Công nghệ

Mỹ dự định hạn chế đầu tư với SenseTime và SMIC

Việc thắt chặt đầu tư với tập đoàn AI SenseTime và nhà sản xuất chip SMIC sẽ trở thành một phần trong chiến lược kiểm soát ngành công nghệ Trung Quốc của Mỹ.

Các quan chức Mỹ đang có kế hoạch cấm doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào tập đoàn trí tuệ nhân tạo Trung Quốc SenseTime và ngăn chặn tập đoàn sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC mua thiết bị sản xuất từ Mỹ, đánh dấu thêm một động thái chống lại các công ty công nghệ Trung Quốc.  

Theo các nguồn tin, SenseTime sẽ bị đưa vào một “danh sách đen” của chính phủ Mỹ bao gồm các công ty Trung Quốc có quan hệ hỗ trợ với quân đội Trung Quốc. SenseTime hiện là một trong những công ty hàng đầu về phát triển công nghệ nhận dạng khuôn mặt. 

Việc bị đưa vào danh sách đen sẽ cấm người Mỹ đầu tư vào SenseTime và làm phức tạp thêm kế hoạch IPO của công ty này tại Hồng Kông vào tháng này, được dự đoán sẽ huy động tới 767 triệu USD. SenseTime chưa lập tức đưa ra bình luận. 

Bên cạnh đó, một số quan chức khác đang có kế hoạch thảo luận một đề xuất của Bộ Quốc phòng Mỹ nhằm đóng lại các lỗ hổng pháp lý cho phép SMIC mua công nghệ trọng yếu của Mỹ. Tuy có tên trong danh sách thực thể hạn chế xuất khẩu của Bộ Thương mại Mỹ, SMIC vẫn đang mua được công cụ chế tạo tại Mỹ nhằm sản xuất chip. Các quan chức này còn đang xem xét việc đưa thêm một số công ty công nghệ Trung Quốc vào danh sách thực thể.

Việc nhắm đến SenseTime và SMIC là tín hiệu cho thấy chính quyền Biden đang thắt chặt kiểm soát hoạt động của giới công nghệ Trung Quốc - một chính sách được cả hai đảng trong Quốc hội ủng hộ trong bối cảnh hai quốc gia đang cạnh tranh vị thế hàng đầu thế giới. 

Tuy một số quan chức tại nhiều cơ quan khác nhau đang ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc, lãnh đạo Bộ Thương mại Mỹ lại có quan điểm phản đối một số phần của kế hoạch với lý do nó sẽ gây hại cho các công ty Mỹ. Bộ Thương mại Mỹ chưa có bình luận nào. 

SenseTime vẫn đang làm theo kế hoạch IPO tuy cổ phiếu công nghệ Trung Quốc hiện đang trong tình trạng tiêu cực trong thời gian gần đây và một công ty con của tập đoàn này đã bị cho vào danh sách thực thể của Mỹ năm 2019, với lý do công nghệ của công ty được dùng trong hệ thống giam giữ hàng loạt người Hồi giáo tại Tân Cương.  

Tuy việc bị đưa vào danh sách thực thể đã làm IPO của SenseTime trở nên kém hấp dẫn với một số nhà đầu tư quốc tế, HSBC Corporate Finance (Hồng Kông) đang đồng tài trợ dự án này, trong khi hai công ty Mỹ Silver Lake và Qualcomm đều tham gia đầu tư vào SenseTime. Trước đó, trong bản cáo bạch IPO, SenseTime cũng đã ghi chú về việc công ty con tại Bắc Kinh bị Mỹ “đánh dấu” và nói rằng hạn chế “không áp dụng với các thực thể nằm trong tập đoàn và riêng biệt về pháp lý” với công ty này. 

Về phần SMIC, theo yêu cầu trong danh sách thực thể, công ty này không được phép mua thiết bị “tuyệt đối cần thiết” cho quá trình sản xuất chip theo tiến trình 10nm hoặc nhỏ hơn - gần với giới hạn công nghệ sản xuất chip bán dẫn hiện tại. Theo nguồn tin, do một số thiết bị có thể được dùng để chế tạo chip với nhiều kích cỡ khác nhau, bên xuất khẩu vẫn có thể bán thiết bị có thể được điều chỉnh để sản xuất chip nhỏ hơn, khiến ngôn ngữ trong danh sách thực thể “gần như vô giá trị”.  

Để thay đổi điều này, Bộ Quốc phòng Mỹ, với sự ủng hộ của các quan chức Bộ Ngoại giao, Bộ Năng lượng và Hội đồng An ninh Quốc gia, muốn thay đổi quy định để ngăn SMIC tiếp cận thiết bị “có thể” sản xuất chip 14nm hoặc nhỏ hơn. Siêu máy tính mạnh nhất nước Mỹ IBM Summit hiện đang sử dụng chip ở kích cỡ này. 

Trung Quốc là một nước cung cấp chip cấp thấp quan trọng. Những người ủng hộ đề xuất của Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng do hiện tại Trung Quốc chưa phải nước mạnh về sản xuất chip tiên tiến, việc hạn chế mua thiết bị đối với các công ty Trung Quốc sẽ không gây ảnh hưởng đến nguồn cung toàn cầu. Đối với các công ty Mỹ, đề xuất này sẽ chỉ áp dụng với một phần nhỏ các sản phẩm mà các công ty này bán ra. 

Tùng Phong (Theo Wall Street Journal)