Môi trường

Nâng cao hơn nữa trách nhiệm của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường

Theo luật sư Nguyễn Văn Tuấn, khi doanh nghiệp gây thiệt hại về môi trường phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra.

Trách nhiệm chung của cộng đồng thế giới

Người Đưa Tin (NĐT) đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám Đốc Công Ty Luật TNHH TGS (Đoàn luật sư Tp. Hà Nội) xoay quanh trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường sống.

NĐT: Thưa ông, bảo vệ môi trường là vấn đề nóng toàn cầu, tại Việt Nam nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM vấn đề này cũng được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Vậy, xin ông đánh giá về ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường sống hiện nay?

LS. Nguyễn Văn Tuấn: Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ, trách nhiệm chung của cộng đồng thế giới trong tình cảnh biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu đang ảnh hưởng ngày càng lớn theo chiều hướng tiêu cực đến hệ sinh thái động, thực vật trên toàn thế giới nói chung và sức khỏe con người nói chung.

Rác thải rắn sinh hoạt từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp hay sinh hoạt hằng ngày là những thành phần vô cơ, hữu cơ khó phân hủy với nhiều thành phần hóa học tổng hợp độc hại nên theo thời gian gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường.

Hiện nay, Việt Nam vẫn đang là nước có lượng rác thải rắn thải ra môi trường hàng năm lớn hơn so với số lượng được tái chế, tận dụng lại bởi các cơ sở, doanh nghiệp.

Việc phân loại chất rắn sinh hoạt đang là con đường được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng nhằm phòng ngừa, giảm thiểu những tác động đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Phân loại chất rắn sinh hoạt ngay tại nguồn có ý nghĩa quan trọng, cụ thể:

Trong hoạt động quản lý rác thải, giúp giảm bớt áp lực cho các cơ quan, tổ chức quản lý trong lĩnh vưc môi trường trong việc thu gom, vận chuyển và phân loại từ nguồn đến khi xử lý. Rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn trao đổi với Người Đưa Tin về trách nhiệm của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường sống.

Việc phân loại giúp hạn chế lượng rác thải đổ ra môi trường so với lượng rác tái chế, giảm thiểu nguy cơ phát tán mầm bệnh, giảm thiểu các yếu tố độc hại từ nguồn chất thải rắn khó phân hủy gây nguy hiểm đến môi trường đất, nước, không khí nói chung và gây nguy hiểm đến sức khỏe con người nói riêng

Nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc phân loại rác thải sinh hoạt, mang lại nguồn lợi từ việc tái chế rác thải sinh hoạt. Tận dụng chất thải rắn hữu cơ làm phân bón cho cây trồng, thức ăn chăn nuôi, chất thải rắn vô cơ thì được tái sử dụng, tái chế hoặc chuyển đến cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển, tái chế và nhận lại một chi phí hợp lý. Từ đây, xây dựng nếp sống văn minh, bền vững, phát triển kinh tế kết hợp bảo vệ môi trường

NĐT: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có quy định về phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, xin ông cho biết điều này mang lại những thay đổi như thế nào trong việc phân loại, thu gom và vận chuyển rác thải?

LS. Nguyễn Văn Tuấn: Luật Bảo vệ Môi trường 2020 đã có sự thay đổi căn bản và vượt bậc trong quy định về chi trả phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo hướng chuyển từ tư duy Nhà nước chi trả sang cho các chủ thể phát sinh tự chi trả.

Nhiều kênh mương nước nằm trên các tuyến phố Hà Nội luôn trong tình trạng ô nhiễm, ngập ngụa rác thải (Ảnh: Hữu Thắng).

Luật cũng đã thay đổi căn cứ xác định chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng cách căn cứ vào khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại để tính chi phí phải trả cho việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.

Theo quy định tại Chương VI Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, các tổ chức, cá nhân, bao gồm doanh nghiệp phát sinh chất thải phải có trách nhiệm quản lý chất thải thông qua việc áp dụng giải pháp tiết kiệm tài nguyên, năng lượng; sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu thân thiện môi trường, năng lượng tái tạo; áp dụng công nghệ, chương trình sản xuất sạch hơn, kiểm soát môi trường và các biện pháp khác để giảm thiểu phát sinh chất thải… Điều này, đã mang lại nhiều thay đổi trong việc phân loại, thu gom và vận chuyển rác thải.

Doanh nghiệp có trách nhiệm riêng biệt

NĐT: Theo ông, những nội dung quy định trong Luật Bảo vệ môi trường đã gắn trách nhiệm của doanh nghiệp ra sao?

LS. Nguyễn Văn Tuấn: Trách nhiệm trong vấn đề bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Tuy nhiên, đối với một số ngành nghề đặc thù các doanh nghiệp có trách nhiệm riêng biệt. Cụ thể như:

Thứ nhất, là việc chủ động xây dựng các đánh giá về khả năng tác động của dự án đối với mỗi trường, thể hiện rõ qua trách nhiệm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường khi triển khai các dự án đầu tư. Đây là biện pháp chủ động nhằm phát hiện các yếu tố có khả năng gây nguy hại tới môi trường và đề xuất các giải pháp để ngăn ngừa, xử lý chất thải và khắc phục sự cố môi trường. Báo cáo đánh giá tác động môi trường phải được gửi tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để đánh giá và phê duyệt trước khi triển khai dự án.

Thứ hai, là xin cấp giấy phép môi trường, tức là doanh nghiệp cần phải xin phép cơ quan Nhà nước và chỉ được thực hiện khi được cơ quan Nhà nước cấp phép đối với một số lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, có tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Thứ ba, là trách nhiệm cung cấp thông tin của doanh nghiệp và tổ chức cá nhân liên quan đến các yếu tố môi trường. Việc cung cấp thông tin sẽ được thực hiện bằng hình thức cung cấp cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi được yêu cầu, và hình thức công khai thông tin về môi trường theo quy định trên cổng thông tin của cơ quan, tổ chức hoặc bằng hình thức khác, bảo đảm thuận tiện cho đối tượng có liên quan tiếp nhận thông tin.

Bên cạnh đó, chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm lập và gửi báo cáo công tác bảo vệ môi trường đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Một số hộ làm nghề thu gom, tái chế phế liệu ở phường Tràng Minh, quận Kiến An, Tp.Hải Phòng xả nước thải trực tiếp xuống sông Đa Độ (Ảnh: Sinh Phạm).

Thứ tư, là trách nhiệm của doanh nghiệp về phòng ngừa sự cố, ứng phó với sự cố về môi trường Doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện yêu cầu về kế hoạch, biện pháp, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo quy định của pháp luật; Thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên, áp dụng phương án, biện pháp quản lý, kỹ thuật nhằm loại trừ, giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố môi trường. Doanh nghiệp gây ra sự cố môi trường có trách nhiệm ứng phó sự cố môi trường, chi trả chi phí ứng phó sự cố môi trường.

Thứ năm, là trách nhiệm của doanh nghiệp liên quan đến việc bồi thường thiệt hại. Doanh nghiệp gây thiệt hại về môi trường phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra, đồng thời phải chi trả toàn bộ chi phí xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định.

Thứ sáu, là các vấn đề khác, như thực hiện các trách nhiệm về nộp phí bảo vệ môi trường, ký quỹ bảo vệ môi trường, chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên, tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

NĐT: Vậy, doanh nghiệp hiện nay cần nâng cao trách nhiệm như thế nào trong việc chấp hành, bảo vệ môi trường?

LS. Nguyễn Văn Tuấn: Theo tôi, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng các đánh giá về khả năng tác động của dự án đối với môi trường, thể hiện rõ qua trách nhiệm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường khi triển khai các dự án đầu tư; doanh nghiệp cần phải xin phép cơ quan Nhà nước và chỉ được thực hiện khi được cơ quan Nhà nước cấp phép đối với một số lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, có tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Mặc khác, doanh nghiệp phải có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu về kế hoạch, biện pháp để phòng ngừa sự cố, ứng phó với các sự cố về môi trường, thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên, áp dụng phương án, biện pháp quản lý, kỹ thuật nhằm loại trừ, giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố môi trường.

Khi doanh nghiệp gây thiệt hại về môi trường phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra. Đồng thời, phải chi trả toàn bộ chi phí xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phải thực hiện các vấn đề khác, như thực hiện các trách nhiệm về nộp phí bảo vệ môi trường, ký quỹ bảo vệ môi trường, chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên, tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Góp phần xây dựng môi trường xanh – sạch – đẹp

“Được biết, việc xử phạt các trường hợp không phân loại rác tại nguồn sẽ được thực hiện theo lộ trình chậm nhất vào ngày 31/12/2024. Khi quy định này đi vào thực tiễn sẽ góp phần trong việc bảo vệ môi trường. Người dân, cộng đồng sẽ phải tự ý thức hơn trong việc phân loại rác nguồn. Như hiện nay, việc phân loại rác là dựa vào ý thức của con người, còn khi quy định trên có hiệu thực thì việc phân loại rác nguồn là bắt buộc, trường hợp không tuân thủ sẽ bị xử phạt. Việc quy định này có hiệu lực sẽ góp phần nâng cao ý thức của con người hơn, góp phần xây dựng môi trường xanh – sạch – đẹp”, LS. Nguyễn Văn Tuấn nói thêm.