Tiêu điểm thế giới

Mỹ dứt khoát xuống tay với "bạn thân" Thổ Nhĩ Kỳ, "lỗi" ở S-400 hay vì lý do sâu xa khác?

Tuyên bố trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ của Mỹ sẽ không phải lời đe dọa suông, nhưng S-400 chỉ đơn giản là cái cớ cho lý do sâu xa khác mà Washington hướng tới.

S-400 đang là vấn đề gây chia rẽ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Bất chấp áp lực ngày càng tăng từ Washington, Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối từ bỏ thỏa thuận S-400 với Nga. Tờ Sputnik đã nói chuyện với chuyên gia Aydin Sezer, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ - Nga về vấn đề gây tranh cãi này.

Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Mỹ Charlie Summers trước đó tuyên bố rằng nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành mua các hệ thống phòng thủ của Nga, thì Mỹ sẽ buộc phải rút bỏ quyết định cung cấp các máy bay F-35 và cả các hệ thống tên lửa Patriot, vốn trước đây được bộ Ngoại giao bật đèn xanh.

Chuyên gia Aydin Sezer tin rằng tuyên bố của Washington không phải lời đe dọa suông mà nước này sẽ làm thật với việc loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi dự án F-35 và từ chối bán Patriot mà Ankara đang cần. Ông cũng tin rằng Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Ankara, làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng kinh tế mà Thổ Nhĩ Kỳ đang trải qua.

Học giả cho rằng hành động của Mỹ nhằm đình chỉ các nguồn cung cấp F-35 và Patriot sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ, bất chấp việc S-400 được coi là giải pháp tăng cường phòng thủ.

Tuy nhiên, về phía Ankara vẫn đang hy vọng Washington không nỡ siết chặt vấn đề, vì Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh mạnh mẽ của NATO. Theo chuyên gia Sezer, thỏa thuận S-400 không phải là vấn đề duy nhất ảnh hưởng đến quan hệ song phương Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng cả hai nước đều không muốn làm tổn hại mối quan hệ với bên kia.

"Mỹ cũng không thoải mái với mối quan hệ hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga. Họ đang cố gắng giữ lập trường đàm phán ban đầu của họ trong thời gian này. Tôi nghĩ rằng cả hai bên sẽ không có nguy cơ phá vỡ quan hệ, mặc dù cả hai bên đã công khai mọi bất đồng với nhau", ông nói.

S-400 là công cụ chính trị?

Sezer chỉ ra rằng, Ankara đã sử dụng thỏa thuận mua sắm S-400 như một phương tiện để chứng minh cho Washington thấy bản thân họ luôn có một "lựa chọn" khác trong chính sách đối ngoại của mình.

"Nó giống như một công cụ làm con lắc chính trị giữa Mỹ và Nga. Thổ Nhĩ Kỳ muốn thể hiện rõ về việc Nga luôn nằm trên bàn hợp tác về mọi chủ đề, điều đã được minh chứng với việc Ankara tham gia tiến trình Astana với Nga và Iran ở Syria”, ông nói.

Nhà nghiên cứu cũng cho biết, lý do Thổ Nhĩ Kỳ mua các hệ thống phòng thủ của Nga là một phản ứng với việc Washington bỏ ngoài tai lời kêu gọi của Ankara trong việc ngừng hợp tác với lực lượng người Kurd (PKK/YPG), mà nước này coi là các tổ chức khủng bố.

Việc mua lại S-400 cũng là công cụ hỗ trợ Erdogan trong chính trị nội địa Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Sezer, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thích chơi bài "đối đầu với Mỹ" trước cuộc bầu cử và đảng của ông – AKP - sẽ sử dụng quan điểm này trước cuộc bầu cử sắp tới.

Mỹ có thể ngừng giao F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại sao Mỹ rất băn khoăn trước quyết định mua S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ? Trước đó, Mỹ lý giải rằng S-400 không tương thích với các hệ thống NATO và có thể là mối đe dọa đối với các thành viên, nhưng có những ví dụ như Hy Lạp, trước đây đã mua các hệ thống phòng không không tương thích với các hệ thống NATO mà không hề gặp phản đối.

“Tôi nghĩ lý do thực sự đằng sau sự phản đối của Washington là vì họ sợ tầm quan trọng ngày càng tăng của Nga ở Trung Đông. Mỹ không muốn Thổ Nhĩ Kỳ trở nên gần gũi hơn với Moscow. Họ muốn thấy một Ankara tuân thủ chính sách của Washington trong mọi vấn đề”, chuyên gia Nagehan Alçı viết trên Daily Sabah.

Lời đe dọa của Washington

Trước đó, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Charlie Summers tuyên bố rằng nếu Thổ Nhĩ Kỳ mua lại các hệ thống S-400 của Nga, Washington sẽ buộc phải cắt đứt mối quan hệ quân sự với Ankara và không giao F-35 và Patriot.

Những bình luận của ông được đưa ra trước phát biểu của người đứng đầu Bộ Tư lệnh Châu Âu Curtis Scaparrotti tại Quốc hội, nơi ông bày tỏ quan điểm không nên cung cấp F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ, với lo ngại rằng hệ thống phòng thủ của Nga có thể phơi bày những điểm yếu trên máy bay phản lực hàng đầu của Mỹ.

Đồng thời, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tái khẳng định cam kết của nước này đối với thỏa thuận S-400 vào ngày 7/3. Ông Erdogan cũng đã cân nhắc mua các hệ thống S-500 tiên tiến từ Nga trong tương lai.