Đời sống

Nam sinh 15 tuổi thủng dạ dày vì thói quen người trẻ hay mắc phải

Theo đó, nam sinh nhập viện với chẩn đoán viêm phúc mạc do thủng dạ dày, phải mổ cấp cứu nội soi khâu lỗ thủng.

Trước khi được đưa vào Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, em N.T.L. (15 tuổi, quê Hải Phòng) đã xuất hiện tình trạng đau bụng dữ dội vùng trên rốn trong 3 giờ.

Điều tra bệnh sử, nam sinh từng phát hiện có viêm loét dạ dày cách đây 8 tháng và thường xuyên ăn đồ chua cay.

Kết quả chụp CT cho thấy L. bị nhiễm mỡ quanh môn vị, có dịch dưới gan, rãnh đại tràng phải. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm phúc mạc do thủng dạ dày, phải mổ cấp cứu nội soi khâu lỗ thủng.

Trong ca mổ, bác sĩ quan sát thấy ổ bụng chứa nhiều dịch mủ bẩn, dịch tiêu hóa, phát hiện một lỗ thủng mặt trước môn vị dạ dày.

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Mạnh Toàn, Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, nhận định trường hợp của nam sinh 15 tuổi này là tình trạng cấp cứu cần phải xử lý kịp thời.

Nếu phát hiện sớm, phẫu thuật nội soi cho kết quả tốt, hồi phục nhanh và đảm bảo thẩm mỹ. Ngược lại, nếu phát hiện muộn, bệnh sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Vết thủng dạ dày được phát hiện trong quá trình mổ nọi soi. Ảnh: BVCC.

Theo BS. Toàn, hiện nay tình trạng thủng ổ loét dạ dày - tá tràng đang có xu hướng trẻ hóa do thói quen ăn uống thiếu khoa học (ăn nhiều đồ chua, cay, nóng, đồ ăn nhanh…), áp lực trong học tập, thức khuya, stress… Đây là một tình trạng cấp cứu cần phải xử lý kịp thời. Nếu phát hiện sớm, phẫu thuật nội soi cho kết quả tốt, hồi phục nhanh, thẩm mỹ, nếu phát hiện muộn sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Bác sĩ Toàn khuyến cáo, phụ huynh cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt, ăn uống khoa học cho trẻ, khi trẻ có biểu hiện đau bụng vùng dưới mũi ức (trên rốn), gia đình cần sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Cách phòng tránh bệnh

Theo Bác sĩ Nội trú Nguyễn Thị Thu Trang - Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba (tỉnh Phú Thọ), thủng dạ dày - tá tràng là một cấp cứu ngoại khoa khẩn cấp. Nếu không được chẩn đoán và phẫu thuật kịp thời có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm tới tính mạng.

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở những người có thói quen sử dụng nhiều chất kích thích như rượu bia, ăn đồ chua, cay nóng, hay căng thẳng kéo dài, lối sống không điều độ, khoa học…

Thủng dạ dày ở trẻ em hiếm gặp nên rất dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh lý cấp tính khác như viêm ruột thừa, lồng ruột, tắc ruột, viêm túi mật, viêm tụy,...

Nếu trẻ có dấu hiệu đau bụng kéo dài hoặc đau bụng dữ dội phải đi khám ngay tránh các biến chứng nguy hiểm. Nên kiểm tra khả năng bé bị nhiễm vi trùng H.pylori dạ dày.

Không xem tivi, chơi game quá nhiều, đặc biệt là khi ăn. Khuyến khích trẻ tập luyện thể thao để cơ thể có sức đề kháng với bệnh tật.

Ăn nhiều rau quả, đủ chất dinh duỡng, tránh thức khuya, ngủ đủ 8-10 tiếng/ ngày.

Trò chuyện, gần gũi khi trẻ bị căng thẳng trong học tập. Đặc biệt bỏ tập quán mớm cơm cho con nhỏ để tránh lây nhiễm HP.

Quốc Tiệp (T/h theo Trẻ em Việt Nam, Znews)