Công nghệ

Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp sau khi xảy ra vụ tấn công mạng

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban bố tình trạng khẩn cấp để duy trì nguồn cung nhiên liệu, sau khi xảy ra vụ tấn công mạng nhằm vào Colonial Pipeline.

Ngày 10/5, Zing đưa tin, Chính phủ Mỹ đang giúp Colonial Pipeline, công ty vận hành đường ống dẫn nhiên liệu tinh luyện lớn nhất nước, khôi phục hoạt động sau vụ tấn công mạng hồi cuối tuần qua.

Công ty Colonia đã phải dừng hoạt động đường ống dẫn nhiên liệu sau khi bị tấn công mạng. (Ảnh: AP).

Reuters dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết việc sửa chữa đường ống là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Washington đang giúp Colonial Pipeline khởi động lại mạng lưới đường ống dài hơn 5.500 dặm (8.850 km) từ Texas đến New Jersey, nhằm tránh gián đoạn nguồn cung nhiên liệu.

"Hiện tại tất cả đều chung tay vào nhiệm vụ này", Bộ trưởng Raimondo nói trong chương trình “Face the Nation” của kênh CBS.

“Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với các quan chức công ty, tiểu bang và địa phương, để đảm bảo đường ống dẫn nhiên liệu hoạt động bình thường trở lại càng sớm càng tốt, và không làm gián đoạn nguồn cung", bà nói thêm.

Theo Vietnamnet, Colonial Pipeline vận chuyển 2,5 triệu thùng nhiên liệu mỗi ngày – chiếm tới 45% nguồn cung cấp diesel, xăng và nhiên liệu máy bay của Bờ Đông. Tuyến dẫn dầu huyết mạch này đã tê liệt hoàn toàn sau khi bị tấn công mạng hôm 7/5 và đến nay vẫn đang trong quá trình khôi phục hoạt động.

Theo BBC, tình trạng khẩn cấp cho phép nhiên liệu được vận chuyển bằng đường bộ. Hãng tin này dẫn lời các chuyên gia nói rằng, giá nhiên liệu có thể tăng tới 2-3% trong ngày 10/5, nhưng tác động thực sự còn tồi tệ hơn nhiều nếu tình trạng này tiếp diễn lâu hơn.

Nhiều nguồn tin xác nhận cuộc tấn công mã độc là do một băng đảng tội phạm mạng có tên là DarkSide, xâm nhập vào hệ thống của Colonial ngày 6/5 và "chôm" gần 100GB dữ liệu làm "con tin". Sau khi chiếm dữ liệu, nhóm tin tặc khóa số dữ liệu này trên một số máy tính và máy chủ, đòi tiền chuộc và cảnh báo nếu không nhận được tiền thì sẽ tung dữ liệu lên internet.

Thông báo của DarkSide xuất hiện trên màn hình máy tính của nạn nhân.

Colonial đang làm việc với các chuyên gia thực thi pháp luật, an ninh mạng và Bộ Năng lượng Mỹ để khôi phục dịch vụ.

DarkSide không phải là băng nhóm tội phạm mạng lớn nhất trong lĩnh vực này, nhưng vụ việc bộc lộ nguy cơ tăng cao mà mã độc gây ra cho cơ sở hạ tầng công nghiệp quan trọng của Mỹ, chứ không chỉ với các doanh nghiệp.

Băng nhóm này liệt kê tất cả các loại dữ liệu đã đánh cắp được và gửi cho nạn nhân URL của "trang rò rỉ cá nhân", nơi dữ liệu đã được tải sẵn chờ xuất bản tự động, nếu công ty hoặc tổ chức không thanh toán tiền trước hạn chót. DarkSide tuyên bố sẽ cung cấp bằng chứng về dữ liệu lấy được, và sẵn sàng xóa tất cả dữ liệu đó khỏi mạng của nạn nhân. 

Theo bà Algirde Pipikaite, Trưởng nhóm chiến lược mạng tại Trung tâm An ninh mạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho biết: “Các lỗ hổng bảo mật mạng đã trở thành một vấn đề mang tính hệ thống. Nếu không có các biện pháp bảo vệ an ninh mạng, các cuộc tấn công đang xảy ra thường xuyên hơn vào các hệ thống công nghiệp như đường ống dẫn dầu và khí đốt hoặc nhà máy xử lý nước”.

Quốc Tiệp (t/h)