Công nghệ

Mỹ đầu tư 5 tỷ USD vào hệ thống trạm sạc xe điện trên toàn quốc

Chương trình xây dựng mạng lưới trạm sạc toàn quốc của Chính phủ Mỹ sẽ tập trung vào hệ thống đường cao tốc liên bang trước, với mục tiêu cứ 80 km có một trạm sạc.

Chính phủ liên bang Mỹ sẽ bắt đầu đầu tư 5 tỷ USD trong vòng 5 năm kể từ năm 2022 để xây dựng một hệ thống trạm sạc nhanh cho xe điện trên toàn quốc. Kế hoạch này sẽ tập trung vào Hệ thống Đường Cao tốc Liên tiểu bang trong giai đoạn đầu, với mục tiêu chỉ đạo các tiểu bang xây dựng một trạm sạc mỗi 50 dặm (80 km). Mỗi trạm sạc sẽ phải có khả năng sạc ít nhất 4 xe điện cùng lúc với công suất 150 kW.  

Một khi các tiểu bang hoàn thành xây dựng hệ thống trạm sạc dọc mạng lưới Đường Cao tốc Liên tiểu bang, chính phủ bang sẽ được nộp hồ sơ xin hỗ trợ ngân sách để xây thêm trạm sạc tại các địa điểm khác. Văn phòng Chung về Năng lượng và Giao thông - một cơ quan mới được thành lập để hỗ trợ Bộ Giao thông và Bộ Năng lượng thực hiện chương trình này - sẽ cho phép các ngoại lệ đối với yêu cầu 80 km, chẳng hạn như khi khu vực xung quanh chưa được nối điện lưới. 

Ngân sách dành cho giai đoạn xây dựng trạm sạc cho Hệ thống Đường Cao tốc Liên tiểu bang sẽ được phân bổ dựa trên công thức phân bổ ngân sách xây dựng và bảo dưỡng đường cao tốc liên bang. Cụ thể hơn, trong năm tài khóa 2022, chính phủ Mỹ sẽ dành ra 615 triệu USD để xây dựng các trạm sạc và 300 triệu USD để thành lập và bắt đầu hoạt động Văn phòng Chung về Năng lượng và Giao thông. 10% ngân sách chương trình mỗi năm sẽ được dùng để “lấp đầy” các khoảng trống trong mạng lưới trạm sạc. 

Sau khi chương trình 5 tỷ USD được khởi động, thêm 2,5 tỷ USD nữa sẽ được phân bổ để xây dựng hệ thống trạm sạc tại các vùng nông thôn và khu vực thiếu cơ sở hạ tầng.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Mỹ Pete Buttigieg. Ảnh: Reuters/Yves Herman/File Photo.

Trong hồ sơ nộp lên chính phủ liên bang, các tiểu bang sẽ phải bảo đảm rằng hệ thống trạm sạc sẽ làm việc với độ tin cậy cao - ít nhất một trụ sạc tại mỗi trạm cần hoạt động tốt trên 97% thời gian vận hành - và trạm sạc sẽ hạn chế ảnh hưởng lên lưới điện. Các tiểu bang cũng được chỉ đạo thiết kế trạm sạc để có thể dễ dàng mở rộng và nâng cấp khi nhu cầu sử dụng và công suất sạc tăng cao. Chương trình đầu tư cũng khuyến khích các tiểu bang xây trạm sạc gần các địa điểm như trạm dừng nghỉ, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thông tin cho du khách và nhà hàng. 

Chương trình đầu tư này của Mỹ sẽ ưu tiên trạm sạc sản xuất trong nước - một yếu tố khuyến khích các tập đoàn sản xuất xây dựng nhà máy tại Mỹ. Tritium - một công ty Australia cung ứng sản phẩm sạc xe điện nhanh cho công ty hạ tầng xe điện ChargePoint - đã công bố kế hoạch xây dựng nhà máy tại bang Tennessee với công suất 30.000 trụ sạc DC mỗi năm. Siemens cũng có kế hoạch mở rộng sản xuất tại Mỹ với kế hoạch sản xuất 1 triệu trụ sạc mỗi năm trước năm 2025. 

Một vấn đề mà chương trình này hiện chưa đề cập chi tiết là phương thức thanh toán khi sạc xe điện. Phần lớn những người sở hữu xe điện không phải Tesla sử dụng ứng dụng trên điện thoại hoặc chìa khóa thông minh để truy cập nhiều mạng thanh toán khác nhau - một điều còn tương đối bất tiện. Bộ trưởng Bộ Giao thông Pete Buttigieg cho biết bộ đang xem xét kỹ vấn đề này và có thể đề ra một tiêu chuẩn chung về thanh toán trong tương lai, nhằm giúp mọi người dùng xe điện hưởng lợi. 

Chương trình mới này là động thái cho thấy Tổng thống Joe Biden đang thực sự muốn thực hiện cam kết trước đó của mình: xây dựng mạng lưới 500.000 trạm sạc trên toàn nước Mỹ trước khi năm 2030 kết thúc. Nếu kế hoạch này thành công, nó sẽ giúp quá trình chuyển đổi sang sử dụng xe điện và cắt giảm khí thải nhà kính từ giao thông của nước Mỹ diễn ra nhanh chóng hơn.

Tùng Phong (Theo Ars Technica)