Góc nhìn luật gia

Nam sinh lén quay clip nữ sinh đang tắm: Có thể bị phạt 50 triệu đồng

Việc đưa clip quay lén người khác tắm lên internet hoặc mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự tùy vào tính chất, mức độ vi phạm.

Vụ việc 2 nam sinh trường đại học Ngoại ngữ (Đà Nẵng) đột nhập nhà tắm nữ, quay lén nữ sinh đang tắm rồi tung clip lên mạng đang khiến dư luận xôn xao.

Theo đó, một nam sinh năm thứ nhất tên N.T.M.H của trường thừa nhận đã lén quay clip một nữ sinh đang tắm trong khi đi học quân sự. Sau đó, nam sinh này đưa cho người bạn là N.V.N với mục đích tung lên mạng xã hội. Một số người phát hiện sự việc nên đã yêu cầu 2 nam sinh này thú nhận sự việc và quay lại clip.

2 nam sinh thừa nhận hành vi của mình

Từ đây, dư luận cũng nổ ra nhiều tranh cãi về việc ai đó phát tán video lên mạng xã hội ảnh hưởng tới danh dự của người khác có bị xử lý. Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với các luật sử về sự việc trên.

Theo luật sư Bùi Đình Ứng (đoàn Luật sư TP.Hà Nội): "Hành vi của 2 bạn nam này là không thể chấp nhận được, nhất là trong môi trường giáo dục, bản thân các bạn ấy vẫn còn là sinh viên. Đây là hành vi vừa vi phạm đạo đức, vừa vi phạm pháp luật. Nhẹ là xử phạt hành chính, về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, nặng là sẽ phải xử lý hình sự, căn cứ vào hậu quả gây ra cho bạn nữ sinh kia như thế nào, căn cứ vào động cơ, mục đích của 2 bạn nam sinh kia là gì, tại sao lại đưa lên mạng. Từ đó, có thể cấu thành tội Làm nhục người khác."

Luật sư Giang Hồng Thanh cũng đồng quan điểm: Việc đưa clip quay lén người khác tắm lên internet hoặc mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự tùy vào tính chất, mức độ vi phạm.

Nếu bị xử phạt hành chính, tùy vào mục đích đăng tải clip, người đăng tải sẽ bị áp dụng chế tài được quy định tại Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, cụ thể như sau:

Nếu nhằm mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác, người đăng clip có thể bị xử phạt theo điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định 174, cụ thể là:

"Điều 66. Vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây.

   g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác".

Nếu nhằm mục đích truyền bá hình ảnh trái đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc, người đăng clip có thể bị xử phạt theo điểm b khoản 4 Điều 66. Cụ thể là:

4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

b) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin, dịch vụ có nội dung cờ bạc, lô đề hoặc phục vụ chơi cờ bạc, lô đề; dâm ô đồi trụy, mê tín dị đoan, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc".

“Trong trường hợp, nạn nhân yêu cầu, người đăng clip còn phải bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm”, luật sư Giang Hồng Thanh chia sẻ.

Được biết, hiện nay cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra và làm rõ vụ việc.

Nguyệt Tú