Thế giới

Mỹ nhắm tới khuôn khổ kinh tế mới mạnh hơn CPTPP vào năm 2022

Khuôn khổ này hướng tới thu hút sự tham gia của không chỉ các quốc gia phát triển ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, mà còn cả các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam.

Chính quyền Tổng thống Biden đặt mục tiêu ký kết một thỏa thuận khung về kinh tế “rất mạnh mẽ” với các quốc gia châu Á vào năm tới, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết.

“Đó là ưu tiên của tổng thống”, Raimondo cho biết khi nói về việc tăng cường hợp tác giữa Mỹ và châu Á tại một cuộc thảo luận bàn tròn hôm 9/12 tại trụ sở Bloomberg ở New York.

“Mỹ đã không hiện diện ở khu vực trong 4 năm qua”, bà nói, ám chỉ đến giai đoạn dưới thời Chính quyền Trump.

Raimondo cho biết, chuyến đi của bà đến các nước châu Á, bao gồm Singapore, Malaysia và Nhật Bản, vào tháng trước được thiết kế để chuẩn bị cho thỏa thuận kinh tế này, nhưng nó sẽ không được hiện thực hóa dưới dạng các cuộc đàm phán thương mại truyền thống.

Bà cũng khẳng định lại rằng Mỹ không tham gia Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ cho Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Thay vào đó, Mỹ muốn hình thành một khuôn khổ kinh tế trong chừng mực nào đó “có thể còn mạnh mẽ hơn so với hiệp định thương mại tự do truyền thống” như CPTPP, Raimondo cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình trong chuyến đi tới Tokyo, Nhật Bản, của bà hồi tháng 11.

Điều mà Chính quyền Biden hình dung là “một loại khuôn khổ kinh tế mới cho một nền kinh tế mới” và hy vọng là “vào đầu năm mới, cụ thể là quý đầu tiên của năm tới, một quy trình sẽ chính thức được khởi động”, Bộ trưởng Thương mại Mỹ cho biết.

Khuôn khổ mới này sẽ tập trung vào các lĩnh vực bao gồm điều phối chuỗi cung ứng, kiểm soát xuất khẩu và tiêu chuẩn cho trí tuệ nhân tạo (AI), đồng thời sẽ “linh hoạt” để một số quốc gia có thể không cần đăng ký thực hiện tất cả các yếu tố, theo Raimondo.

Mục đích của khuôn khổ là thu hút sự tham gia của không chỉ các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Singapore, Australia và New Zealand, mà còn cả các nền kinh tế mới nổi như Malaysia, Việt Nam và Thái Lan.

"Nó sẽ không phải là một thỏa thuận thương mại, nhưng nó có thể rất mạnh mẽ", Raimondo khẳng định.

Dưới thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã tham gia vào các cuộc đàm phán cho Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), được ký kết vào năm 2016 nhưng chưa bao giờ được hiện thức hóa và có hiệu lực. Mỹ rút khỏi TPP dưới thời Chính quyền Trump. Và TPP sau này đã được thay thế bằng CPTPP.

Được ký kết năm 2018, CPTPP bao gồm 11 quốc gia thành viên là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Một số nền kinh tế trên thế giới như Vương quốc Anh, Thái Lan, Trung Quốc... đã ngỏ ý hoặc nộp đơn xin ra nhập FTA thế hệ mới này.

CPTPP có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1/2019.

Minh Đức (Theo Bloomberg, Nikkei Asia)