Tiêu điểm thế giới

Mỹ "cố đấm ăn xôi" không thành với Nga ở Syria: Bàn cờ đã dàn xếp xong, nỗ lực "chen chân" giờ chỉ vô ích?

Trong khi động thái diệt thủ lĩnh IS của Mỹ không mang lại hiệu quả chiến lược, Nga vẫn đang làm tốt trong việc dàn xếp các bên ở Syria. Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy nước này vẫn có những tính toán rất tốt cho tương lai.

Nga có kỹ năng quản lý tuyệt vời ở Syria nhưng cuộc chơi vẫn còn ở phía trước.

Người thắng

Cuộc khủng hoảng Syria hiện tại đã cho công chúng thấy ai là người thua cuộc và chỉ một quốc gia chiến thắng lớn là Nga, theo Foreign Policy.

Trong khi quyết định rút quân khỏi Syria của Tổng thống Donald Trump đối mặt với sự chỉ trích lớn cả ở trong và ngoài nước, cuộc tiến công của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria để đánh bật người Kurd cũng gây ra sự phản đối và mang đến sự xáo trộn lớn cho cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông.

Về phần mình, Nga đã tận dụng ảnh hưởng đánh kể với Ankara và Damascus để đóng vai trò trọng tài phán xử.

Nga cũng giống như Mỹ, theo đuổi lợi ích kinh tế và quân sự của riêng mình ở Trung Đông. Cả hai cường quốc đều thúc đẩy doanh số lợi nhuận về vũ khí và ảnh hưởng.

Cả hai cũng tìm cách kiểm soát vấn đề năng lượng, với việc Nga bán dầu cho các nước như Thổ Nhĩ Kỳ và Israel, trong khi Mỹ đang mua dầu từ các nước vùng Vịnh.

Theo giới quan sát, hai quốc gia này cũng sẵn sàng từ bỏ người Kurd trong trường hợp cần thiết để liên minh với đối tác quan trọng về mặt địa lý và chiến lược như Ankara.

Vai trò gần đây nhất của Nga với tư cách là nhà môi giới quyền lực chủ chốt bắt đầu được thể hiện sau cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Trump và Erdogan vào ngày 6/10.

Khi được thông báo về kế hoạch tiến công của Thổ Nhĩ Kỳ, thay vì bày tỏ sự phẫn nộ, Tổng thống Trump đã đồng ý rút quân khỏi biên giới Syria, như một động thái bật đèn xanh cho Ankara.

Lúc này, Nga bước vào thiết lập một thỏa thuận ngừng bắn với Thổ Nhĩ Kỳ, cho phép người Kurd có thời gian rút khỏi khu vực nguy hiểm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, tiếng nói của của Mỹ đã dần suy giảm trong khu vực.

Vào ngày 28/10, lực lượng đặc nhiệm của Mỹ đã đột kích vào một địa điểm ở tây bắc Syria, tiêu diệt thủ lĩnh IS khét tiếng Abu Bakr al-Baghdadi.

Trong khi cuộc tấn công này đại diện cho một chiến thắng chiến thuật, cái chết của al-Baghdadi không có khả năng thay đổi động lực quyền lực trong khu vực.

Về cơ bản, Tổng thống Trump đã đánh mất uy tín của Mỹ, khi bỏ rơi đồng minh để đưa lính Mỹ về nước như đã hứa trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của ông.

Nga, mặt khác, đã có những bước đi đối ứng rất tốt. Ngày nay, Nga cung cấp một phần đáng kể nhu cầu năng lượng cho Thổ Nhĩ Kỳ và mang đến 6-7 triệu khách du lịch mỗi năm cho quốc gia này.

Ngoài việc bán hệ thống phòng không tiên tiến S-400, Thổ Nhĩ Kỳ đang xem xét việc mua máy bay chiến đấu Su-57 và Su-35 do Nga sản xuất. Tuy nhiên, khi Thổ Nhĩ Kỳ nhận S-400, Mỹ đã hủy kế hoạch bán máy bay chiến đấu tàng hình F-35.

Với diễn biến mới gần gây liên quan đến cuộc tiến công ở Syria của Thổ Nhĩ Kỳ, quan hệ giữa hai đồng minh NATO ngày càng phức tạp hơn nữa và mở rộng thêm con đường ảnh hưởng của Moscow.

Thổ Nhĩ Kỳ cần cả Mỹ và Nga?

Động thái tiêu diệt thủ lĩnh IS của Mỹ không thay đổi nhiều kết cục ở Syria.

“Tổng thống Vladimir Vladimir Putin là một người chơi lớn”, chuyên gia quan hệ quốc tế Mustafa Kibaroglu từ đại học MEP (Istanbul) nhận định. “Có gì sai khi nói về mối quan hệ tốt với một nhà lãnh đạo như vậy?”.

Tuy nhiên, liên minh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ mới được đúc kết này vẫn còn gây tranh cãi ngay chính bên trong Thổ Nhĩ Kỳ.

“Chính sách tồi tệ của Mỹ không thể là cái cớ biện minh cho việc xây dựng liên minh với Nga”, Faruk Logoglu, người từng là đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ từ năm 2001 đến 2005, nêu quan điểm.

“Mua tên lửa của Nga là một ý tưởng tồi tệ”, ông nói với Foreign Policy. “Nga là đối thủ của chúng ta. Thương vụ này đặt ra câu hỏi về cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ đối với NATO”.

Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng Nga đã quản lý các khu vực rắc rối ở Syria với kỹ năng tuyệt vời. Nhưng không rõ vai trò của Moscow trong những tháng tới như thế nào. Sắp xếp một lệnh ngừng bắn chỉ là bước đầu tiên. Tìm một giải pháp chính trị cho các nhóm vũ trang cạnh tranh khốc liệt ở Syria lại là một vấn đề khác.

“Sự tính toán hoàn hảo cho tất cả các bên sẽ đến vào thời điểm sau đó, khi hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ kết thúc”, ông nói thêm.

Những người ủng hộ Tổng thống Erdogan cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ nghiêng về Nga sẽ giúp thiết lập hàng rào chống lại xung đột chính sách đối ngoại trong tương lai với Mỹ.

Chuyên gia Kibaroglu lưu ý, ông Erdogan vẫn có quan hệ cá nhân tốt với cả hai nhà lãnh đạo Trump và Putin. “Một ngày nào đó, ông ấy sẽ vừa nói chuyện điện thoại với ông Trump, trong khi vẫn bắt tay ông Putin. Đó mới là thế giới mới”, ông nhấn mạnh.

Nga ngày nay không phải là Liên Xô của ngày xưa, ông nói thêm. “Chúng ta không sống trong một thế giới đối đầu về ý thức hệ. Điều đó đã kết thúc hơn 20 năm rồi. Ngày nay, Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi lợi ích của riêng mình”.