Giáo dục

Muốn học ngành Du lịch bằng tiếng Anh, thí sinh nên chọn trường nào?

Thí sinh cần lưu ý, Lữ hành, Du lịch là nhóm ngành nghề cần kỹ năng nghề nghiệp cao vì vậy nên cân nhắc bậc đào tạo phù hợp với trình độ.

Hậu Covid-19, "khoảng trống" về số lượng lao động cũng như chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch Việt Nam còn đứng trước nhiều thách thức, mặc dù thị trường này đang dần phục hồi, nhưng tâm lý e ngại về tính bền vững của nghề nghiệp vẫn là cản trở quyết định của các em sinh viên.

Sớm chủ động xây dựng phương án tuyển sinh, cũng như chuẩn bị công tác thông tin, ông Trịnh Cao Khải - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng du lịch Hà Nội đánh giá, năm nay các ngành Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng, Kỹ thuật nấu ăn, Hướng dẫn viên du lịch, Lữ hành vẫn sẽ là những ngành được quan tâm, đứng đầu nhu cầu trong thị trường lao động.

Qua số liệu các năm cho thấy các em sau khi ra trường có việc làm sớm, đa dạng các vị trí để có thể lựa chọn, nhất là đối với những em có kỹ năng thực tế nghề nghiệp ngay từ khi còn trong trường.

Mặc dù vậy, đây là nhóm ngành cần nhiều kỹ năng, không nặng về tính hàn lâm, nghiên cứu, với những sinh viên mong muốn được đào tạo ngắn hạn, tham gia thị trường lao động sớm nên nghiên cứu kỹ bậc học phù hợp.

Du lịch phục hồi và cần nhiều hơn nhân lực chất lượng cao (Ảnh: Hữu Thắng).

Cũng đào tạo ngành Quản trị Du lịch và Lữ hành, với những em có khả năng ngoại ngữ tốt có thể lựa chọn Trường Đại học Hà Nội.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội cho biết: “Chương trình được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Để có thể theo học các học phần cơ sở ngành và chuyên ngành bằng tiếng Anh, sinh viên ngành Quản trị Dịch vụ du lịch và lữ hành sẽ trải qua 1 năm học tiếng Anh chuyên sâu với thời lượng 36 tín chỉ”.

Yêu cầu đầu ra đạt trình độ tiếng Anh bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Cùng với đó, chương trình đào tạo được tích hợp những học phần có tính thực hành cao và có nhiều hoạt động ngoại khóa có tính thực tế nhằm tăng cường khả năng áp dụng các lý thuyết, kiến thức được học vào thực tiễn, đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp.

Chia sẻ thêm với Người Đưa Tin về nhóm ngành mới của năm nay, đại diện Trường Đại học Hà Nội thông tin: “Nhà trường mở mới và tuyển sinh các chương trình tiên tiến và ngành học mới là Công nghệ tài chính dạy bằng tiếng Anh”.

Theo đó, chương trình đào tạo sẽ có sự kết hợp giữa ngành công nghệ và tài chính. Sinh viên học ngành học này sẽ được trang bị nghiệp vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ. Điều này phù hợp trong bối cảnh hiện nay khi các công ty tài chính, bảo hiểm ngân hàng cần đội ngũ có trình độ về cả hai năng lực trên.

Nếu người học chỉ được đào đào tạo về tài chính - ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ vào công việc thực tế”, ông Dũng đưa ra mục đích của chuyên ngành đào tạo. Sau khi tốt nghiệp sinh viên có thể làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia, công ty nước ngoài.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội đưa ra các lời khuyên chọn ngành đến các thí sinh xét tuyển năm 2024.

Với việc mở mới và tuyển sinh các chương trình đào tạo tiên tiến và ngành Công nghệ tài chính dạy bằng tiếng Anh, Trường Đại học Hà Nội có thể gia tăng cơ hội cho thí sinh mong muốn theo học, hướng tới việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe và yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.

Tuy nhiên, trước "ma trận" những ngành xét tuyển như hiện nay, lưu ý cho thí sinh khi chọn đăng ký nguyện vọng các ngành của nhà trường, ông Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh: “Thí sinh có thể làm bài trắc nghiệm thiên hướng nghề nghiệp để xác định ngành nghề phù hợp với năng lực bản thân, tham khảo thông tin về các ngành đào tạo của trường và vị trí công việc sau khi tốt nghiệp của các ngành này để lựa chọn ngành học phù hợp”.

Bên cạnh đó, các em cần tham khảo điểm trúng tuyển vào trường theo các phương thức xét tuyển của các năm trước và đối sánh với năng lực học tập của mình để ước định khả năng đỗ vào ngành học mình mong muốn.

Cuối cùng khi đặt nguyện vọng xét tuyển thì luôn đặt nguyện vọng 1,2,3 cho các ngành học phù hợp với sở trường cũng như sở nguyện của mình. Như vậy, thí sinh sẽ gia tăng cơ hội trúng tuyển như kỳ vọng.

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, số lượng nhân sự trong cơ sở lưu trú du lịch hiện nay chỉ khoảng 350.000 người, đáp ứng 70% nhu cầu. Với số cơ sở hiện có, nếu đạt công suất trên 70% thì ngành du lịch cần có khoảng 507.000 lao động trong các cơ sở lưu trú, trong đó nhân sự quản trị cần khoảng 50.000 người.

Mỗi năm, ngành cần 40.000 nhân viên mới và 25.000 nhân viên cần được đào tạo lại. Tuy vậy hàng năm các trường chỉ đào tạo khoảng 20.000 sinh viên, trong đó tỷ lệ lao động du lịch được đào tạo chuyên nghiệp còn thấp, chỉ chiếm 43% trong tổng số lao động du lịch.