Thế giới

Mỹ dự báo căng thẳng nguồn cung chất bán dẫn đến năm 2023

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nhận định, tình trạng thiếu nguồn cung chất bán dẫn trên toàn cầu có thể kéo dài ít nhất đến hết năm 2023.

Đối mặt khủng hoảng

Việc Mỹ và Trung Quốc thiếu khả năng tự sản xuất chất bán dẫn trong nước là một nguy cơ đáng lo ngại trong bối cảnh thiếu hụt nguồn bán dẫn đang diễn ra trên toàn cầu.

Mỹ và Trung Quốc đang tiến hành một cuộc chiến công nghệ trên nhiều mặt trận nhưng cả hai cường quốc này đều đã tìm thấy một điểm chung đó là việc thiếu hụt nguồn cung chất bán dẫn. Điều này đã gây ra nhiều tác động đến phát triển kinh tế của cả hai quốc gia.

Trước đó, phát biểu trước một phiên điều trần tại Thượng viện diễn ra vào ngày 20/4 vừa qua, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho rằng, đất nước đang đối mặt với “cuộc khủng hoảng” do thiếu khả năng sản xuất chất bán dẫn, sự thiếu hụt này gây “rủi ro cho an ninh quốc gia và rủi ro cho an ninh kinh tế”.

Và để hỗ trợ đầu tư vào sản xuất chất bán dẫn trên đất Mỹ, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã lên kế hoạch chi hàng chục tỷ USD cho lĩnh vực bán dẫn trong gói tái cấu trúc cơ sở hạ tầng và khôi phục nền kinh tế trị giá 2 nghìn tỷ USD.

Các tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang cố gắng tăng cường khả năng tự chủ trong các ngành công nghiệp bán dẫn của họ và trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chip bán dẫn cho xe hơi trên toàn cầu hiện đã lan sang các sản phẩm điện tử tiêu dùng.

Mỹ được xem là quốc gia dẫn đầu toàn cầu về thiết kế chip bán dẫn và sản xuất phần mềm tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) nhưng đang bị tụt hậu về sản xuất chip bán dẫn, trong khi Trung Quốc đang phải vật lộn để cắt giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu các mạch tích hợp (IC) tiên tiến.

Căng thẳng nguồn cung có thể kéo dài hết năm 2023

Ngày 31/5, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nhận định, tình trạng thiếu nguồn cung chất bán dẫn trên toàn cầu có thể kéo dài ít nhất đến hết năm 2023, thậm chí lâu hơn.

Năm ngoái, chuỗi cung ứng chất bán dẫn bị gián đoạn nghiêm trọng do dịch Covid-19 ảnh hưởng đến các nhà sản xuất tại châu Á, trong khi nhu cầu mua sắm ô tô và đồ điện tử của người tiêu dùng Mỹ gia tăng khi nhận được trợ cấp tiền mặt của chính phủ. 

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington, DC ngày 22/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN.

Phát biểu với báo giới, bà Raimondo cho biết, trong chuyến thăm Hàn Quốc gần đây, bà đã trao đổi vấn đề này với nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp sản xuất chip, và họ đều chung quan điểm rằng tình trạng thiếu nguồn cung này sẽ kéo dài đến hết năm 2023, có thể đến đầu năm 2024 trước khi có dấu hiệu phục hồi.

Bà Raimondo kêu gọi Quốc hội Mỹ nhất trí về luật cấp kinh phí thúc đẩy sản xuất chip điện tử nội địa phục vụ sản xuất hàng loạt sản phẩm, từ điện thoại thông minh đến thiết bị y tế hay đồ gia dụng. Bà nhấn mạnh, Mỹ cần hành động ngay lập tức và tự chủ nguồn cung chip, trong bối cảnh nhiều quốc gia đã có các chính sách ứng phó.

Thượng viện và Hạ viện Mỹ đều đã thông qua các dự luật trị giá 52 tỷ USD - Đạo luật Chip và Đạo luật Cạnh tranh của Mỹ - đầu tư vào nghiên cứu và sản xuất chip trong nước, song đến nay vẫn chưa nhất trí về nội dung triển khai cụ thể.

Chuỗi cung ứng về chất bán dẫn, vi mạch đóng vai trò rất quan trọng trong mọi sản phẩm điện tử, đặc biệt là nhu cầu tăng mạnh về máy tính xách tay và máy chơi game trong giai đoạn xảy ra đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, doanh số bán ô tô tăng trở lại nhanh hơn dự kiến trong quý 3 năm ngoái đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn.

Làm gì để giảm bớt cuộc khủng hoảng về chất bán dẫn?

Liên quan đến vấn đề này, Matt Murray, một quan chức cấp cao của Cục Kinh tế và Kinh doanh thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, sự thiếu hụt nguồn cung chất bán dẫn là một trong những vấn đề cấp bách nhất mà Chính phủ Mỹ đang quan tâm. Chính phủ Mỹ đã rất ưu tiên việc trao đổi và đối thoại với các quốc gia trên thế giới về chuỗi cung ứng chất bán dẫn để cải thiện tình trạng thiếu hụt đang xảy ra.

Tổng thống Biden đã ban hành một lệnh hành pháp vào đầu năm nay để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác với các đối tác, đồng minh về khả năng phục hồi và an ninh của chuỗi cung ứng.

Theo đó, để bảo vệ chuỗi cung ứng toàn cầu Mỹ cần đảm bảo rằng, “các đồng minh và đối tác phải xác định và ưu tiên các hàng hóa, nguyên liệu quan trọng”.

Nhà Trắng đã công bố một báo cáo vào tháng 6 năm nay về việc giải quyết các vấn đề tổng thể của chuỗi cung ứng, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải “làm việc với các đồng minh và đối tác để giảm các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, bao gồm cả việc khuyến nghị Tổng thống tổ chức một diễn đàn để giải quyết những vấn đề này.

Ngày 23/5, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhất trí tăng cường hợp tác trong việc nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn nhằm mở rộng năng lực sản xuất của mỗi nước và đảm bảo nguồn cung vi mạch ổn định.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm với Tổng thống Biden ở Tokyo, Thủ tướng Kishida nói: “Chúng tôi đã có thể đạt được thỏa thuận về hợp tác an ninh kinh tế, trong đó có việc sản xuất chất bán dẫn tiên tiến.”

Theo Thủ tướng Kishida, hai bên đã khẳng định sẽ phối hợp hơn nữa và tổ chức cuộc họp Ủy ban Tham vấn Chính sách Kinh tế Nhật và Mỹ với sự tham gia của các bộ trưởng hai nước vào tháng Bảy tới.

Trúc Chi (t/h theo Vietnamnet, TTXVN)