Thế giới

Mỹ sắp áp đặt các quy tắc mới về đầu tư vào Trung Quốc

Ngoài Trung Quốc, các quy tắc mới cũng nhắm vào các quốc gia khác như Nga, Iran và Triều Tiên.

Thượng viện Mỹ gồm 100 thành viên hôm 25/7 đã bỏ phiếu ủng hộ việc sửa đổi Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) sắp được thông qua, trong đó bao gồm việc ngăn chặn các doanh nghiệp có trụ sở tại Trung Quốc mua đất nông nghiệp ở Mỹ và đặt ra các yêu cầu mới đối với người Mỹ đầu tư vào các ngành liên quan đến an ninh quốc gia.

Biện pháp sửa đổi đầu tiên được thông qua với số phiếu 91-7, cấm các doanh nghiệp có trụ sở tại Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên hoặc làm đại lý ở các quốc gia này mua quyền kiểm soát đối với đất nông nghiệp hoặc doanh nghiệp nông nghiệp khác của Mỹ.

Biện pháp thứ hai, được chấp thuận với tỉ lệ 91-6, yêu cầu các nhà đầu tư Mỹ phải thông báo với Bộ Tài chính trong vòng 14 ngày kể từ khi thực hiện bất kỳ khoản đầu tư nào vào các ngành liên quan đến an ninh quốc gia của 4 nước trên, bao gồm sản xuất trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn và siêu âm.

“Đây là một bước quan trọng để đảm bảo rằng chúng ta sẽ không giao tài sản có giá trị của Mỹ cho các thực thể nước ngoài muốn thay thế chúng ta trở thành cường quốc quân sự và kinh tế hàng đầu thế giới”, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Jon Tester từ bang Montana và đồng tác giả của biện pháp liên quan đến đất nông nghiệp cho biết.

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Bob Casey là một trong những người đề xuất sửa đổi Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) của Mỹ. Ảnh: Bloomberg

Liên quan đến yêu cầu về đầu tư vào Trung Quốc, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Bob Casey chia sẻ: “Chúng tôi cần các báo cáo đầu tư ra nước ngoài để hiểu được chúng tôi đang chuyển giao bao nhiêu công nghệ quan trọng cho các đối thủ của mình thông qua các dòng vốn này. Với thông tin này trong tay, chúng tôi có thể bắt đầu kiểm soát tương lai nền kinh tế của mình”.

Việc sửa đổi luật lần này phản ánh nỗ lực của chính quyền Tổng thống Biden trong việc buộc các quỹ đầu tư mạo hiểm và các công ty cổ phần tư nhân đầu tư vào Trung Quốc phải chia sẻ thêm thông tin với chính phủ, cũng như cấm đầu tư hoàn toàn vào một số lĩnh vực then chốt liên quan đến quân sự như điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo.

Những người ủng hộ cho rằng các biện pháp này là quan trọng để đóng lỗ hổng trong phòng thủ kinh tế của Mỹ chống lại Trung Quốc. Mỹ hiện đang hạn chế xuất khẩu một số công nghệ tiên tiến nhất định sang Trung Quốc, nhưng không cấm các quan hệ đối tác giúp tài trợ cho sự phát triển của những công nghệ đó ở chính Trung Quốc.

Các công ty Mỹ đã lên tiếng phản đối các hạn chế, nói rằng các biện pháp quá rộng có thể gây thiệt hại kinh tế và khiến các công ty Mỹ gặp bất lợi trước các đối thủ cạnh tranh toàn cầu. Họ lo ngại rằng những đối thủ này sẽ đổ xô vào thị trường Trung Quốc để chiếm lấy vị trí của họ.

Tuy nhiên, Reuters cho biết, Thượng viện Mỹ dự kiến sẽ thông qua phiên bản sửa đổi ngay trong tuần này. Dự luật của Thượng viện sau đó sẽ được đối chiếu với một dự luật được thông qua tại Hạ viện vào đầu tháng 7. Cả 2 viện sẽ phải giải quyết những khác biệt để đạt được sự thống nhất và trình lên phiên bản cuối cùng để Tổng thống Joe Biden ký thành luật.

Nguyễn Tuyết (Theo NY Times, Axios, Reuters)