Bình tĩnh sống

Muốn “thất nghiệp” để được về đón con chào đời

Thời gian làm việc tại “tâm dịch” Tp.HCM, bác sĩ Lê Văn Thiệu cho biết có rất nhiều câu chuyện, kỷ niệm khó quên trong cuộc đời làm nghề.

Làm hết sức cứu bệnh nhân nặng khỏi “cửa tử”

Ngày 9/9, bác sĩ Lê Văn Thiệu (SN1989), Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cùng 4 bác sĩ và 8 điều dưỡng của bệnh viện đã xung phong lên đường vào chi viện cho Tp.HCM. Đến nay, khi dịch tại Tp.HCM đã tạm lắng, trở về phòng nghỉ ngơi sau một ngày dài cấp cứu, điều trị cho các bệnh nhân F0, bác sĩ Thiệu đã trải lòng với Người Đưa Tin về những câu chuyện buồn vui trong chuyến công tác khó quên này.

PV: Chào bác sĩ Thiệu, thời gian này anh đã bớt bận chưa?

BS.Thiệu: Hiện tại chúng tôi đã bớt căng thẳng vì số lượng bệnh nhân, đặc biệt bệnh nhân nặng cũng giảm rồi.

PV: Bác sĩ cùng đoàn của mình vào Tp.HCM chống dịch vào thời điểm nào?

Đoàn công tác gồm cả bác sĩ Thiệu vào Tp.HCM từ ngày 9/9.

BS.Thiệu: Đoàn tôi có 4 bác sĩ và 8 điều dưỡng xung phong tăng cường vào Tp.HCM từ ngày 9/9, làm việc tại Khoa cấp cứu bệnh nhân nặng và khu chăm sóc và điều trị Covid-19 lầu 3, Bệnh viện 30/4, nơi có khoảng 150 bệnh nhân Covid-19.

PV: Anh nói là anh xung phong lên đường, vậy lý do nào thôi thúc anh đăng ký vào Tp.HCM chống dịch?

BS.Thiệu: Khi Tp.HCM bùng phát dịch là nhân viên của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bệnh viện tuyến đầu điều trị Covid-19, tôi và đồng nghiệp mong muốn đóng góp một phần sức lực nhỏ bé giúp đỡ miền Nam ruột thịt để ngăn chặn dịch ngay từ đầu. Trước khi vào Tp.HCM thì bệnh viện chúng tôi cũng đang chống dịch và điều trị các bệnh nhân covid nặng. Mong muốn của đoàn khi vào Tp.HCM là làm hết sức để cứu những bệnh nhân nặng khỏi “cửa tử”.

PV: Khi quyết định vào Tp.HCM, gia đình anh có ủng hộ?

BS.Thiệu:Tôi công tác ngành y 5 năm rồi, nên gia đình tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định của tôi. Thực ra, nếu không vào Tp.HCM thì tôi cũng chống dịch trong bệnh viện chứ không về nhà. Nên đối với gia đình thì ở đâu cũng vậy, chỉ là thay đổi địa chỉ làm việc thôi. Khi biết tôi vào Tp.HCM gia đình tôi cũng rất lo lắng. Đặc biệt, em trai tôi cũng đã vào trong đó trước tôi rồi nên gia đình cũng nắm được rất rõ tình hình trong này. Tôi vẫn luôn trấn an mọi người rằng: “Con chống dịch quen rồi, vào trong đấy sẽ giúp đỡ được nhiều người hơn”. Có một sự thật mà tôi giấu vợ đó là mình xung phong đi.

PV: Những ngày đầu vào Tp.HCM và tiếp nhận những bệnh nhân Covid-19 nặng khi đó cảm xúc của anh như thế nào?

BS.Thiệu: Cảm xúc khi đó cũng nóng lòng lắm, chúng tôi muốn vào việc luôn. Không muốn lãng phí khoảng thời gian nào cả. Để bệnh nhân nặng khỏi và ra viện được cần can thiệp tích cực, thở máy, lọc máu, ECMO (tim phổi nhân tạo-PV). Chúng tôi muốn triển khai những kỹ thuật khó ở trong này.

PV: Anh nói triển khai kỹ thuật khó, đó là kỹ thuật gì?

BS.Thiệu: Ví dụ như lọc máu. Đó là một phương pháp điều trị còn khó thực hiện đối với nhiều cơ sở y tế. Chúng tôi đã triển khai những ca lọc máu đầu tiên và hướng dẫn các đồng nghiệp khác.

Tình cha con thiêng liêng giữa tâm dịch

PV: Trong quá trình điều trị F0, có câu chuyện nào giữa anh và bệnh nhân mà anh nhớ nhất?

BS.Thiệu: Câu chuyện mà tôi nhớ nhất đó là ngày 10/9 (sau khi vào Tp.HCM tiếp nhận việc một ngày) thì tôi tiếp nhận bệnh nhân N.V.T và ba của anh T. - cụ N.V.L vào đúng thời điểm mưa gió lớn.

Khi ấy, anh T. có triệu chứng ho khan, còn ông L. sốt nhẹ, mất khứu giác. Hai ba con được sắp xếp nằm cùng buồng bệnh. Khoảng 5 ngày thì tình trạng phổi của người cha xấu đi, cần can thiệp thở oxy, chuyển sang phòng cấp cứu.

Đến ngày 20/9, người con đủ thời gian không xuất hiện triệu chứng bệnh, 2 lần liên tiếp xét nghiệm âm tính; trong khi người cha vẫn dương tính, chưa cai được oxy. Tôi có thông báo anh T. sẽ được xuất viện vào hôm sau. Tuy nhiên, anh T. tha thiết xin ở lại.

Hỏi ra mới biết, anh T. trước đó vẫn cố gắng đi làm và không may mắc bệnh, sau đó lây cho cả gia đình. Các thành viên khác không có triệu chứng nên điều trị tại nhà, còn anh và người cha phải nhập viện. Anh T. rất ân hận và lo lắng cho ba nên muốn được ngày ngày theo dõi, chăm sóc ông. Sau đó, tôi giải thích kỹ cho bệnh nhân T. về tình trạng của người cha. Sau khoảng 15 phút trò chuyện, anh T. mới bình tĩnh và yên tâm.

PV: Ngoài câu chuyện giữa anh và bệnh nhân thì còn câu chuyện nào khác giữa anh và các đồng nghiệp trong tâm dịch khiến anh khó quên?

BS.Thiệu: Hiện tại, đội chúng tôi đã có F0 (khẽ thở dài), chị là điều dưỡng khoa Cấp cứu - người trực tiếp chăm sóc các bệnh nhân F0 nặng. Chăm sóc toàn diện, từ tiêm truyền, vỗ rung, thay tã, lau người… Chị đã trở thành bệnh nhân của tôi. Chị đã trải qua giai đoạn nguy hiểm nhất. Hiện tại, sức khỏe của chị đã ổn.

Muốn “thất nghiệp”...

PV: Trong quá trình điều trị các F0, đâu là hình ảnh mô tả rõ nhất sự khốc liệt của trận chiến này?

BS.Thiệu: Với tôi, hình ảnh một nhân viên y tế, đồng nghiệp nửa đêm nhận được tin trở thành F0 bê đồ vào khu bệnh nhân trở thành bệnh nhân là hình ảnh khiến tôi cảm nhận rõ sự khốc liệt của trận chiến này.

PV: Áp lực lớn nhất của anh khi điều trị bệnh nhân Covid-19 là gì?

BS.Thiệu: Áp lực lớn nhất là khi bác sĩ, nhân viên y tế trở thành F0, bị loại khỏi cuộc chiến, để lại gánh nặng cho đồng đội. Vì chúng tôi là một ê-kíp. Thiếu bất kỳ ai cũng tạo ra khoảng trống chuyên môn.

PV: Đã từng đi nhiều chuyến công tác, vậy chuyến công tác trong đợt dịch này đối với anh nó có ý nghĩa như thế nào?

BS.Thiệu: Đoàn chúng tôi vào khi Tp. HCM là đỉnh dịch, đúng lúc số lượng F0 bắt đầu giảm, tuy nhiên số lượng bệnh nhân nặng lại nhiều nhất. Nhưng, thật may mắn vì dịch đã giảm xuống. Cảm xúc của tôi rất là lẫn lộn. Chúng tôi muốn làm nhiều thứ nhưng cũng muốn thất nghiệp để bị đuổi về sớm (cười vui).

PV: Mong muốn lớn nhất hiện tại của anh là gì?

BS.Thiệu: Cũng như bao đồng nghiệp khác. Bản thân tôi luôn mong muốn Tp.HCM nói riêng và cả nước nói chung đều hết dịch. Mọi người quay lại cuộc sống bình thường, tôi và các đồng nghiệp khác được về với gia đình. Tôi và em trai cũng đang chống dịch tại Tp.HCM, hai anh em cách nhau 18km mà không gặp được nhau, chúng tôi cũng không gặp nhau 6 tháng rồi, tôi mong là dịch sớm qua để hai anh em có thể gặp nhau (Nhưng có lẽ mẹ tôi mới là người nhớ nó hơn cả). Bên cạnh đó, tôi mong không có thêm bất kỳ làn sóng dịch nào nữa. Không thì không biết xa nhà đến bao giờ.

PV: Đoàn của anh dự kiến đến khi nào quay trở về Hà Nội?

BS.Thiệu: Chúng tôi dự kiến đi khoảng 2 tháng.

PV: Khi được trở về nhà, điều đầu tiên anh làm là gì?

BS.Thiệu:  Đi thẳng vào nhà tắm và tắm. Tôi muốn an toàn cho các con và gia đình. Dĩ nhiên là tôi chỉ được về sau khi hoàn thành cách ly. Tôi chỉ mong được về nhà trước khi vợ đẻ bạn thứ 2. Kịp đón bạn thứ 2 vì vợ tôi đang mang bầu ở tuần thứ 35. Nếu Tp.HCM hết dịch sớm có thể đoàn của chúng tôi sẽ được về sớm.

PV: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!