Giáo dục

Năm 2025, đề xuất phương án biên soạn một bộ sách giáo khoa của nhà nước

Dự kiến đến năm 2025, sau khi kết thúc chu trình thay sách giáo khoa, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức tổng kết việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Dự kiến đến năm 2025, sau khi kết thúc chu trình thay sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sẽ tổ chức tổng kết việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trên cơ sở đó đề xuất phương án trình Quốc hội về việc tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa của nhà nước, theo Hà Nội Mới.

Theo đó, để chuẩn bị cho việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vào năm học 2024-2025 tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai nhiều nội dung công việc.

Đáng chú ý, một trong những phần việc quan trọng được Bộ xác định là tập trung thẩm định sách giáo khoa lớp 5, lớp 9 và lớp 12 bảo đảm chất lượng. Đây là ba khối lớp cuối cùng trên cả nước sẽ học theo sách giáo khoa mới thuộc Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cam kết chỉ đạo các đơn vị liên quan chuẩn bị kỹ càng, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để bảo đảm cung ứng đủ sách giáo khoa cho học sinh trước ngày khai giảng năm học mới 2024-2025.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, sau khi kết thúc chu trình thay sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức tổng kết việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đề xuất phương án trình Quốc hội về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa của nhà nước.

Chủ trương thực hiện một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa được áp dụng từ năm học 2020-2021 đối với học sinh lớp 1. Hiện nay, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang được triển khai ở chín khối lớp, gồm: 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10 và 11. Ba khối lớp còn lại gồm: 5, 9 và 12 tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2006. 

Quốc hội yêu cầu tăng cường kiểm soát việc biên soạn, thẩm định và phát hành sách giáo khoa

Thông tin trên VTV, theo Nghị quyết, Quốc hội yêu cầu tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và toàn diện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn, khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong từng lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giáo dục.

Quốc hội yêu cầu tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025. Thực hiện nghiêm việc bố trí đủ ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Tiếp tục quan tâm đầu tư bảo đảm các quy chuẩn về đội ngũ, cơ sở vật chất, trường, lớp để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non, nhất là tại các thành phố lớn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, các khu công nghiệp... Năm 2024, ban hành Đề án nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp.

Trúc Chi (t/h)