Tiêu điểm thế giới

Mỹ rời bỏ Syria: Tưởng là "món quà" nhưng lại thành "bài toán khó" cho Nga?

Bộ ba Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ đang trở nên lục đục ở Syria khi không nhượng bộ nhau trong việc lấp đầy khoảng trống mà người Mỹ để lại.

Việc Mỹ rút khỏi Syria đang khiến cho bộ ba Astana trở nên mất đoàn kết.

Nghị sự chính của bộ ba Astana

Các nhà lãnh đạo của Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ (bộ ba Astana) đã họp tại khu nghỉ mát ở Biển Đen của Nga hôm 14/2 để thảo luận về cuộc xung đột ở Syria lần đầu tiên kể từ khi Mỹ tuyên bố rút quân.

Mặc dù Điện Kremlin chưa tiết lộ chi tiết, một số nhà quan sát cho rằng các câu hỏi về ý nghĩa chiến lược của động thái Mỹ rút quân và sự bất đồng giữa Moscow và Ankara về một khu an toàn ở miền Bắc Syria được coi là chương trình nghị sự chính.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hồi đầu tuần đã có chuyến thăm bất ngờ tới Ankara, nơi ông đã gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar để giải quyết một số vấn đề trước cuộc họp của bộ ba Astana - đặc biệt là những diễn biến gần đây ở tỉnh Idlib phía tây bắc Syria, giáp biên giới phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã có với nhau một thỏa thuận vào tháng 9 để thiết lập khu vực phi quân sự Idlib nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công của Chính phủ Syria, nhưng thỏa thuận này đã bị hủy bỏ vào tháng trước khi các chiến binh Hay'et Tahrir al-Sham liên kết với al-Qaida nắm quyền kiểm soát ở đó từ phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Trong khi Nga và Iran là đồng minh thân cận của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, thì Thổ Nhĩ Kỳ - cũng giống như Mỹ, ủng hộ các phe nổi dậy Syria khác nhau.

Đầu tuần này, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã cùng nhau kêu gọi các biện pháp quyết định để giành lại quyền kiểm soát Idlib, mặc dù các tuyên bố này không mang đến nhiều thông tin cụ thể.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ gần đây cho biết, Ankara có thể đồng ý với một cuộc tấn công hạn chế do Nga hậu thuẫn để chiếm lấy Idlib, nhưng điều đó sẽ chứng tỏ sự thất bại chiến lược đối với Ankara, trong đó nước này tìm cách tận dụng sự rút quân của Mỹ để chiếm lại các tỉnh đông bắc giàu dầu mỏ do các chiến binh người Kurd nắm giữ.

Kế hoạch dài hạn của Thổ Nhĩ Kỳ để tạo ra vùng đệm trên biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ - vốn đã được lực lượng Mỹ củng cố từ lâu - giờ đây sẽ cần sự hỗ trợ của Nga để thực thi.

Ở vùng Idlib nơi nhóm cực đoan Hay'et Tahrir al-Sham đã mở rộng phạm vi hoạt động, bất kỳ cuộc tấn công quân sự lớn nào nổ ra cũng có thể mang đến thương vong lớn và một cuộc di cư tị nạn vào Thổ Nhĩ Kỳ.

Tái thiết sau chiến tranh

Với tiền đề rằng một Syria không ổn định sẽ chỉ làm tăng dòng người tị nạn đến Bắc Âu, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bắt đầu thu hút đầu tư tái thiết sau chiến tranh từ các đối tác châu Âu vào cuối năm 2018.

Động thái cự tuyệt bởi các nhà lãnh đạo châu Âu về kế hoạch tái thiết sau chiến tranh trị giá 250 tỷ USD ở Syria đã khiến cho Nga và chính quyền Assad phải chuyển hướng sang Saudi Arabia và Trung Quốc như các đối tác đầu tư tiềm năng, đặt Moscow vào sự bất đồng với Tehran, quốc gia đang là đối tác quân sự ở Syria - theo nhà phân tích Samuel Ramani của Đại học Oxford.

Nga có thể bất đồng với chính Iran khi cuộc chiến Syria kết thúc.

Những lo ngại về sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp Nga và Iran liên quan đến việc tái thiết Syria đã nổi lên hồi đầu tháng 2/2018, khi Moscow vượt mặt Tehran để có được thỏa thuận lớn kéo dài 50 năm trong ngành công nghiệp phốt phát của Syria.

Mặc dù lợi ích chung của cả hai trong việc hậu thuẫn chính quyền Assad có thể cho phép Tehran và Moscow tạm gác lại những bất đồng. Tuy nhiên căng thẳng có thể bùng lên giữa Nga và Iran khi các hoạt động quân sự chung của họ ở Syria kết thúc, nhà phân tích Ramani nhận định.

Moscow gặp khó khi Mỹ rút quân?

Khi bộ ba Astana nôn nóng chờ đợi một cuộc rút quân hoàn toàn của Mỹ khỏi Syria, một số nhà quan sát cho rằng sự vắng mặt của người Mỹ trên mặt đất có thể là một yếu tố phức tạp đối với Moscow, quốc gia từ lâu đã tìm cách khẳng định mình là một nhà môi giới toàn cầu.

Theo chuyên gia Alexey Malashenko thuộc Viện nghiên cứu Đối thoại về Văn minh có trụ sở tại Moscow, câu hỏi đầu tiên là việc ai sẽ thay thế sự hiện diện của người Mỹ?

“Ở đây, có một sự bất đồng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, bởi vì Thổ Nhĩ Kỳ đã lặp đi lặp lại nhiều lần rằng khoảng trống Mỹ để lại phải được họ lấp đầy, trong khi Nga phản đối điều này. Vì vậy, từ quan điểm đó, tôi nghĩ rằng cuộc gặp ở Sochi sẽ rất, rất khó khăn cho cả hai quốc gia”, ông Malashenko nói.

Khi được hỏi liệu giới lãnh đạo Astana có tin tưởng vào kế hoạch rút quân của Nhà Trắng hay không - khi những tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về việc rút quân không có thời gian cụ thể và mâu thuẫn bởi các thành viên trong nội các của chính ông - Malashenko nói rằng điều đó không thành vấn đề.

“Bất kể kế hoạch như thế nào, chỉ có một điều khiến cuộc rút quân của Mỹ tạo ra thêm vấn đề cho Nga”, nhà phân tích nêu quan điểm. “Tại Điện Kremlin, họ liên tục nói về nước Mỹ như một kẻ thù gây ra nhiều vấn đề ở Trung Đông. Nhưng nếu người Mỹ rút, Nga sẽ làm gì? Bởi vì đối với Tổng thống Putin và Điện Kremlin, sự hiện diện của Mỹ mang đến tình hình dễ nắm bắt hơn. Bây giờ tình trạng này ngày càng trở nên không rõ ràng”.

Theo đánh giá của ông, một sự hiện diện bền vững của Mỹ sẽ chỉ có lợi cho Điện Kremlin.

“Có thể đó là một nghịch lý, nhưng nó là đúng trong trường hợp này”, Malashenko cho hay, giải thích rằng một cuộc rút quân của Mỹ cũng khiến Moscow phải vướng bận thêm trong việc hành động như một trọng tài trên mặt đất giữa Iran, Syria và Israel.

“Năm ngoái, chúng ta đã nói rất nhiều về sự phân cực của Tehran, Ankara và Moscow”, ông nói. “Nhưng giờ đây dường như tam giác này ngày càng trở nên mong manh hơn”.