Văn hoá

Năm Dần nghe người Mường kể chuyện chạm mặt hổ dữ

Ngoài việc bắt lợn, dê, trâu, bò…, hổ đã cướp đi sinh mạng của nhiều người dân. Đó là những ký ức khó quên của các thế hệ người Mường còn lưu giữ cho tới ngày nay.

Nhiều người bỏ mạng dưới nanh vuốt của hổ

Thanh Hóa là vùng đất sớm có sự khai phá, cư trú của các dân tộc thiểu số, trong đó có người Mường. Huyện Thạch Thành là địa phương tập trung khá đông người dân tộc Mường với nhiều truyền thuyết ly kỳ, hấp dẫn.

Người Mường đến định cư ở vùng đất Thạch Thành đã mấy trăm năm nay, trong đó đông đúc nhất tại xã Thành Yên - nơi tiếp giáp với Vườn quốc gia Cúc Phương. Thời điểm đó, vùng đất này được bao phủ bởi những cánh rừng già, khỉ, vượn và là lãnh địa của loài hổ Đông Dương.Trong ký ức của những người cao tuổi dân tộc Mường ở huyện Thạch Thành xưa kia tại những khu rừng già thuộc địa phận Vườn quốc gia Cúc Phương hiện nay có rất nhiều hổ.

Hổ là chúa tể của rừng xanh, ngày xưa được coi là kẻ thù của con người vì chúng đã cướp đi biết bao sinh mạng người dân vô tội. Tuy nhiên, theo người dân địa phương, xưa kia, mỗi năm 4 mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông, các bản làng người Mường đều phải sắm trâu, bò, hoặc ít nhất cũng phải là dê, lợn,… đem vào rừng cúng tế chúa sơn lâm. Họ dựng bàn thờ bằng tre, mổ gà, bày cả xôi thịt, rượu ngon cúng bái cả ngày lẫn đêm.

Nhấp xong chén trà đặc, ông Đinh Văn Vị, 70 tuổi, trú tại thôn Yên Sơn 2, xã Thành Yên nhớ lại, trước năm 1954 tại các cánh rừng già thuộc địa phận Vườn quốc gia Cúc Phương có rất nhiều hổ, có đàn lên tới hàng trăm con. Mỗi đàn hổ có một con hổ đầu đàn, giữ vai trò chỉ huy, rất khôn ranh nên dân địa phương gọi là “hổ thành tinh”.

Ông Đinh Văn Vị kể cho PV nghe chuyện người Mường chạm mặt hổ dữ.

Nó là vị chỉ huy tối cao, là thủ lĩnh, gây ra những vụ tàn sát người ghê rợn. Ông Vị và phần lớn người dân không được tận mắt thấy con hổ “khổng lồ” này, nhưng theo bố ông và các cụ kể lại, nó to gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi những con đồng loại. Thân nó dài khoảng 3 – 4m, mình to như con trâu, có bộ da vằn nhưng màu xám hơn, chứ không vàng như hổ bình thường.

Hai mắt hổ thần đỏ lòm như cục than rực cháy lúc ban đêm, vuốt dài và sắc như dao chọc tiết lợn. Tiếng kêu của nó trầm, đục, sâu, lại vọng cả trăm dặm, khiến ai nghe thấy cũng bủn rủn tay chân, mất hết sinh lực.

Ngày xưa, thôn Yên Sơn 2 chỉ hơn 10 hộ dân sinh sống, đời sống vật chất rất khó khăn, nhà cửa khá tuềnh toàng, cuộc sống mưu sinh chủ yếu dựa vào rừng. Dù biết rằng trong rừng rất nhiều hổ, chúng có thể tước đoạt tính mạng mình bất kỳ lúc nào, nhưng vì mưu sinh nên người dân nơi đây phải liều mình vào rừng tìm cái ăn cái mặc. Không ít người đã phải bỏ mạng nơi rừng sâu dưới nanh vuốt sắc nhọn của chúa sơn lâm.

Chạm mặt hổ dữ

Ông Vị nhớ lại, vào một buổi sáng cuối đông năm 1954, ông Đinh Văn Ruệ rời nhà vào rừng để lấy dầu trám. Thời điểm này, tại Thành Yên chưa có điện, một số nhà khá giả mới có dầu để thắp, còn lại phải vào rừng lấy nhựa cây trám để thắp sáng giống như sáp nến ngày nay. Trời tối nhưng không thấy ông Ruệ trở về nhà, nghi bị hổ ăn thịt hay bị tai nạn nên gia đình và người dân địa phương đốt đuốc kéo nhau vào rừng tìm.

“Không thấy ông Ruệ về, nghi bị hổ ăn thịt nên gia đình lo lắng muốn đi tìm. Nhưng, lúc đó hổ trong rừng rất nhiều, đi một vài người vào rừng ban đêm rất nguy hiểm, nên hàng chục người cùng đốt đuốc, gõ kẻng kéo nhau vào rừng tìm tung tích ông Ruê”, ông Vị kể lại.

Tìm suốt đêm không có kết quả, sáng hôm sau người ta phát hiện thi thể ông Ruệ bị hổ ăn thịt không còn nguyên vẹn bên bờ suối. Trước ông Ruệ, ông Vị cũng nghe cha ông kể lại, rất nhiều người dân địa phương phải bỏ mạng vì hổ dữ khi vào rừng mưu sinh.

Khi ông Vị lên 10 tuổi, hễ đêm xuống, nhà nhà đóng chặt cửa, nhóm củi đốt lửa và không dám ra khỏi nhà. Thường vào ban đêm, bầy hổ lại kéo về nhà dân bắt lợn, dê như chốn không người. Mỗi lúc hổ về, cả thôn chỉ có vài khẩu súng kíp và cung nỏ, nên họ chỉ biết dùng kẻng, trống, tù và thổi để xua đuổi chúng khỏi xóm làng.

Để tránh hỗ dữ, dân làng đã tổ chức đào hầm chông, đặt bẫy ngay từ đầu những con đường dẫn vào thôn bản. Tuy nhiên, chúa sơn lâm rất tinh ranh, nên thường chúng rất ít khi “sa lưới”. Trong một lần đặt bẫy, người dân Yên Sơn đã bắt được 2 con hổ trong đàn hổ kéo về thôn bắt lợn. Nhưng, đây cũng chỉ là những con hổ nhỏ, chưa trưởng thành, còn những con hổ lớn, hổ đầu đàn từng gây “nợ máu” với nhân dân thì vẫn không bắt được.

Khoảng năm 1957 – 1958, khi vào rừng lấy dây mây về làm quang gánh cùng người bạn, ông Vị đã chạm mặt một con hổ trưởng thành. Khi đến bên bờ suối lấy nước, ông Vị nghe tiếng hổ gầm cách mình không xa. Nhìn qua bờ suối, ông như đứng tim khi thấy một con hổ vằn trưởng thành với mấy con của nó đang uống nước. Sau phút định thần, ông Vị đã nhẹ nhàng rời khỏi bờ suối, bỏ lại hàng chạy thục mạng về nhà.

Cũng giống như ông Vị, ông Đinh Văn Diễn, 62 tuổi, trú tại thôn Yên Sơn 2, xã Thành Yên nhớ lại, những năm 1960 trở về trước, tại những cánh rừng già thuộc xã Thành Yên có rất nhiều hổ. Chúng đã tước đi mạng sống của nhiều người dân địa phương. Đây là những ký ức khó quên với ông Vị, ông Diễn và nhiều người dân Thành Yên.

Do diện tích rừng tự nhiên ngày càng ít, mức độ quần cư của người dân ngày càng đông, cộng với việc săn bắt của con người, nên từ những năm 80 trở lại đây, số lượng loài hổ tại địa phương ngày càng suy giảm và tới nay gần như tuyệt chủng. Chuyện bầy hổ kéo về bản bắt lợn, dê, trâu, bò, hổ bắt người, những con hổ “thành tinh” giờ đây chỉ còn là ký ức của người dân địa phương.