Thế giới

Mỹ sẽ giữ nguyên mức thuế đối với hàng hóa nhập từ Trung Quốc

Việc xem xét các mức thuế, được áp đặt từ thời ông Trump, đã bị gác lại do căng thẳng theo sau chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 2/9 tuyên bố sẽ giữ nguyên mức thuế đối với hàng trăm tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong khi tiếp tục xem xét theo luật định về các mức thuế đã được áp đặt dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Chỉ số S&P 500 chạm mức thấp nhất trong phiên theo sau thông tin trên, Bloomberg cho biết.

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho biết trong một thông báo liên bang rằng họ đã nhận được yêu cầu từ các công ty và các bên quan tâm khác về duy trì mức thuế theo “Mục 301” được áp dụng trong năm 2018 và 2019. Các ý kiến đã được thu thập trong suốt mùa xuân và mùa hè qua.

Luật pháp Mỹ quy định rằng thuế quan sẽ tự động hết hiệu lực sau 4 năm kể từ khi được áp đặt, trừ khi Văn phòng USTR nhận được yêu cầu tiếp tục áp dụng từ người thụ hưởng và phân tích hiệu quả và hậu quả của chúng. Tháng 7/2022 đánh dấu tròn 4 năm của đợt thuế quan đầu tiên.

Dựa trên Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974, luật mà Tổng thống Donald Trump đã sử dụng để áp dụng bắt đầu từ tháng 7/2018, USTR sẽ chuyển sang đánh giá chính thức về việc có giữ nguyên mức thuế hay không. Quá trình đánh giá này có thể mất đến hàng tháng.

The Bloomberg, các loại thuế áp lên các hàng hóa bao gồm nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp như vi mạch và hóa chất, và hàng hóa tiêu dùng như quần áo và đồ nội thất.

Mặc dù không có dấu hiệu trực tiếp về việc loại bỏ thuế quan nào, nhưng các quan chức chính quyền cấp cao của Mỹ cho biết, việc giảm thuế đối với các mặt hàng gia dụng có thể giúp giảm bớt sự gia tăng trong sinh hoạt phí ở Mỹ, từ đó giúp giảm áp lực lạm phát.

Reuters đưa tin hồi tháng trước rằng việc xem xét động thái này đã bị hoãn lại sau các cuộc diễn tập quân sự của Trung Quốc gần eo biển Đài Loan theo sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới hòn đảo này.

Minh Đức (Theo Reuters, Bloomberg)