Quân sự

Mỹ thiết lập liên minh vùng Vịnh, Nga muốn tạo thế cân bằng, Iran tuyên bố đối phó với các mối đe dọa hàng hải

Xung quanh việc Mỹ lên kế hoạch thành lập liên minh quân sự ở vùng Vịnh, phía Iran lên tiếng phản đối, cho rằng hành động sẽ gia tăng căng thẳng khu vực, Nga đề xuất lập hệ thống an ninh.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif.

Trong phát ngôn mới nhất của mình, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố bất kỳ sự hiện diện quân sự nào ở vùng Vịnh từ thế lực ở bên ngoài khu vực đều là "nguồn gây mất an ninh" đối với Iran.

Cụ thể, ông Zarif đăng tải trên Twitter: "Vịnh Persian là một tuyến hàng hải huyết mạch vô cùng quan trọng và do đó an ninh quốc gia là lĩnh vực ưu tiên đối với Iran, vốn từ lâu đã đảm bảo an ninh hàng hải ở đây. Trước thực tế này, bất kỳ sự hiện diện nào từ thế lực bên ngoài đều được xác định là khởi nguồn của tình trạng mất an toàn… Iran sẽ không do dự trong việc bảo vệ an ninh của mình".

Mỹ mới đây đã mời các nước Australia, Pháp, Đức, Nhật Bản, Na Uy, Bỉ, Anh và Hàn Quốc cùng thiết lập một liên minh quân sự để tiến hành tuần tra ở Vịnh Persia, khẳng định rằng tất cả các bên liên quan sẽ không chỉ bảo vệ lợi ích của họ mà còn để đảm bảo nguyên tắc cơ bản về giao thông hàng hải tự do và mở.

Tàu khu trục Mỹ di chuyển gần eo biển Hormuz hồi cuối tháng 6 (ảnh: US Navy).

Anh tuyên bố sẽ tham gia sứ mệnh đảm bảo an ninh biển do Mỹ dẫn đầu tại vùng Vịnh để bảo vệ các tàu thương mại đi qua eo biển Hormuz. Australia vẫn chưa đáp lại lời mời tham gia liên minh, trong khi Đức thẳng thừng từ chối với lý do tránh leo thang căng thẳng.

Chính phủ Nhật Bản ngày 8/8 tuyên bố Tokyo có thể cử các tàu tới tuần tra ngoài khơi Yemen thay vì tham gia liên minh do Mỹ dẫn đầu vì lo ngại rằng hành động như vậy có thể làm tổn hại quan hệ hữu nghị của Nhật Bản và Iran.

Giới quan sát nhận định, những nước tham gia vào liên minh do Mỹ lãnh đạo ở đây đều có lợi ích liên quan, chứ không phải hợp tác dưới lời hô hào “bảo vệ chính nghĩa” từ Washington.

Truyền thông Israel dẫn lời Ngoại trưởng Israel Katz cho biết trong phiên họp kín ngày 6/8 vừa qua, Israel đã tham gia thảo luận và chia sẻ thông tin tình báo với liên minh an ninh hàng hải do Mỹ đứng đầu. Giới chức Israel đã từ chối xác nhận hay bác bỏ thông tin này.

Phía Iran coi sự tham gia của Israel vào bất kỳ liên minh hàng hải nào ở vùng Vịnh là mối đe dọa rõ ràng đối với an ninh hàng hải của mình và nước Cộng hòa Hồi giáo này có quyền đối phó với mọi mối đe dọa.

Tàu tuần tra hải quân Iran kiểm soát khu vực eo biển Hormuz

Nga cũng đã có những phản ứng liên quan đến vụ việc. Phó Đại diện thường trực của Nga tại Liên hiệp quốc Dmitry Polyanskiy nêu bật sự cần thiết phải thiết lập một hệ thống an ninh ở vùng Vịnh và cho rằng, hệ thống này có thể đóng vai trò cốt yếu đối với việc củng cố các nỗ lực chính trị và ngoại giao trong khu vực.

Theo TASS, ông D.Polyanskiy đã đề cập những nội dung nổi bật trong văn kiện mới của Nga đối với tình hình an ninh vùng Vịnh đang được thảo luận trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ). Theo đó, ông nêu rõ các nguyên tắc đề ra trong văn kiện này, bao gồm “tất cả các bên quan tâm đến việc xóa bỏ hang ổ của chủ nghĩa cực đoan và khủng bố ở Trung Đông cần phải tập hợp lại trong một liên minh chống khủng bố duy nhất”.

Về công việc thực tiễn tiến tới thiết lập hệ thống an ninh nói trên, ông cho rằng cần phải có những tham vấn đa phương giữa các bên, bao gồm những quốc gia trong và ngoài khu vực, HĐBA LHQ, Liên đoàn Arab, Tổ chức Hội nghị Hồi giáo và Hội đồng Hợp tác các quốc gia Arab vùng Vịnh. Tiến trình này cần hướng tới mục tiêu lâu dài là thiết lập một tổ chức an ninh và hợp tác tại khu vực này, bao gồm các nước trong khu vực cùng với Nga, Trung Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu, Ấn Độ và các bên liên quan khác trong vai trò quan sát viên hoặc thành viên liên kết.

Bá Di (Tổng hợp)