dân sự trong cuộc tấn công kéo dài hơn 4 tháng nhằm vào Ukraine.

Binh sĩ Ukraine đứng gác gần tàn tích của một trung tâm mua sắm ở Kremenchuk, miền Trung Ukraine, ngày 28/6/2022, một ngày sau khi trung tâm này bị trúng tên lửa. Ảnh: NYT

Minh Đức (Theo Reuters, Al Jazeera, Alarabiya, IBTimes)