Thế giới

Mỹ, Nga, Trung Quốc, Triều Tiên chi bao nhiêu cho kho vũ khí hạt nhân?

Sự gia tăng chi tiêu cho vũ khí hạt nhân phản ánh kết quả một báo cáo mới của SIPRI cho thấy nguy cơ xung đột hạt nhân ở mức cao nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh.

Chín quốc gia có vũ khí hạt nhân trên thế giới – gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên – tổng cộng đã chi 82,4 tỷ USD cho kho vũ khí hạt nhân của họ năm 2021, theo một báo cáo mới của Chiến dịch quốc tế về bãi bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN).

Mức tăng sau khi đã điều chỉnh lạm phát là 9%, tương đương khoảng 6,5 tỷ USD, so với năm trước đó (2020), khi các nước trên đã chi tổng cộng 76 tỷ USD cho kho vũ khí hạt nhân của mình, theo báo cáo ICAN công bố hôm 14/6.

Sự gia tăng chi tiêu này cho thấy bất chấp xu hướng chung đang diễn ra là giảm tồn kho hạt nhân, các quốc gia có vũ khí hạt nhân vẫn tiếp tục đầu tư vào hiện đại hóa và cải thiện kho vũ khí hạt nhân của họ, cũng như tài trợ cho các công ty và tổ chức tư vấn viết về chính sách hạt nhân để hỗ trợ những khoản chi ngân sách khổng lồ này.

Những khoản chi khổng lồ

Theo ICAN, Mỹ đứng đầu danh sách chi tiêu hạt nhân năm 2021, với 44,2 tỷ USD chi cho vũ khí hạt nhân.

Trung Quốc đứng ở vị trí thứ hai, nhưng với khoản chi thấp hơn nhiều so với Mỹ, với 11,7 tỷ USD được chi cho kho vũ khí hạt nhân đang phát triển của mình.

Tuy nhiên, ICAN lưu ý rằng không có thông tin công khai đáng tin cậy nào về những gì Bắc Kinh đang chi cho vũ khí hạt nhân, và đánh giá của ICAN dựa trên các ước tính trước đó tính toán chi tiêu hạt nhân của Trung Quốc là khoảng 4% tổng ngân sách quân sự của nước này.

Nga đứng thứ ba, với 8,6 tỷ USD. Con số này - ước tính dựa trên báo cáo năm 2018 của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) - cho thấy, chi tiêu cho hệ thống vũ khí hạt nhân của Nga chiếm khoảng 13% tổng chi tiêu quốc phòng trong những năm gần đây, dựa trên dữ liệu thu thập được từ năm 2010 đến năm 2016.

Năm ngoái, theo ước tính, Nga đã rót 65,9 tỷ USD cho chi tiêu quân sự.

Biểu đồ thể hiện chi tiêu cho kho vũ khí hạt nhân của 9 quốc gia có vũ khí hạt nhân trên thế giới năm 2021. Theo ICAN, 9 quốc gia này đã chi hơn 156.000 USD mỗi phút cho vũ khí hạt nhân vào năm 2021. Nguồn: ICAN

Anh đứng thứ tư trong danh sách, với 6,8 tỷ USD chi cho vũ khí hạt nhân, tiếp theo là Pháp với 5,9 tỷ USD, Ấn Độ với 2,3 tỷ USD, Israel với 1,2 tỷ USD, Pakistan với 1,1 tỷ USD và cuối cùng là Triều Tiên với 642 triệu USD.

Như vậy, Triều Tiên là nước chi tiêu ít nhất cho vũ khí hạt nhân trong nhóm trên. Tuy nhiên, thực ra, không có dữ liệu xác thực về chi tiêu cho vũ khí hạt nhân hay quy mô kho vũ khí của nước này.

ICAN đưa ra con số ước tính trên dựa trên giả định Triều Tiên tiếp tục chi 1/3 tổng thu nhập quốc dân cho quân sự và 6% ngân sách quân sự của nước này chi tiêu cho vũ khí hạt nhân.

ICAN cũng ước tính rằng, Mỹ có 5.428 đầu đạn hạt nhân mà họ có thể phóng từ các cơ sở trên đất liền, tàu ngầm và máy bay, trong khi Trung Quốc có 350 đầu đạn và Nga có nhiều hơn một chút so với Mỹ, với 5.977 đầu đạn.

Cơ quan An ninh Hạt nhân Quốc gia (NNSA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ đã chi 15,3 tỷ USD vào năm 2021 cho các hoạt động với vũ khí, ICAN cho biết.

Trong cùng năm này, Bộ Quốc phòng Mỹ đã yêu cầu 28,9 tỷ USD cho hiện đại hóa hạt nhân, bao gồm Răn đe chiến lược trên mặt đất, Máy bay ném bom B-21, Vũ khí tầm xa dự phòng, tàu ngầm lớp Columbia, cảnh báo tên lửa, và 7 tỷ USD cho hỉ huy, kiểm soát hạt nhân và thông tin liên lạc.

Cả 2 khoản chi này chiếm khoảng 6% tổng chi tiêu quân sự của Mỹ năm 2021.

Chu kỳ chi tiêu cho vũ khí hạt nhân năm 2021 của 9 quốc gia có vũ khí hạt nhân trên thế giới. Nguồn: ICAN

Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân

Sự gia tăng chi tiêu hạt nhân của 9 quốc gia trang bị vũ khí hạt nhân phản ánh kết quả của một báo cáo mới được SIPRI công bố hôm 13/6, cho thấy nguy cơ xung đột hạt nhân ở mức cao nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh. SIPRI dự kiến kho vũ khí hạt nhân toàn cầu sẽ “phình lên” trong thập kỷ tới.

Kết luận này gây lo ngại cho ICAN, một cơ quan có trụ sở ở Geneva đang tích cực vận động cho sự tôn trọng và thực hiện đầy đủ Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân được Liên Hợp Quốc thông qua vào tháng 7/2017 và có hiệu lực từ ngày 22/1/2021.

Hiệp ước được ký kết bởi 59 quốc gia trên thế giới, nhưng không bao gồm bất kỳ cường quốc hạt nhân nào.

Cuộc họp đầu tiên của các quốc gia tham gia Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân sẽ diễn ra tại Vienna từ ngày 21-23/6.

Đây sẽ là hội nghị thượng đỉnh quốc tế về vũ khí hạt nhân đầu tiên kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát thành hành động quân sự.

Hội nghị dự kiến sẽ thông qua một tuyên bố chung và các cam kết cụ thể cho các quốc gia thành viên để thực hiện Hiệp ước.

Minh Đức (Theo Newsweek, ICAN)