Sản phẩm

Mỹ ra mắt máy quét 3D toàn thân tạo bản quét trong "nốt nhạc"

Chỉ trong khoảng thời gian từ 20-30 giây, máy quét EXPLORER có thể tạo ra bản quét 3D toàn bộ cơ thể với chất lượng hình ảnh tốt hơn và liều bức xạ thấp hơn đáng kể.

Các nhà khoa học từ đại học UC Davis, Mỹ đã phát triển thành công máy quét toàn thân đầu tiên trên thế giới có thể tạo ra bản quét 3D chi tiết về giải phẫu người, Design Boom hôm 20/11 đưa tin. Theo Vietnamplus, thiết bị quét mang tên EXPLORER có thể quét nhanh gấp 40 lần so với máy chụp cắt lớp phát xạ positron (PET scan) hiện nay.

EXPLORER kết hợp kỹ thuật PET scan với chụp cắt lớp vi tính tia X (CT scan), cho phép tạo ra bản quét 3D toàn bộ cơ thể chỉ trong khoảng 20-30 giây với chất lượng hình ảnh tốt hơn và liều bức xạ thấp hơn đáng kể so với PET scan.

Máy quét 3D toàn thân EXPLORER. Ảnh: Design Boom

Thiết bị không chỉ nhanh hơn mà còn có khả năng quét với liều bức xạ thấp hơn đáng kể. Bên cạnh đó, độ nhạy cao hơn còn cho phép thiết bị tạo ra bản quét với chất lượng hình ảnh tốt hơn. Điều này giúp giảm ảnh hưởng của bức xạ đối với những bệnh nhân cần chụp cắt lớp nhiều lần, đồng thời là tin vui trong nghiên cứu nhi khoa, nơi việc kiểm soát liều bức xạ tích lũy có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bên cạnh đó, độ nhạy cao hơn còn cho phép thiết bị tạo ra bản quét với chất lượng hình ảnh tốt hơn.

Bản quét 3D được tạo ra bởi EXPLORER. Video: Design Boom

Theo VnExpress đưa tin, nhà nghiên cứu Ramsey Badawi thuộc Đại học UC Davis cho biết, "EXPLORER có thể quét 3D toàn thân với mức độ chi tiết đáng kinh ngạc. Chúng ta có thể thấy một số đặc tính vượt qua giới hạn của những máy quét thương mại thông thường. Thiết bị cho phép quan sát các chất phóng xạ đánh dấu (radiotracer) di chuyển khắp cơ thể theo ba chiều".

Với sự hỗ trợ của máy quét toàn thân EXPLORER, các bác sĩ lâm sàng có thể đánh giá được những gì đang diễn ra trong tất cả các mô và cơ quan trong cơ thể. Nó có thể đo được lưu lượng máu và xác định cách cơ thể hấp thụ glucose. Nhóm nghiên cứu hy vọng cỗ máy sẽ đem tới những đột phá trong việc nghiên cứu và điều trị ung thư.

EXPLORER được trang bị gần 2.000 đầu dò khối, tạo ra trường nhìn hướng trục (FOV) khoảng 2 m. Nó có thể thu thập 40 Terabyte (40.000 GB) chỉ trong một ngày. Cỗ máy nặng hơn 10 tấn và tiêu thụ xấp xỉ 60 kW điện. Nhóm nghiên cứu tin rằng thiết bị sẽ sớm được ứng dụng rộng rãi trên toàn thế giới.

"Tôi nghĩ chúng ta sẽ không phải chờ quá lâu để thấy một hệ thống máy quét EXPLORER trên toàn thế giới. Nhưng điều đó phụ thuộc vào việc chứng minh lợi ích của hệ thống cả về phương diện lâm sàng và nghiên cứu. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung vào nghiên cứu để chứng minh cách EXPLORER mang lại lợi ích cho bệnh nhân và đóng góp vào nền y học thế giới", Badawi cho biết.

Phong Linh (tổng hợp)