Kinh tế vĩ mô

Nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản Việt Nam

Đảm bảo an toàn thực phẩm là “chìa khóa” quan trọng tăng khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm nông lâm thủy sản Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thị trường.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa triển khai đề án Bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông - lâm - thủy sản giai đoạn 2021-2030 (Đề án 1384, ban hành ngày 15/4) đến các địa phương ĐBSCL. 

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất nông nghiệp từng bước cải thiện đã quyết định việc xuất khẩu nông - lâm - thủy sản tăng trưởng cao và ổn định. Tuy nhiên, diện tích được chứng nhận GAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) còn khiêm tốn; tỷ trọng nông - lâm - thủy sản chủ lực, đặc sản địa phương được kiểm soát chất lượng, ATTP tại từng công đoạn và trong toàn chuỗi theo chuẩn quốc tế còn thấp.

Thúc đẩy xuất khẩu nông - lâm - thủy sản 

Mục tiêu của Đề án 1384 là đến năm 2030, diện tích trồng trọt, nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi đạt chứng nhận GAP tăng 15%/năm; 100% cơ sản xuất - kinh doanh nông - lâm - thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP; tỉ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông - lâm - thủy sản đạt chứng nhận HACCP, ISO 2200 (hoặc tương đương) tăng tương ứng 15% và 20%/năm…

Ông Ngô Hồng Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản (Nafiqad - Bộ NN-PTNT), cho biết trong 5 tháng đầu năm 2022, bộ đã lấy 843 mẫu để giám sát vệ sinh ATTP, phát hiện 12 mẫu vi phạm - giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Các địa phương đã lấy 7.897 mẫu, phát hiện 297 mẫu vi phạm - giảm 5,65% so với cùng kỳ. Với những mẫu giám sát ATTP vi phạm, Nafiqad đã cảnh báo và triển khai các biện pháp xử lý theo quy định.

Đối với việc giám sát vệ sinh ATTP của các cơ sở sản xuất, theo ông Phong, 5 tháng đầu năm nay, toàn ngành nông - lâm - thủy sản đã thẩm định điều kiện ATTP đối với 2.467 cơ sở, trong đó 2.363 cơ sở đáp ứng theo quy định. Ông Phong cho rằng với số mẫu cũng như cơ sở vi phạm giảm như nêu trên, đồng nghĩa chất lượng nông - lâm - thủy sản đã có sự cải thiện đáng kể.

Trong khi đó, ở khía cạnh sản xuất nông nghiệp sạch, bảo đảm ATTP, theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, hiện cả nước có 463.000 ha cây trồng được chứng nhận VietGAP - tăng 33.000 ha so với năm 2020; diện tích nuôi trồng thủy sản được cấp chứng nhận VietGAP và tiêu chuẩn tương đương đạt 16.991 ha - tăng 1.158 ha. Ngoài ra, các đơn vị liên quan cũng đã giải quyết những vướng mắc, giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường, mở rộng xuất khẩu nông - lâm - thủy sản. Điều này đã góp phần thúc đẩy xuất khẩu nông - lâm - thủy sản 4 tháng đầu năm nay đạt 17,88 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, thông tin từ Báo Lao Động cho biết, Bộ NN-PTNT cũng chỉ ra tỉ lệ cơ sở sản xuất được chứng nhận theo các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn quốc tế còn thấp. Cụ thể, diện tích trồng trọt được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và tương đương mới chỉ đạt 430.000 ha; diện tích nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và tương đương (ASC, BAP...) chiếm khoảng 10.000 ha.

Xuất khẩu nông - lâm - thủy sản 4 tháng đầu năm nay đạt 17,88 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ, đến nay mới có 62 văn bằng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông - lâm - thủy sản Việt Nam. Trong đó, chỉ khoảng 10%-15% sản lượng sản phẩm chủ lực, đặc sản duy trì kiểm soát chất lượng.

Nâng cao chất lượng nông sản 

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho biết sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch cụ thể hóa Đề án 1384. Trong đó, tỉ lệ sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP phấn đấu hằng năm tăng 10%-15%, 100% cơ sở sản xuất - kinh doanh ký cam kết ATTP; đẩy mạnh chế biến sâu nông sản, thực hiện mô hình "nông dân chuyên nghiệp" có tiêu chí đánh giá là phải bảo đảm chất lượng sản phẩm do mình sản xuất.

"Nhiệm vụ trọng tâm trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp của Đồng Tháp là xây dựng vùng trồng quy mô lớn để có vùng nguyên liệu kết hợp với mã số vùng trồng nhằm thực hiện quản lý và truy xuất nguồn gốc. Trong giai đoạn 2021-2025, Đồng Tháp phấn đấu 100% các loại cây trồng hoàn thành chứng nhận mã số vùng trồng. Ngoài ra, Tỉnh ủy Đồng Tháp cũng chỉ đạo Sở NN-PTNT xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp thông minh. Đây là chỉ tiêu hướng đến cho nông dân và HTX, doanh nghiệp xây dựng vùng trồng, vùng nguyên liệu đạt chuẩn, nâng cao chất lượng nông sản", ông Đạt nhấn mạnh.

Mục tiêu của đề án là nhằm thay đổi tư duy sản xuất của nông dân địa phương, tạo ra nguồn nông sản sạch, chất lượng cao.

Theo ông Trần Trọng Khiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, HĐND tỉnh vừa thông qua đề án nông nghiệp hữu cơ, triển khai 32 mô hình nông nghiệp với kinh phí 66 tỷ đồng. Mục tiêu của đề án là nhằm thay đổi tư duy sản xuất của nông dân địa phương, tạo ra nguồn nông sản sạch, chất lượng cao.

"Theo thống kê số người mắc bệnh đường tiêu hóa ở ĐBSCL thì số bệnh nhân ở Sóc Trăng chiếm hơn 50%. Vì vậy, chúng tôi đặt vấn đề vệ sinh ATTP lên hàng đầu. Giai đoạn sắp tới, Sóc Trăng sẽ có nhiều nông sản đạt chuẩn Việt Nam và quốc tế. Khi tuyên truyền cho nông dân sản xuất sạch thì cần có nơi tiêu thụ để họ an tâm sản xuất. Ngoài ra, nếu đã hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ thì Bộ NN-PTNT có thể đặt hàng viện, trường chế tạo thuốc sinh học thay thế thuốc bảo vệ thực vật", ông Khiêm đề xuất.

Dự báo xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Trung Quốc sẽ tăng trưởng 

Theo Tham tán Thương mại Nông Đức Lai, số liệu thống kê của Hải quan Trung Quốc cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sản phẩm thủy sản (Mã HS 03) sang Trung Quốc đạt mức tăng trưởng 117,6% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm gần 9% tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc từ các nền kinh tế bên ngoài.

Ông Nông Đức Lai nhận định đến nay có thể nhận thấy xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong năm nay sẽ tăng trưởng rất khả quan vì nhiều lý do.

Trước hết, dư địa xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc còn rất lớn bởi nhu cầu tiêu dùng của thị trường 1,4 tỷ dân, đặc biệt nhu cầu tiêu dùng sẽ phục hồi nhanh khi quy định hạn chế các hoạt động công cộng, dịch vụ giải trí, du lịch tại nhiều nơi được nới lỏng sau khi kiểm soát được dịch bệnh.

Mặc khác, các doanh nghiệp thủy sản ngày càng nhanh nhạy với thông tin, nhu cầu của thị trường, nắm vững các quy định, tiêu chuẩn và đáp ứng quy định của thị trường Trung Quốc.

Ngoài ra, thời gian vừa qua cơ quan Hải quan Trung Quốc đã cấp mã cho nhiều doanh nghiệp thủy sản Việt Nam được phép tham gia xuất khẩu sản phẩm thủy sản sang thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo TTXVN/Vietnam+, Tham tán Thương mại Nông Đức Lai nhấn mạnh, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam đã cơ bản được kiểm soát, nhưng các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy sản trong nước cần tiếp tục tuân thủ chặt chẽ những quy định, hướng dẫn của chính phủ, bộ ngành chức năng về công tác phòng chống dịch Covid-19; tuân thủ hướng dẫn của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và của Trung Quốc về phòng chống virus SARS-CoV-2 lây nhiễm trong quá trình sản xuất thực phẩm và chuỗi đông lạnh; đồng thời tăng cường kiểm soát về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm... để đảm bảo hàng thủy sản của Việt Nam không còn bị cảnh báo nhiễm virus SARS-CoV-2 hoặc vi phạm tiêu chuẩn an toàn chất lượng thực phẩm của Trung Quốc.

Ông Nông Đức Lai nhấn mạnh thêm rằng, do các tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc ngày càng khắt khe và trong bối cảnh Trung Quốc vẫn tăng cường kiểm soát đối với hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu, nên các doanh nghiệp thủy sản cần phải không ngừng nâng cao chất lượng và thực hiện đầy đủ quy định, hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Hương Anh (tổng hợp)