Kinh tế vĩ mô

Năm lý do giải ngân vốn đầu tư công còn chậm

Lũy kế thanh toán vốn đầu tư công năm 2021 đến ngày 31/8 kiểm soát qua Kho bạc Nhà nước hơn 210.780 tỷ đồng, đạt 41,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Thông tin về tình hình giải ngân vốn đầu tư công qua Kho bạc Nhà nước, bộ Tài chính cho biết, đến hết ngày 31/8/2021, lũy kế thanh toán vốn đầu tư qua Kho bạc Nhà nước thuộc kế hoạch năm 2021 là 183.718 tỷ đồng, bằng 42,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước (kế hoạch là 436.431,9 tỷ đồng).

So với cùng kỳ năm 2020, giảm 33.488,3 tỷ đồng về giá trị, giảm 5,8% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao (đến hết 31/8/2020, lũy kế thanh toán vốn đầu tư là 217.206 tỷ đồng, đạt 47,9% kế hoạch vốn năm 2020), bằng 36,8% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và UBND tỉnh giao thêm kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước (kế hoạch là 499.054,6 tỷ đồng).

Cụ thể, lũy kế thanh toán vốn đầu tư qua Kho bạc Nhà nước thuộc kế hoạch năm 2021 là 183.718,3 tỷ đồng, bằng 42,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước. 

Đến hết ngày 31/8, lũy kế thanh toán vốn đầu tư kéo dài năm 2020 sang năm 2021 qua hệ thống Kho bạc Nhà nước là 27.062,1 tỷ đồng/69.003,5 tỷ đồng, bằng 39,2% kế hoạch vốn năm 2020 chuyển sang năm 2021.

Giải ngân vốn đầu tư công qua Kho bạc Nhà nước thấp. (Ảnh: Hữu Thắng)

Lý giải về nguyên nhân khiến vốn đầu tư công qua Kho bạc Nhà nước còn chậm, bộ Tài chính nêu ra bốn nguyên nhân.

Thứ nhất, tác động của dịch Covid-19 khiến nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt 19 tỉnh thành phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 19/7 đến nay và TP.Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 24/7/2021 đến nay,... đã tác động trực tiếp đến tiến độ triển khai thực hiện, thi công các công trình.

Thứ hai, giá nguyên vật liệu (sắt, thép) cũng tăng đột biến từ đầu năm đã phần nào ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Ngoài ra, về phân bổ vốn đầu tư công, việc chưa phân bổ hết số vốn ngân sách Nhà nước năm 2021 được giao do đặc thù của kế hoạch năm 2021 triển khai khi kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đến cuối tháng 7/2021 mới được Quốc hội thông qua. Do đó, nhiều dự án khởi công mới chưa có trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020, phải chờ kế hoạch giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua mới có cơ sở để phân bổ.

Bên cạnh đó, kế hoạch vốn năm 2021 chưa được Thủ tướng Chính phủ giao là 16.000 tỷ đồng (vốn trong nước). Đồng thời, số kế hoạch vốn năm 2021 chưa được các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương triển khai phân bổ chiếm 11,04% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, nên cũng ảnh hưởng đến triển khai, thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021.

Thứ tư, với nguồn vốn nước ngoài, bộ Tài chính cho biết sự phản hồi của nhà tài trợ ODA khi được xin ý kiến chậm, đặc biệt là song phương, dẫn đến thời gian lựa chọn nhà thầu kéo dài hơn, chậm trao hợp đồng so với các dự án trong nước.

Thứ năm, tháng 1/2021 là thời điểm các chủ đầu tư tập trung hoàn thiện hồ sơ thanh toán vốn đầu tư công năm 2020. Tháng 2/2021 trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên ảnh hưởng đến tiến độ thanh toán kế hoạch vốn năm 2021.

Từ đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho bộ Tài chính phấn đấu đạt tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách Nhà nước năm 2021 đạt 95% -100% kế hoạch, trong đó đến hết quý III/ 2021 giải ngân đạt tối thiểu 60% kế hoạch.

Chỉ còn 4 tháng là kết thúc năm 2021, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thuộc kế hoạch năm 2021, bộ Tài chính kiến nghị nhiều giải pháp.

Trong đó, Bộ đề nghị cấp có thẩm quyền sớm hoàn thiện các thủ tục đầu tư đối với vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia để khẩn trương hoàn thành việc giao số vốn của Chương trình là 16.000 tỷ đồng tới các chủ đầu tư, làm căn cứ triển khai thực hiện.

Bộ cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương sớm giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, để các đơn vị thuộc và trực thuộc triển khai thực hiện các dự án thuộc kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đảm bảo hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. 

Ngoài ra, bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương căn cứ vào kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, khẩn trương phân bổ nốt số kế hoạch vốn còn lại năm 2021 cho các chủ đầu tư làm cơ sở triển khai, thực hiện. 

Bên cạnh đó, chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương nghiệm thu khối lượng, hoàn thiện hồ sơ thủ tục gửi Kho bạc Nhà nước làm cơ sở kiểm soát thanh toán vốn đầu tư. 

Thực hiện rà soát, nắm bắt tiến độ thực hiện của tất cả các dự án trong phạm vi quản lý của Bộ, ngành và địa phương để thực hiện điều chỉnh kế hoạch vốn từ các dự án không có hiệu quả, chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để sớm hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng phát huy hiệu quả, phấn đấu đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ; đồng thời, gửi Kho bạc Nhà nước làm cơ sở kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư công.