Góc nhìn luật gia

Nam thanh niên bắt cóc bé trai 7 tuổi để xiết nợ có thể bị phạt đến 12 năm tù

Bắt cóc trẻ em dù thực hiện với mục đích gì thì cũng là hành vi cực nguy hiểm, vì vậy cần phải xử lý nghiêm để làm bài học cho những đối tượng khác.

Mấy ngày qua, dư luận ở Nghệ An vẫn chưa hết xôn xao việc 1 nam thanh niên bắt cóc bé trai 7 tuổi, đe dọa giết chỉ để xiết nợ bố cháu bé. Hiện Công an huyện Anh Sơn cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Trung (SN 1991) trú tại thôn 9, xã Long Sơn, huyện Anh Sơn về tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

Luật sư Nguyễn Văn Ngọc.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, luật sư Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng Văn phòng luật sư Luật Ngọc - Đoàn luật sư tỉnh Nghệ An, cho biết hành vi của đối tượng đã đủ yếu tố cấu thành tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản quy định tại khoản 2, Điều 169 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Theo đó, người nào có hành vi bắt cóc đối với người dưới 16 tuổi, dùng người bị bắt làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng; phạt quản chế, cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo Điều 169 Bộ luật Hình sự, người phạm tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản đã thực hiện đồng thời hai hành vi bắt cóc con tin và đe dọa chủ tài sản để chiếm đoạt tại sản.

“Để đạt được mục đích chiếm đoạt, người phạm tội có hành vi bắt cóc con tin, tiếp theo là hành vi đe dọa người thân của con tin. Hành vi đe dọa ở đây là hành vi đe dọa dùng vũ lực nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của con tin trong trường hợp người bị đe dọa không thỏa mãn yêu cầu chiếm đoạt tài sản của người phạm tội. Với sự đe dọa này, người phạm tội có thể tạo ra tâm lý lo sợ cho người bị đe dọa, buộc họ phải thỏa mãn yêu cầu giao nộp tài sản nếu muốn tính mạng, sức khỏe của con tin được an toàn”, luật sư Ngọc phân tích.

Hành vi của tội phạm đồng thời xâm phạm đến quyền tự do thân thể của con tin, đồng thời qua đó xâm phạm đến sự tự do ý chí và quyền sở hữu tài sản. Hành vi của người phạm tội được thực hiện với lỗi cố ý, bởi mục đích của người phạm tội khi thực hiện hành vi là nhằm buộc chủ tài sản phải giao nộp tài sản và chiếm đoạt tài sản đó.

Đối tượng Nguyễn Văn Trung.

Trao đổi thêm về vụ việc, luật sư Nguyễn Văn Ngọc cho biết, những năm gần đây, tình trạng bắt cóc trẻ em diễn ra khá phổ biến. Tình trạng này đang có xu hướng ngày càng gia tăng về số lượng và phức tạp về tính chất. Trước thực trạng này, những gia đình có trẻ nhỏ nói riêng và xã hội nói chung đang rất lo lắng.

“Bắt cóc trẻ em dù thực hiện với mục đích gì thì cũng là hành vi cực nguy hiểm, không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến tinh thần, sức khỏe của nạn nhân bị bắt cóc, mà còn ảnh hưởng đến cả những người thân thích của nạn nhân.

Trẻ em là tương lai của đất nước, chính vì vậy trẻ em xứng đáng và cần phải được nuôi dưỡng, trưởng thành trong một xã hội an toàn và đầy đủ. Pháp luật cần phải tạo ra được hoàn chỉnh khung pháp lý để bảo vệ môi trường sống của trẻ em và giảm thiểu triệt để, loại trừ loại tội phạm này”, luật sư Ngọc nói.

Chiều 28/5, do bận công chuyện nên vợ chồng anh Cao Văn S. (SN 1991), trú tại thôn 3, xã Khai Sơn, huyện Anh Sơn gửi con trai là cháu Cao Văn Bảo N. (SN 2013) cho ông nội trông coi.

Đến 18h45 cùng ngày, phát hiện ông nội cháu N. đang bận làm việc sau nhà nên Nguyễn Văn Trung đã khống chế, ôm lấy cháu bé đưa đi đâu không rõ. Sau đó, Trung đã gọi điện và đe doạ nếu không trả số nợ 6 triệu đồng mà anh S. mượn trước đó thì đừng mong gặp lại con.

Nhận tin báo, Công an huyện Anh Sơn lập tức tiến hành điều tra vụ việc và triển khai nhiều mũi trinh sát truy tìm tung tích đối tượng Nguyễn Văn Trung, giải cứu thành công nạn nhân.