Thế giới

Mỹ là nhà xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới nửa đầu năm 2022

Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), Mỹ đã trở thành nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) hàng đầu thế giới trong nửa đầu năm 2022.

Mới đây, EIA cho biết Mỹ là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) hàng đầu thế giới trong nửa đầu năm 2022, khi nền kinh tế số một thế giới tăng cường cung cấp khí đốt cho châu Âu trong bối cảnh xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine.

Theo IEA, xuất khẩu LNG của Mỹ trong nửa đầu năm nay tăng 12% so với 6 tháng cuối năm 2021, lên mức trung bình 11,2 tỷ foot khối (khoảng 317,2 triệu m3).

IEA cho biết, năng lực xuất khẩu LNG tăng cùng với giá và nhu cầu tăng cao, đặc biệt là từ châu Âu, giúp thúc đẩy xuất khẩu khí hóa lỏng của Mỹ.

Xuất khẩu LNG của Mỹ đã tăng đáng kể trong vài năm qua khi các quốc gia tìm cách đa dạng hóa nguồn năng lượng và tránh các nhà máy sử dụng than gây ô nhiễm. Tuy nhiên, việc xây dựng các cơ sở sản xuất LNG mới phải mất vài năm, nên Mỹ dự kiến sẽ không bổ sung đáng kể thêm công suất khí hóa lỏng mới cho đến ít nhất là năm 2024.

EIA cho biết, trong giai đoạn tháng 1-5/2022, khoảng 71% lượng LNG xuất khẩu của Mỹ là sang Liên minh châu Âu và Anh.

Châu Âu đang gặp rất nhiều khó khăn để dự trữ đủ lượng khí đốt trong kho trước mùa Đông, vì Nga đã cắt giảm nghiêm trọng lượng khí đốt vận chuyển qua đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1 sau khi Mỹ và các đồng minh áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nước này. Hiện tại, cả Anh và châu Âu đang phải dựa vào nguồn LNG nhập khẩu phần lớn từ Mỹ.

Trong 5 tháng đầu, lượng LNG nhập khẩu vào châu Âu đã tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Anh ghi nhận lượng lớn LNG nhập khẩu vào những tháng mùa đông, đặc biệt vào tháng 1. So với các quốc gia EU, Anh có lợi thế nguồn cung và an ninh năng lượng nhờ các mỏ khí đốt ngoài khơi. Quốc gia này cũng chuyển một phần khí đốt nhận được vào sâu lục địa thông qua hệ thống đường ống nằm dưới Biển Bắc.

Việc gia tăng LNG giúp châu Âu bù đắp tình trạng thiếu hụt khí đốt từ Nga. Đây cũng là khía cạnh quan trọng nhất trong chiến lược giảm sự phụ thuộc vào Nga của EU.

Từ lâu, Nga đã là đối tác cung cấp năng lượng hàng đầu cho châu Âu. Tuy nhiên, Moscow đang siết chặt nguồn cung khí đốt, vốn được sử dụng để sưởi ấm, nấu ăn, sản xuất điện và công nghiệp. Vài năm trở lại đây, nguồn cung Nga chiếm khoảng 1/3 lượng tiêu thụ của châu Âu.

“Chúng tôi không thể dựa vào một nhà cung cấp không có thiện chí”, Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), tuyên bố vào đầu năm.

LNG nhập khẩu đang được đẩy mạnh sang châu Âu. Dẫu vậy, phần lớn nguồn cung xuất phát từ Mỹ, một trong ba nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới bên cạnh Qatar và Australia. Khoảng một nửa số tàu cập cảng Grain LNG trong năm ngoái cũng xuất phát từ Mỹ

Có thời điểm lượng LNG nhập khẩu vượt quá lưu lượng khí đốt đến từ Nga. Tháng 2, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố đảm bảo ít nhất 15 tỷ m3 khí đốt, tương đương 10% lượng khí đốt nhập từ Nga, bổ sung cho đồng minh châu Âu trong năm nay.

Vào tháng 6, Mỹ xuất khẩu LNG ít hơn 11% so với mức xuất khẩu trung bình 11,4 tỷ foot khối mỗi ngày trong 5 tháng đầu năm 2022, sau khi một vụ hỏa hoạn gây ra sự cố tại cơ sở xuất khẩu của công ty Freeport LNG.

Freeport LNG ước tính sẽ nối lại các hoạt động hóa lỏng một phần vào đầu tháng 10 và trở lại sản xuất đầy đủ vào cuối năm.

Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, Zing)