Thế giới

Mỹ và đồng minh phản ứng với động thái của Tổng thống Putin

Ngay sau tuyên bố của ông Putin, những tiếng nổ lớn đã được nghe thấy ở Kiev, Kharkov và các khu vực khác của Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 24/2 đã thông báo về một “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine và cảnh báo rằng bất kỳ lực lượng nào nỗ lực can thiệp vào hành động của Nga sẽ dẫn đến “hậu quả mà họ chưa từng thấy”.

Ngay sau tuyên bố của ông Putin, những tiếng nổ lớn đã được nghe thấy ở Kiev, Kharkov và các khu vực khác của Ukraine, theo thông tin trang Times of Israel tổng hợp từ các nguồn.

Các phóng viên AFP ở thủ đô Kiev của Ukraine và thành phố cảng Mariupol, gần chiến tuyến và biên giới Nga, nghe thấy tiếng nổ mạnh trước bình minh, còn người dân cho biết, họ đã nghe thấy tiếng pháo ở các vùng ngoại ô phía đông thành phố cảng Mariupol.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên án cuộc tấn công "vô cớ và phi lý" nhằm vào Ukraine và nói rằng thế giới sẽ "buộc Nga phải chịu trách nhiệm".

Trả lời về các vụ nổ xung quanh khu vực Dombass của Ukraine, giáp với Nga, ông Biden nói: "Tôi sẽ theo dõi tình hình từ Nhà Trắng vào tối nay và nhận thông tin cập nhật thường xuyên từ nhóm an ninh quốc gia của tôi. Ngày mai, tôi sẽ có cuộc gặp với lãnh đạo các nước G7 khác vào buổi sáng... Chúng tôi sẽ phối hợp với các đồng minh NATO của chúng tôi".

Ông Biden cho biết, ngày 24/2 ông sẽ công bố các biện pháp tiếp theo mà Mỹ và các Đồng minh sẽ áp đặt lên Nga.

Theo trang Times of Israel, hậu quả của các hành động từ phía Nga có thể gây ra thương vong lớn và lật đổ chính phủ được bầu cử dân chủ của Ukraine. Và hậu quả của cuộc xung đột và dẫn đến các lệnh trừng phạt đối với Nga có thể có tác động lan tỏa trên khắp thế giới, ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng ở châu Âu, làm chao đảo thị trường tài chính toàn cầu và đe dọa sự cân bằng sau Chiến tranh Lạnh trên lục địa này.

Ông Putin cho biết, hoạt động này nhằm vào cái mà ông gọi là “phi quân sự hóa” và “phi phát xít hóa” Ukraine và để bảo vệ lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine.

Ảnh chụp màn hình một video cho thấy khói bao trùm thành phố Kharkov của Ukraine, ngày 24/2/2022. Ảnh: Times of Israel

Theo thông tin cập nhật trên trang Al Jazeera, Liên minh châu Âu (EU), NATO và Liên hợp quốc (LHQ) cũng đã đồng loạt phản ứng trước động thái mới nhất của Nga về Ukraine.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã lên án "cuộc tấn công liều lĩnh và vô cớ" của Nga vào Ukraine. Ông cho biết, các đồng minh NATO sẽ gặp nhau để giải quyết động thái mới nhất của Nga, đồng thời nói thêm: “Chúng tôi sát cánh với người dân Ukraine vào thời điểm khủng khiếp này. NATO sẽ làm tất cả những gì cần thiết để bảo vệ các đồng minh”.

Người đứng đầu EU truyên bố sẽ buộc Điện Kremlin phải chịu trách nhiệm về hành động phi lý ở Ukraine.

“Chúng tôi lên án mạnh mẽ cuộc tấn công phi lý của Nga vào Ukraine. Trong những giờ phút đen tối này, suy nghĩ của chúng tôi hướng về Ukraine với những người phụ nữ, đàn ông và trẻ em vô tội khi họ phải đối mặt với cuộc tấn công vô cớ này và nỗi sợ hãi cho cuộc sống của họ”, bà von der Leyen viết trên Twitter.

Tổng thư ký LHQ António Guterres kêu gọi Nga chấm dứt các hành động gây hấn ở Ukraine.

Xe tải quân sự di chuyển trên một con phố bên ngoài Donetsk, lãnh thổ do lực lượng thân Nga kiểm soát, miền Đông Ukraine, ngày 22/2/2022. Ảnh: Times of Israel

Theo trang CNN, Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Alekseevich Nebenzya đã lên tiếng bảo vệ quyết định của Nga về hành động quân sự ở khu vực Donbass, miền Đông Ukraine trong cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC).

Ông Nebenzya cho biết, căn nguyên của cuộc khủng hoảng ngày nay xung quanh Ukraine là do chính Ukraine trong nhiều năm qua đã không tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận Minsk.

Hoạt động của Nga nhằm bảo vệ cư dân ở các khu vực ly khai ủng hộ Moscow ở miền Đông Ukraine, "những người trong 8 năm đã phải chống chọi với các cuộc pháo kích của Ukraine", ông Nebenzya nhấn mạnh.

Đại sứ Nga tại LHQ tuyên bố rằng "hành động khiêu khích của Ukraine đối với các lực lượng ở Donbass không những không dừng lại mà còn gia tăng", điều này khiến các nhà lãnh đạo ly khai ở các khu vực Luhansk và Donetsk phải yêu cầu sự trợ giúp của Nga.

“Thay đổi động lực ở Nga”

Chris Weafer, CEO của Macro-Advisory, cho biết động thái của Nga có thể gây rủi ro cho sự đồng thuận trong nước dành cho Tổng thống Putin.

“Những gì ông Putin đã làm không chỉ mạo hiểm về mặt địa chính trị và phản ứng của phương Tây, mà còn về mặt chính trị trong nước”, nhà phân tích này nói và chỉ ra rằng một bộ phận dân cư ngày càng năng động sẽ không dễ dàng chấp nhận hậu quả đến từ hành động này của Nga.

Hành động của Nga sẽ kéo theo thêm nhiều các biện pháp trừng phạt được áp đặt.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Politico

“Chúng ta đã thấy đồng Ruble yếu vào đầu giờ sáng nay sẽ để lại hậu quả về mặt lạm phát và lối sống”, ông Weafer nói, đồng thời cho biết thêm rằng các biện pháp trừng phạt có thể ảnh hưởng đến khả năng sử dụng thẻ ngân hàng, rút tiền từ ATM và đi du lịch của người Nga.

“Tất cả đều là những hậu quả tiềm tàng, và nếu điều đó xảy ra, dư luận trong nước sẽ phản ứng. Nó không xảy ra ngay lập tức, nhưng nó chắc chắn sẽ bắt đầu thay đổi động lực ở Nga”, ông nhận định.

Minh Đức