Thế giới

Mỹ âm thầm nối lại quan hệ song phương với Venezuela

Động thái của Mỹ diễn ra trong bối cảnh giá dầu thế giới đã tăng 50% kể từ đầu năm, được thúc đẩy bởi xung đột quân sự ở Ukraine và các lệnh trừng phạt chống lại Nga

Các quan chức cấp cao của chính quyền Biden đã lặng lẽ đến thủ đô Caracas của Venezuela trong nỗ lực mới nhất nhằm xây dựng lại quan hệ với gã khổng lồ dầu mỏ Nam Mỹ khi xung đột Nga-Ukraine kéo dài, khiến giá khí đốt cao hơn và buộc Mỹ phải điều chỉnh lại các mục tiêu chính sách đối ngoại khác, AP đưa tin ngày 28/6.

Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ mô tả mục đích chuyến thăm là vì sự an toàn của một số công dân Mỹ bị giam giữ ở Caracas, bao gồm một nhóm giám đốc điều hành làm việc cho Citgo - một công ty con của công ty dầu khí quốc doanh Venezuela PDVSA tại thành phố Houston, Texas, Mỹ - bị bỏ tù hơn 4 năm trước.

Phái đoàn bao gồm Roger Carstens, đặc phái viên của Tổng thống về các vấn đề con tin, cũng như Đại sứ James Story, người đứng đầu Đơn vị Các vấn đề Venezuela của chính phủ Mỹ ở nước láng giềng Colombia.

Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro xác nhận về chuyến thăm trong các phát biểu trên truyền hình hôm 27/6, AP cho biết.

"(Chủ tịch Quốc hội) Jorge Rodríguez đang tiếp một phái đoàn từ chính phủ Mỹ vào thời điểm này, một phái đoàn quan trọng từ chính phủ Mỹ, đã đến Venezuela 2 giờ trước và đang làm việc để duy trì sự liên tục của các cuộc đối thoại bắt đầu hôm 5/3 và chương trình nghị sự song phương giữa chính phủ Mỹ và chính phủ Venezuela”, ông Maduro cho biết.

Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro. Ảnh: Al Jazeera

Tổng thống Maduro vừa đề cập đến một chuyến đi bất ngờ khác hồi tháng 3 của các quan chức Mỹ, gồm ông Carstens, ông Story và ông Juan Gonzalez, Giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia về Tây Bán cầu.

Đó là chuyến đi đầu tiên của Nhà Trắng đến đất nước Nam Mỹ giàu dầu mỏ trong hơn 2 thập kỷ qua. Kết quả của chuyến thăm này bao gồm việc trả tự do cho 2 công dân Mỹ bị coi là bị giam giữ vô cớ, và lời hứa từ ông Maduro về việc quay trở lại bàn đàm phán với các đối thủ của mình.

Không rõ các quan chức đang tìm cách hoàn thành những gì khác trong nhiệm vụ tới đất nước mà Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt kể từ năm 2019, AP bình luận. Phái đoàn Mỹ dự kiến cũng sẽ gặp ông Juan Guaido, thủ lĩnh của phe đối lập do Mỹ hậu thuẫn ở Venezuela.

Khơi thông lại dòng chảy dầu Venezuela

Kể từ chuyến công du hồi tháng 3, cả chính quyền Tổng thống Biden và chính phủ Venezuela đều thể hiện sự sẵn sàng can dự sau nhiều năm thù địch giữa Washington và Caracas về cuộc bầu năm 2018 khi ông Maduro tái đắc cử chức Tổng thống Venezuela. Mỹ và một số quốc gia khác đã rút lại sự công nhận đối với ông Maduro sau cuộc bầu cử và thay vào đó, họ coi ông Guaido là nhà lãnh đạo hợp pháp của Venezuela.

Mặc dù các cuộc đàm phán giữa ông Maduro và phe đối lập vẫn chưa thể tiếp tục, nhưng sau đó Mỹ đã gia hạn giấy phép để các công ty dầu mỏ, bao gồm cả Chevron, có thể tiếp tục thực hiện công việc bảo dưỡng cơ bản các giếng dầu mà họ vận hành cùng với tập đoàn dầu khí quốc doanh PDVSA của Venezuela.

Nhà Trắng cũng đã cho Chevron quyền miễn trừ đàm phán các điều khoản của giấy phép với PDVSA và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt được áp dụng từ năm 2017 nhắm vào ông Flores, cháu trai họ của Đệ nhất phu nhân Venezuela Cilia Adela Flores de Maduro, người vào thời điểm đó bị cáo buộc tiếp tay cho tham nhũng tràn lan khi đương chức một lãnh đạo hàng đầu của gã khổng lồ PDVSA.

Cơ sở hạ tầng ở miền Đông Venezuela của Petropiar, liên doanh giữa tập đoàn dầu khí quốc doanh Venezuela PDVSA và tập đoàn Chevron của Mỹ. Ảnh: Venezuela Analysis

Tổng thống Venezuela Maduro, trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 27/6, cũng đã ám chỉ đến nhận xét của một quan chức Pháp với các phóng viên trong hội nghị thượng đỉnh G7 vừa kết thúc ở Đức, liên quan đến những nỗ lực cần thiết để đa dạng hóa nguồn cung dầu, bao gồm cả việc khơi thông lại dòng chảy của dầu Venezuela, trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine kéo dài và giá khí đốt tiếp tục leo thang.

Venezuela có trữ lượng dầu đã được chứng minh là lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, thập kỷ trước, nước này bắt đầu chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng sản lượng dầu thô và các sản phẩm tinh chế do giá giảm, quản lý yếu kém và các lệnh trừng phạt kinh tế. Sự hiện diện của dầu Venezuela trên thị trường thế giới hiện đang ở mức thấp.

Tuy nhiên, giá dầu đã tăng hơn 50% kể từ đầu năm nay, được thúc đẩy bởi xung đột quân sự ở Ukraine và các lệnh trừng phạt chống lại Nga, gây ra những lo ngại lớn về lạm phát trên toàn thế giới.

Minh Đức (Theo The Independent)