Thế giới

Nam Sudan: LHQ và các cơ quan giám sát hòa bình kêu gọi ngừng xung đột

Người đứng đầu UNMISS kêu gọi tất cả các đảng phái chính trị cần gác lại những bất đồng vì các lợi ích lớn hơn, đó là hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng.

Ngày 24/3, Liên Hợp Quốc và các cơ quan giám sát hòa bình tại Nam Sudan đã kêu gọi các bên ngừng xung đột ở khu vực Upper Nile giàu dầu mỏ và chấp nhận đối thoại để giải quyết những bất đồng có nguy cơ phá hủy thỏa thuận hòa bình.

Trong các tuyên bố riêng biệt, Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan (UNMISS) và Ủy ban Giám sát và Đánh giá hỗn hợp tái cấu trúc (RJMEC) kêu gọi tất cả các bên tuân thủ đầy đủ nội dung và tinh thần của thỏa thuận hòa bình.

Người đứng đầu UNMISS Nicholas Haysom cho biết, việc Phong trào Giải phóng Nhân dân Sudan (SPLM-IO) quyết định đình chỉ tham gia vào các cơ chế an ninh của thỏa thuận này là rất đáng lo ngại.

UNMISS thừa nhận một số lo ngại do SPLM-IO gây ra, đặc biệt là tình trạng xung đột bạo lực gia tăng lên mức đáng báo động ở các bang Upper Nile và Unity, ảnh hưởng trực tiếp đến các địa điểm đóng quân của UNMISS cũng như dân thường vô tội.

Ông Haysom cho biết thêm, giai đoạn chuyển tiếp còn chưa đầy 12 tháng và điều quan trọng là tất cả các bên phải tiếp tục nỗ lực hết sức duy trì lệnh ngừng bắn, hướng tới việc thực hiện tất cả các tiêu chuẩn còn tồn tại để các cuộc bầu cử tự do và công bằng có thể diễn ra. Ông nhấn mạnh không có giải pháp quân sự nào cho cuộc xung đột ở Nam Sudan, tất cả các đảng phái cần gác lại những bất đồng vì các lợi ích lớn hơn, đó là hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng. Cũng theo ông Haysom, UNMISS sẵn sàng mở rộng sự hỗ trợ của mình trong vấn đề trên.

Trong khi đó, RJMEC lưu ý tới những quan ngại và hậu quả liên quan đến việc các bên liên quan đang rút khỏi thỏa thuận hòa bình, đồng thời kêu gọi tất cả các bên tuân thủ đầy đủ thỏa thuận này.

Chủ tịch lâm thời RJMEC Charles Tai Gituai cho biết, các giám sát viên đối với thỏa thuận ngừng bắn đã được chỉ đạo để điều tra các cuộc đụng độ ngày càng gia tăng giữa SPLA-IO và những người ly khai từ Lực lượng Phòng vệ Nhân dân Nam Sudan (SSPDF) tại các bang Upper Nile và Unity.

Theo ông Gituai, những hoạt động gây chia rẽ như vậy sẽ làm phức tạp quá trình thống nhất, làm mất tinh thần và gây ra sự ngờ vực trong quân đội. Ông Gituai cũng kêu gọi chính phủ đoàn kết hoàn thành các thỏa thuận an ninh chuyển tiếp, bao gồm việc giải quyết các vấn đề về tỉ lệ chỉ huy và lực lượng thống nhất cũng như tái triển khai lực lượng này.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 15/3 vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã gia hạn thời gian hoạt động cho UNMISS thêm một năm.

Theo Hãng tin AP, nghị quyết gia hạn sứ mệnh của UNMISS được thông qua với tỉ lệ 13 phiếu ủng hộ, 0 phiếu phản đối và có 2 phiếu trắng.

Nghị quyết của Liên Hợp Quốc cũng yêu cầu chấm dứt ngay lập tức chiến sự và tổ chức đối thoại chính trị để quốc gia non trẻ nhất trên thế giới này không quay lại tình trạng nội chiến.

Nghị quyết mới được thông qua sẽ cho phép Phái bộ UNMISS hoạt động đến ngày 15/3/2023 với quy mô hiện tại gồm quân số 17.000 người và 2.101 cảnh sát bảo vệ. Đây là một trong những sứ mệnh đắt đỏ nhất của Liên Hợp Quốc với ngân sách hằng năm là hơn 1 tỉ USD.

Ưu tiên hàng đầu của sứ mệnh tại Nam Sudan là bảo vệ dân thường khỏi nguy cơ bị bạo lực thể xác bằng cách răn đe, ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực tình dục và giới "trong khả năng và lĩnh vực triển khai của mình".

Sứ mệnh này cũng bao gồm việc tạo điều kiện để cung cấp viện trợ nhân đạo, hỗ trợ thực hiện hiệp định hòa bình và tiến trình hòa bình; theo dõi, điều tra và báo cáo về các hành vi vi phạm nhân quyền, vi phạm luật nhân đạo quốc tế.

Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, Tuổi Trẻ Online)