Thế giới

NATO chuẩn bị cho hội nghị “quan trọng nhất trong nhiều thế hệ”

Liên minh quân sự này đang củng cố sườn Đông của mình, nhưng bị chia rẽ nội bộ về việc “phải đi bao xa” khi đương đầu với Nga và Trung Quốc.

Trong bối cảnh xung đột quân sự Nga-Ukraine, Hội nghị Thượng đỉnh NATO được tổ chức ở Madrid từ ngày 28/6 đến ngày 30/6, được cho là một sự kiện mang tính then chốt đối với mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sau những thất bại ở Afghanistan và sự bất hòa nội bộ trong thời đại của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

“Hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ là một hội nghị mang tính chuyển đổi”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Economist, được công bố hôm 26/6.

Một khái niệm chiến lược mới sẽ được thông qua ở Madrid, là dấu hiệu rõ ràng nhất cho việc thay đổi các ưu tiên. Tuy nhiên, vẫn còn những khác biệt giữa các đồng minh về việc phải đi bao xa khi đương đầu với Nga.

Các nhà lãnh đạo trong phe “diều hâu” - Anh, Ba Lan và các quốc gia Đông Âu khác - muốn cô lập Nga hơn nữa.

Ngược lại, trong chuyến thăm thủ đô Kiev hôm 16/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhắc lại cảnh báo của mình rằng châu Âu cuối cùng sẽ phải can dự với Nga một lần nữa: "Chúng ta, những người châu Âu, chúng ta có chung một lục địa, và địa lý thì rất không biết nghe lời, vì hóa ra cuối cùng, Nga vẫn ở đó".

Mỗi nước ôm một “tâm sự”

Các cuộc đàm phán trong nội bộ liên minh vẫn đang được tiến hành, các nhà ngoại giao cho biết. Nhưng các nhà lãnh đạo cũng hy vọng sẽ đạt được đồng thuận về cung cấp thêm viện trợ quân sự cho Ukraine, tăng chi tiêu phòng thủ chung, củng cố một quyết tâm mới nhằm ứng phó với sự trỗi dậy của quân đội Trung Quốc và điều thêm quân thường trực tới để bảo vệ các nước Baltic.

Khoảng 30.000 quân, 220 máy bay và 50 tàu từ 27 quốc gia tham gia cuộc tập trận "Phản ứng Lạnh" (Cold Response) 2022 của NATO. Ảnh: DW

Mặc dù các quan chức Anh và Mỹ không ủng hộ việc đặt các lực lượng đa quốc gia thường trực trong khu vực Baltic, nhưng có khả năng thỏa hiệp sẽ đạt được tại hội nghị thượng đỉnh này, hứa hẹn sẽ có quân tiếp viện nhanh chóng.

Đức cho biết sẽ điều thêm quân để sẵn sàng bảo vệ Litva trước sự gây hấn của Nga, trong khi Anh hứa sẽ bảo vệ Estonia, và Latvia đang tìm cách khiến Canada cam kết thêm quân ở đó.

“Tất nhiên ai cũng hiểu rằng có lẽ không phải mọi thứ đều có thể đạt được, ít nhất là không phải ngay lập tức”, ông Tomas Jermalavicius, một cựu quan chức quốc phòng Litva hiện làm việc tại Trung tâm Quốc tế về Quốc phòng và An ninh (ICDS), một tổ chức tư vấn ở Estonia, cho biết.

Tuy nhiên, ông Jermalavicius cho rằng sẽ là một "sự thất bại lớn" nếu NATO không đạt được đồng thuận về tăng cường phòng thủ tên lửa và đường không ở khu vực Baltic, nơi căng thẳng đang gia tăng trong những ngày gần đây.

Tây Ban Nha, nước chủ nhà hội nghị lần này, đang tìm cách thúc đẩy NATO tập trung hơn vào sườn phía Nam để giải quyết các vấn đề liên quan tới di cư và các nhóm phiến quân ở khu vực Sahel của châu Phi.

Các nhà lãnh đạo của Úc, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc dự kiến sẽ tham dự một phần của Hội nghị Thượng đỉnh với tư cách khách mời. Đây là một phần của chiến lược rộng lớn hơn của Mỹ nhằm thúc đẩy sự hiện diện của phương Tây ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm đối trọng với Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, NATO đã phải vật lộn với những cách thức mà Trung Quốc ngày càng ảnh hưởng đến an ninh của châu Âu, cả thông qua quan hệ đối tác ngày càng sâu sắc với Nga và ảnh hưởng của nước này đối với công nghệ như mạng di động 5G.

Xe tăng NATO tiến vào Na Uy. Ảnh: DW

Một số đồng minh, nhất là Pháp và Đức, đang cảnh giác với một giọng điệu quá “diều hâu”.

Hôm 21/6, ông Jens Plötner, cố vấn chính sách đối ngoại của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, cảnh báo rằng việc gộp Trung Quốc và Nga lại với nhau sẽ là một “lời tiên tri tự ứng nghiệm” (nghĩa là, khi niềm tin của bạn biến thành sự thật) và là một sai lầm.

“Tôi tin rằng mục tiêu của chúng ta phải là cố gắng giảm bớt sự cạnh tranh mang tính hệ thống ( với Trung Quốc) càng nhiều càng tốt”, ông Plötner nói.

Những người khác cho rằng một cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với Trung Quốc là rất quan trọng để đảm bảo rằng NATO vẫn phù hợp với một chính quyền tương lai của Mỹ.

Bóng ma về việc ông Trump hoặc một người theo chủ nghĩa dân túy tương đương trở lại Nhà Trắng vào năm 2024 luôn đeo bám các cuộc họp của cả G7 và NATO.

Tại cuộc họp G7 năm trước, Tổng thống Joe Biden nói với các nhà lãnh đạo đồng cấp của mình: "Nước Mỹ đã trở lại". Điều này dẫn đến một câu hỏi được đặt ra: "Đúng là Mỹ đã trở lại, nhưng nó sẽ kéo dài trong bao lâu?"

Đau đầu với việc mở rộng NATO

Ngoài ra, NATO đang có “vấn đề” với việc kết nạp các thành viên mới, bao gồm Phần Lan và Thụy Điển.

Việc Nga phát động tấn công quân vào Ukraine từ ngày 24/2 đã gây ra một sự thay đổi địa chính trị khi 2 nước Bắc Âu vốn trung lập tìm cách gia nhập NATO.

Nếu được chính thức kết nạp, Phần Lan và Thụy Điển sẽ giúp củng cố đáng kể liên minh.

NATO được thành lập năm 1949 bởi 12 quốc gia. Kể từ đó đến nay khối liên minh này đã có 30 thành viên. Bản đồ thể hiện các thành viên NATO ở châu Âu. Đồ họa: Al Jazeera

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đã cản trở quá trình gia nhập NATO của Helsinki và Stockholm ngay từ bước đầu tiên, với lý do 2 quốc gia Bắc Âu chứa chấp những phẩn tử mà Ankara coi là khủng bố và áp đặt các lệnh cấm vận vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Một quan chức chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, người đã tham gia các cuộc đàm phán giữa 3 bên và người đứng đầu NATO là ông Stoltenberg, nói với Reuters rằng rất khó để đạt được một thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh lần này, tuyên bố rằng Thụy Điển và Phần Lan trước tiên phải giải quyết các mối quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ.

Minh Đức (Theo Reuters, The Economist)