Tiêu điểm thế giới

Mỹ rút khỏi hiệp ước hạt nhân: Nga "mở cờ trong bụng", châu Âu "tai bay vạ gió"

Việc Tổng thống Trump rút khỏi hiệp ước hạt nhân INF được ví như động thái "chặn đứng" Trung Quốc ở châu Á, trao "món quà" cho người Nga và đổ mọi "hậu họa" lên đầu người châu Âu.

Rút khỏi INF sẽ là bước đi khiến người châu Âu mất niềm tin đối với Mỹ.

Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được đưa ra vào năm 1987 bởi Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev, với việc cả hai quốc gia đồng ý loại bỏ tất cả các tên lửa phóng từ mặt đất với phạm vi bắn từ 500km tới 5.500km.

Nhưng trong những năm gần đây, sự bền vững của INF đã bị đe dọa khi cả hai quốc gia đã cáo buộc lẫn nhau về việc đối phương vi phạm hiệp ước. Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama vào năm 2014 từng chỉ trích Nga đã thử nghiệm tên lửa hành trình vi phạm Hiệp ước INF từ năm 2008. 

Về phần mình, Nga nói Mỹ vi phạm Hiệp ước INF bằng cách triển khai Hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng MK-41 ở Romania và Ba Lan. Trên thực tế, MK-41 hiện đang được sử dụng cho mục đích phòng thủ, nhưng Moscow cáo buộc rằng Mỹ có thể dễ dàng thay đổi sang thế trận tấn công.

Vào ngày 20/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục leo thang căng thẳng bằng tuyên bố có ý định rút khỏi hiệp ước kéo dài 31 năm với Moscow, điều mà giới phân tích cho biết sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an ninh của châu Âu.

Theo Steven Pifer, nhà nghiên cứu về kiểm soát vũ khí Mỹ và châu Âu tại viện Brookings, mặc dù cả hai bên đều cáo buộc đối phương vi phạm hiệp ước, việc chấm dứt INF lúc này sẽ là điều "không khôn ngoan" và sẽ chỉ có lợi cho Nga.

"Sau khi kết thúc Hiệp ước INF, Nga sẽ được tự do triển khai các tên lửa tầm trung trên mặt đất nhắm mục tiêu đến châu Âu, thậm chí là cả châu Á", Pifer nhấn mạnh. “Trong khi đó Mỹ lại không có vũ khí tương tự để phản ứng và không chắc NATO có thể đạt được sự đồng thuận về việc triển khai các tên lửa của Mỹ ở châu Âu nếu chúng có tồn tại".

Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết hôm 25/10 rằng Nga sẽ đáp trả bằng hành động thực tế nếu như Mỹ vẫn rút khỏi hiệp ước.

An ninh châu Âu

Một khi Mỹ rút khỏi INF, hơn ai hết, chính các nước châu Âu mới là đối tượng cảm thấy lo sợ nhất. Mối quan tâm này được coi là điều hiển nhiên trong nhiều năm trở lại đây, bởi các đồng minh của Mỹ luôn canh cánh nỗi lo về sức mạnh hạt nhân của Nga một khi được cởi trói.

Theo Maxwell Downman, nhà phân tích chính sách hạt nhân cho Hội đồng Thông tin An ninh Mỹ Anh (BASIC), người châu Âu từ lâu vẫn coi Nga là một kình địch và lo sợ ảnh hưởng ngày càng tăng của quốc gia này, đặc biệt là sau sự sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Cùng với đó, các Chính phủ EU đã bày tỏ sự thận trọng tương tự đối với chính quyền của Tổng thống Donald Trump – nhà lãnh đạo luôn mang đến những chính sách khiến châu Âu phải phiền lòng.

“Hầu hết các thành viên NATO đang lo lắng cả về Nga lẫn chính quyền Trump", Downman nói. Một khi Hiệp ước INF tan vỡ, Mỹ và Nga có thể không hề hấn gì nhưng áp lực lại rơi vào vai người châu Âu, chuyên gia này giải thích.

"Đây là loại hành động mà Mỹ đưa ra quyết định, nhưng rủi ro và hậu quả lại rơi vào người châu Âu", Downman nhận xét. “Tên lửa tầm trung, theo định nghĩa, được nhắm vào các thủ đô của EU".

Điều này có thể làm tình hình xấu hơn nữa cho các mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa châu Âu và chính sách bảo hộ của chính quyền Trump, thậm chí là giúp cho người Nga gây dựng lại hình ảnh ở lục địa già sau nhiều năm bị xa lánh.

Việc Mỹ dự định rút khỏi Hiệp ước INF xuất hiện vào thời điểm chủ nghĩa dân túy cánh hữu - một phong trào chính trị có chủ trương ủng hộ hợp tác với Nga - đang tạo ra chỗ đứng vững chắc trong các cuộc bầu cử quốc gia trên toàn châu Âu.

Tổng thống Trump có thể đang thực hiện những điều liều lĩnh.

Các phong trào này ở Hungary và Italy - cả hai đều là thành viên của EU và NATO - gần đây đã bày tỏ mong muốn chấm dứt các biện pháp trừng phạt đối với Nga để mang lại lợi ích kinh tế.

Sự rút lui của chính quyền Trump ra khỏi INF sẽ "đặt Mỹ trực tiếp mâu thuẫn với các đồng minh EU", giống như với thỏa thuận Iran trước đó, Downman nhận định.

Mối lo ngại Trung Quốc

Trong khi châu Âu lo ngại về sự an toàn của chính mình, cả Mỹ và Nga đều bày tỏ lo ngại về sự gia tăng tên lửa của Trung Quốc ở châu Á, quốc gia vốn không bị ràng buộc bởi Hiệp ước INF.

Nga có chung biên giới 4,209km với Trung Quốc, còn Mỹ duy trì căn cứ quân sự ở các nước đồng minh như Hàn Quốc và Nhật Bản.

Trong khi thế giới đang tập trung vào quan hệ Nga-Mỹ và Hiệp ước INF, "thực tế cho thấy việc Trung Quốc không phải là một phần của hiệp ước mới là vấn đề chính của Mỹ", Nathan Levine, nhà phân tích về quan hệ Mỹ-Trung tại viện Chính sách Xã hội châu Á, nói với Al Jazeera.

Thỏa thuận này chỉ đơn giản là không hấp dẫn với ông Trump, "với lý giải rằng Trung Quốc không bị ràng buộc và Nga không tuân thủ, và đó là đủ lý do để ông ấy không tiếp tục", nhà phân tích Levine nhận xét.

Về cơ bản, dấu chấm hết cho Hiệp ước INF sẽ khiến cho công chúng được chứng kiến Mỹ triển khai thêm vũ khí cho các đồng minh của mình ở châu Á để cân bằng lại ảnh hưởng của Trung Quốc .

Để dễ chấp nhận hơn, Hàn Quốc và Nhật Bản có thể sẽ tự triển khai vũ khí của riêng mình và Mỹ một lần nữa lại là người bán hàng, giống như hiện tại họ đã bán chiến đấu cơ F- 35.

Trò chơi nguy hiểm

Việc sử dụng Hiệp ước INF làm đòn bẩy để ứng phó với Trung Quốc và kho vũ khí tên lửa tầm trung của Nga có thể mang đến ảnh hưởng nguy hiểm trong tương lai đối với các quy tắc kiểm soát vũ khí.

Các nhà quan sát tin rằng, nếu Hiệp ước INF sụp đổ, quan hệ giữa Nga và Mỹ sẽ không thể giúp cho Hiệp ước giảm trừ vũ khí chiến lược mới (START) (từng ký năm 2010) được tiếp tục gia hạn. Đây là hiệp ước giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược do Mỹ và Nga triển khai xuống còn 1.550.

John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, cho biết vào ngày 22/10 rằng, chính quyền đang "cân nhắc lập trường của mình" trong hiệp ước.

Một thất bại trong việc gia hạn START – vốn sẽ hết hạn vào năm 2021 - "sẽ là một kết quả tồi tệ", chuyên gia Levine nói. "Tổng thống Trump có vẻ không nghĩ nhiều điều về tương lai phía trước".

Downman, nhà phân tích chính sách hạt nhân cho BASIC, cho biết đây là suy nghĩ quá nguy hiểm khi không xem xét đến hậu quả.

Thay vì hủy bỏ các hiệp ước, Downman nói chính quyền Trump nên tìm kiếm thêm các biện pháp trừng phạt Nga đối với những gì họ cho là đang vi phạm Hiệp ước INF, đồng thời "loại bỏ các lựa chọn ngoại giao và quân sự trong hiệp ước".

Chính sách hạt nhân không phải là nơi để đưa mọi thứ đến miệng hố chiến tranh, Downman nói. "Những gì ông Trump đang làm là không bình thường ... Đây là một trò chơi mà bạn có nguy cơ hủy diệt toàn bộ thế giới".