Quân sự

Mục tiêu thực sự của Mỹ khi dọa không bán Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ

Mục tiêu của Washington không phải là đối phó thương vụ mua bán hệ thống lá chắn tên lửa S-400 của Nga và Ankara mà là ngăn chặn chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở sông Euphrates, tướng về hưu Thổ Nhĩ Kỳ Fahri Erenel cho hay.

Mỹ đang lợi dụng việc Thổ Nhĩ Kỳ mua tên lửa S-400 của Nga để phục vụ “động cơ thầm kín” của mình, tướng về hưu Thổ Nhĩ Kỳ Fahri Erenel cho biết. Ông cho rằng Mỹ đang “dọa” sẽ không bán Patriot cho Ankara nếu Thổ Nhĩ Kỳ vẫn quyết tâm mua S-400 từ Nga. Ông cho rằng việc Lầu Năm Góc đưa ra lời dọa dẫm đối với Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ đơn thuần là ngăn chặn việc mua bán S-400 mà còn có mục đích khác.

Hệ thống Patriot của Mỹ.

Trước đó, hôm 7/2, một quan chức Mỹ tuyên bố rằng “quá trình mua bán hệ thống tên lửa Patriot giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ sẽ chấm dứt nếu Ankara mua tên lửa S-400 của Nga”.

Tuyên bố này được đưa ra khi Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành các cuộc đàm phán quan trọng với Washington liên quan tới tình hình tại thành phố Manbij của Syria.

Tướng Fahri Erenel cho rằng việc Washington gây gáp lực với Ankara vào thời điểm này không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Ông cho rằng đó là kế hoạch của Mỹ nhằm ngăn chặn chiến dịch quân sự sắp tới của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria.

“Quyết tâm của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới chiến dịch quân sự ở phía Đông sông Euphrates và việc tiếp tục triển khai quân sự ở khu vực này là vấn đề đối với Mỹ. Họ cũng đã nhận ra lập trường kiên quyết này của Ankara từ phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ”, tướng Fahri Erenel nói.

Tướng về hưu Thổ Nhĩ Kỳ Fahri Erenel.

Kế hoạch quân sự ở phía Đông Euphrates mà giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã nói trong nhiều tháng qua, sẽ nối tiếp các chiến dịch thành công trước đó mà Ankara thực hiện ở Syria từ năm 2016 – Nhành Oliu và Khiên Euphrates. Cả hai chiến dịch này đều hướng tới mục tiêu nhằm xóa bỏ sự hiện diện của lực lượng người Kurd và khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria.

S-400 là hệ thống tên lửa phòng không tầm xa tân tiến nhất của Nga, có khả năng mang 3 loại tên lửa diệt mục tiêu, gồm tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình.

Vào tháng 12/2018, bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt một thương vụ cho phép bán hệ thống lá chắn tên lửa Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ với tổng giá trị ước tính 3,5 tỷ USD.

Khi được hỏi về những tác động của thể xảy ra từ việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 của Nga, ông Erenel cho rằng “quan hệ Nga-Thổ sẽ đạt tới điểm “không thể chối bỏ”.

“Sau đó, nó sẽ gây ra hậu quả đáng kinh ngạc, khuấy động cuộc nội chiến ở Syria. Nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến một khu vực quy mô lớn từ Đông Địa Trung Hải tới Biển Đen”, ông nói.

Ankara đang lên kế hoạch mua 100 máy bay chiến đấu F-35 từ sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ, 30 chiếc đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, Washington đã bày tỏ sự miễn cưỡng khi chấp nhận cho Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 từ Nga, cho rằng hệ thống này có thể đánh cắp các thông tin tuyệt mật về máy bay F-35 của Mỹ, gồm phạm vi phát hiện mục tiêu và chế độ hoạt động của máy bay.

“Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không lùi bước về vấn đề này và sẽ mua S-400 bằng mọi giá”, ông Erenel kết luận.

Mỹ ấn định thời điểm rút quân hoàn toàn khỏi Syria