Tiêu điểm thế giới

Gặp khó khi mua S-400 hay máy bay tàng hình, Nga đã có cách giúp các quốc gia "lách" trừng phạt từ Mỹ?

Nga có thể sẽ không còn yêu cầu quốc gia mua vũ khí xác nhận rằng họ là người mua cuối cùng. Điều này cho phép quốc gia đó bán lại vũ khí cho bên thứ ba.

S-400 là một trong những vũ khí khiến Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt với trừng phạt từ Mỹ.

Nga có thể sử dụng một mánh khóe đơn giản để giúp các nước mua vũ khí trốn tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ, tạp chí National Interest nhận định.

Theo đó, vũ khí Nga sẽ được bán cho một quốc gia trung gian, sau đó quốc gia trung gian này sẽ bán lại cho quốc gia bên thứ ba – vốn là quốc gia có nhu cầu mua thực sự. Điều này sẽ giúp cho khách hàng mua cuối cùng không dính líu gì đến thỏa thuận mua bán với Nga, tránh khỏi nguy cơ bị trừng phạt.

“Nghị định mới đã nới lỏng các quy tắc kiểm soát xuất khẩu, vốn yêu cầu người mua vũ khí phải thông báo cho Nga bằng văn bản rằng họ là người mua cuối cùng (không bán lại cho ai khác)”, Moscow Times đưa tin, nói về dự thảo mới đang được phía Nga cân nhắc.

Sự thay đổi mới này được cho là để ứng phó trước “Đạo luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt” đưa ra năm 2017, hay CAATSA, hãng tin tức Nga Vedemosti cho hay.

Đạo luật của Mỹ vốn cấm các giao dịch liên quan đến lĩnh vực quốc phòng hoặc tình báo của Nga. Gần đây, việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không tân tiến S-400 từ Nga cũng khiến cho nước này phải đối mặt với các lệnh trừng phạt từ Washington.

Từ trước đến nay, các quốc gia nước ngoài dù hào hứng với các sản phẩm quân sự của Nga nhưng lại tỏ ra dè dặt trong ý định mua vì sợ các lệnh trừng phạt. Bởi vậy, dự thảo nói trên của Chính phủ Nga sẽ cho phép các thỏa thuận chuyển giao vũ khí mới vượt mặt CAATSA, tờ Vedemosti cho hay.

Vì sao Nga nới lỏng?

Thực tế cho thấy rằng, việc bị Mỹ đưa ra các biện pháp cản trở khách hàng mua vũ khí là tin xấu cho một nền kinh tế đang chùng xuống của Nga.

Xuất khẩu là thành phần quan trọng nhất trong doanh thu của tổ hợp quốc phòng Nga, tờ Vedemosti lưu ý. Kể từ năm 2013, doanh số bán vũ khí hàng năm của Nga luôn ở mức 15 và 16 tỷ USD.

Vũ khí của Liên Xô và Nga đã từng có mặt ở khắp mọi nơi, trong mọi cuộc chiến trên khắp thế giới trong nhiều thập kỷ. Nhưng chính sách của Nga về việc quốc gia nào được phép sử dụng vũ khí đã trở nên chặt chẽ hơn trong những năm gần đây.

Quyền kiểm soát đối với việc sử dụng vũ khí Nga đã được thắt chặt sau khi lực lượng Israel chiếm giữ các hệ thống chống tăng Kornet trước đây được Nga giao cho Syria trong cuộc chiến chống lại phong trào Hezbollah.

Lệnh trừng phạt của Mỹ khiến cho ngành xuất khẩu vũ khí của Nga bị ảnh hưởng.

Nói với Vedemosti, một nhà phân tích quốc phòng của Nga cho biết, các lệnh trừng phạt của Mỹ không ảnh hưởng đến những khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Nga: Trung Quốc, Ấn Độ, Algeria và Ai Cập.

Các quốc gia này hoặc ngó lơ các lệnh trừng phạt của Mỹ hoặc tìm kiếm sự ngoại lệ trong các cuộc đàm phán với chính quyền Mỹ. Nhưng đối với các nước nhỏ sợ các lệnh trừng phạt của Mỹ, việc bán hàng sử dụng cơ chế được nới lỏng nói trên được coi là hợp lý.

Theo chuyên gia vũ khí Konstantin Makienko, các quy định thoải mái của Nga sẽ giải phóng các nước châu Phi, châu Mỹ Latinh và một số quốc gia Đông Nam Á khỏi các ràng buộc trong việc mua vũ khí loại nhỏ và vũ khí hạng nhẹ từ Nga mà không sợ các lệnh trừng phạt.

Nga vẫn khó lách luật?

Tuy nhiên, theo National Interest, dù lách luật bằng cách nào, Washington cũng không dễ bị lừa.

“Mục 231 của CAATSA nêu rõ, các biện pháp trừng phạt được áp dụng đối với bất kỳ thực thể nào - có nghĩa là cả cá nhân hoặc tổ chức - mà Ngoại trưởng xác định đã cố ý tham gia vào một giao dịch quan trọng với một người, một phần, hoặc đại diện cho lĩnh vực tình báo, quốc phòng của Liên bang Nga”, một quan chức bộ Ngoại giao Mỹ nói với National Interest.

“Bất kỳ bên nào thực hiện các giao dịch quan trọng với các lĩnh vực quốc phòng hoặc tình báo của Liên bang Nga đều có nguy cơ bị trừng phạt CAATSA. Chúng tôi luôn xem xét mọi cách mà các quốc gia có thể cố gắng lách luật và Mỹ sẽ thực hiện các bước thích hợp để đảm bảo thực thi trừng phạt, bất kể các nỗ lực của Nga hay các quốc gia khác có ý định làm điều này. Chúng tôi cam kết duy trì tính toàn vẹn của chương trình trừng phạt và sẽ siêng năng giám sát việc bán vũ khí của Nga cho các thực thể chịu lệnh trừng phạt của Mỹ”, quan chức này nhấn mạnh.