Văn hoá

Nặng lòng tháng Năm chao chát...

Khi hạt lúa mùa đã no nắng tháng Năm, nằm im trong bồ. Khi ruộng đồng chỉ còn trơ gốc rạ, đất được dịp nghỉ ngơi cho mùa mới, thì cũng đúng dịp Tết Đoan Ngọ vừa tới.

Buổi sớm, dù có muốn ngủ nướng thì vẫn bị đánh thức bởi tiếng vịt chao chát ngoài đường. Đó là đàn vịt nuôi được ba tháng tuổi, cho đi sục thóc vãi trên những cánh đồng vừa xong mùa gặt.

Cánh đồng sắp xuống giống, gieo mạ, vịt không còn chỗ chăn thành ra được gọi là "vịt đuổi đồng", hay "phá đàn", mang đi bán, nhưng thực ra, cũng đã đến lúc nó trưởng thành, đầy đủ lớp lông ống óng mượt, với nhiều màu sắc sặc sỡ, rất yêu, phủ kín trên đầu hai cánh.

Vịt ăn thóc nên béo múp. Những tiếng khàn, đục, nghe cũng có thể nhận ra vịt đực. Tiếng lảnh lót, inh ỏi, trong trẻo hơn là tiếng cạp của vịt cái.

Nếu quan sát để phân biệt, người mua chỉ cần nhìn đầu của nó. Con nào đầu to, chắc chắn sẽ là vịt đực. Vịt cái thân nhỏ, thon, đầu nhỏ mỏ vàng, rõ ra dáng một cô vịt thiếu nữ.

Ký ức của đứa trẻ nhà nghèo vùng quê xa xôi, vẫn mang theo mãi tiếng vịt kêu khi màn đêm còn trùm kín những con đường quê. Và, vì sự im lặng, tiếng vịt kêu trong buổi sớm trong lành càng làm hằn đậm một cái Tết Đoan ngọ, người quê gọi Tết Giết sâu bọ cho gần gũi, nhưng cũng có thể ngầm hiểu, đấy là sự tự thưởng cho một vụ mùa lao động vất vả, bất biết vụ đó có được mùa hay mất mùa, vì năm nào, đúng cữ đấy là đến ngày Mồng 5 tháng Năm âm lịch, không thể đổi khác.

Tạo vật cũng khéo bày trò. Mùa tháng Năm là mùa của những loại cây quả nhiệt đới. Từ 2 tuần trước, mẹ thổi một nồi nếp cái, những hạt cơm còn được bao bọc bởi lớp cám vàng đục, thơm ngậy, rải bánh men giã nhỏ, ủ nóng để làm rượu cái. Một túi mận hậu đỏ ươm, cắn ngập răng, tứa lớp nhựa đỏ như máu tươi, tím lịm...

Mẹ dặn, buổi sớm dậy không được ăn sáng, phải ăn một bát rượu cái, ăn vài quả mận, quả vải... để giết sâu bọ trong người. Đứa nào không ăn, sâu bọ nó sẽ ở lại, rồi giun sán, ký sinh trùng nó đùn lên thành một cái bụng to đùng, búng ngón tay vào nó kêu bồm bộp hệt như một bà nhà quê ra vỗ vào quả mít đang lủng lẳng trên cây, xem đến chừng nào nó sẽ chín...

Vẫn cái mùa Tháng Năm yêu thương. Những giàn mướp rộ hoa, mùi tàu (ngò gai) đang xòe những tàu lá sắc nhọn đầy răng cưa, thơm nhất trong đời của chúng, những bụi ngổ hương ngoài cầu ao, ngoài mé sông lên mơn mởn như cỏ dại; những dây rau nhút vươn dài như bơi trên mặt sông, với lớp bông mịn quấn xung quanh, tựa như một chiếc áo phao nổi lềnh bềnh...

Ngần đấy thức được tự nhiên chuẩn bị cùng một lúc, đợi tiếng vịt phá đàn cất lên trong buổi sáng tinh sương, ngọt lành của mùa hạ.

Mẹ đi chợ về khệ nệ hơn mọi ngày, với ngần ấy thứ rau thơm, mùi tàu, ngổ hương, húng láng, rau nhút, mộng bông, với hai quả mướp xanh sậm vẫn còn đính đài hoa ở dưới rốn. Sau gác ba ga xe của mẹ là đôi vịt buộc chéo cánh, đầu của chúng đan chéo nhau, một cặp đực - cái mà người bán chủ ý sắp đặt sẵn cho người mua.

Vịt bán theo đôi, không bao giờ phải cân, vì chúng cùng đàn, cùng lứa nên trọng lượng nhỉnh hơn nhau không đáng kể.

Cả nhà được một buổi bận rộn làm lông, giết vịt. Bữa liên hoan mừng ngày “Tết Sâu bọ”, cầu chúc cho một vụ mùa mới không có sâu bệnh phá lúa ngoài đồng... cứ inh hết cả khắp làng, khắp xóm. Nhà nào cũng quang quác tiếng vịt kêu lúc bị cắt tiết, rồi rất mau, tiếng vịt im bặt, đấy là lúc chúng đã được nhúng vào nồi nước đun sôi, bỏng tới độ rưới vài giọt nước nóng lên nền bếp, chúng giãy nảy lên rồi mới rịn vào nền đất nện.

Vịt đuổi đồng đa phần là vịt non, làm lông rất khó, bởi lớp lông măng vẫn là chủ yếu. Bố cho vào nồi nước nhúng vịt nắm rau muống già, nói là để cho dễ làm lông hơn. Thành thử, lại thành một cái lệ, trong lúc đợi mẹ đi chợ mang vịt về, mình đã chạy đi kiếm một nắm rau muống già mọc lang ngoài rìa mương nước.

Những tiếng vịt kêu bây giờ, thi thoảng vẫn dội về trong tâm tưởng. Nó tha thiết như một thứ âm thanh của tháng Năm, náo nức và háo hức, tưởng như có thể rung lên và làm vỡ tung lồng ngực của những đứa trẻ, sau buổi tiệc tùng rất quê kiểng ấy, mang nắm lông vịt ra phơi khô trên chiếc rổ tre, rồi đợi ông bán kem bóp còi toe toe gọi, đưa lông vịt đổi lấy kem mút ăn - thứ kem đá được làm bằng đường hóa học trộn với bột gạo có pha chút nếp cho dậy mùi - một thứ mà đảm bảo mang bao nhiêu giun sán vào trong người, mà vẫn không hề biết sợ.

Những đàn vịt đuổi đồng chừng dăm chục con, nhiều nữa thì lên tới vài trăm con, mà hết veo trong nửa phiên chợ sáng. Những con vật lần đầu tiên đến chỗ đông người, mắt dáo dác sợ hãi, và càng sợ, nó càng kêu đến khản giọng. Thanh âm huyên náo ấy đã đi cùng lũ trẻ quê bao nhiêu mùa nắng, bao nhiêu buổi bắt cào cào châu chấu, đi te, đánh dậm... lấy cá về nuôi vịt.

Thảng hoặc, nhà nào bán ế, giữ lại nuôi làm vịt đẻ. Con vịt sệ cánh, biết ngay sắp đến lúc cho trứng. Con nào “sệ mông”, biết ngay sáng mai sẽ có một quả trứng xinh xắn nằm bên dưới, khi chúng bị lùa ra ngoài đi kiếm ăn. Vui nhất, có những hôm đi mót rạ, mót thóc, trên lớp cỏ đẫm sương, một quả trứng vịt bị đẻ rơi nằm yên bình đợi người may mắn, cảm giác bắt được nó như bắt được một cục vàng, và bữa trưa hôm đó, có một quả trứng vịt hấp cơm được dành riêng cho người trúng số.

Năm nay, chỉ còn mấy ngày nữa là tới tết đoan ngọ. Mẹ mới vào Nam với chị gái. Cánh đồng tháng Năm, những gốc rạ vẫn trơ khấc như bao mùa tháng năm cũ. Chẳng biết đến bao giờ, sẽ lại được mang viên đá mài đặt trên miệng giếng, để bố mang con dao ra liếc thật sắc, đợi đôi vịt mẹ đi chợ mang về...

Chẳng biết, sẽ lại được nghe thanh âm tiếng vịt kêu chao chát đánh thức bình minh, hay lại nghe tiếng vịt xa xôi dội về trong tiềm thức?!

Di Linh