Thế giới

Mục tiêu tham vọng nhưng khả thi trong xung đột Ukraine-Nga?

Xung đột Nga-Ukraine có xu hướng kéo dài sang năm sau, kéo theo nguy cơ về một cuộc xung đột hạt nhân “hạn chế”.

Các lực lượng Ukraine đang lên kế hoạch cho một chiến dịch dài hơi và ác liệt với mục tiêu giành lại phần lớn khu vực Kherson từ tay quân Nga vào cuối năm nay, CNN đưa tin hôm 7/9.

Kể từ khi tuyên bố phát động cuộc phản công vào tuần trước, các lực lượng Ukraine đã đạt được nhiều lợi ích ở miền Nam đất nước với các cuộc tấn công mặt đất đầy tham vọng theo sau các đợt tấn công liên tục vào các sở chỉ huy, kho đạn và kho dự trữ nhiên liệu của Nga ở xa tiền tuyến, CNN cho biết, dẫn định vị địa lý của các video và hình ảnh vệ tinh.

Mỹ đã chứng kiến Ukraine đạt được một số thành công trong việc tấn công các tuyến tiếp tế của Nga, với ý định cắt đứt và cô lập quân đội Nga hiện đang triển khai ở phía Tây sông Dnipro (Dnepr), theo một quan chức cấp cao của Mỹ.

Theo các quan chức Ukraine, mục tiêu của họ là giành lại ít nhất tất cả lãnh thổ ở phía Bắc hoặc phía Tây sông Dnipro, không chỉ bao gồm thành phố Kherson mà còn cả thị trấn Nova Kakhovka. Nova Kakhovka quan trọng vì đây là nơi đặt một nhà máy thủy điện quan trọng cũng như một con kênh cung cấp phần lớn nước cho bán đảo Crimea.

Một khẩu lựu pháo Giatsint-B khai hỏa bên ngoài Donetsk, miền Đông Ukraine. Ảnh: The Guardian

Đồng thời, Ukraine đã tăng cường các cuộc tấn công ở miền Đông đất nước nhằm ngăn chặn Nga chuyển lực lượng xuống phía Nam để đẩy lùi cuộc phản công của Ukraine tại đây, theo các quan chức Mỹ.

Mục tiêu tái chiếm Kherson của Ukraine vào cuối năm 2022 là “tham vọng” nhưng “khả thi”, các quan chức Mỹ cho biết.

Trong khi đó, Tướng Dominique Trinquand, cựu lãnh đạo phái bộ quân sự Pháp tại LHQ, cho biết, quân đội Ukraine có thể sẽ chiếm được toàn bộ khu vực hữu ngạn sông Dnipro, bao gồm cả thành phố Kherson vào tháng 10. Các lực lượng Ukraine đã chuẩn bị một cách bài bản cho cuộc phản công của họ ở khu vực phía Nam Kherson, tiến hành các cuộc tấn công trên “gần như toàn bộ chiến tuyến phía Nam”.

“Tin tốt lành” từ tiền tuyến gần Kharkiv

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, trong bài phát biểu video hàng đêm hôm 7/9, ám chỉ về sự thành công trong cuộc phản công của quân đội Ukraine ở miền Đông bằng cách đề cập đến “tin tốt lành từ khu vực Kharkiv”.

“Bây giờ không phải là lúc để điểm tên những ngôi làng, nơi quốc kỳ Ukraine đang tung bay trở lại”, ông Zelenskyy nói, đồng thời cho biết thêm rằng người Ukraine có lý do để tự hào về quân đội của họ.

Theo các phóng viên chiến trường Nga, quân đội Ukraine đã tiến công thành công gần thị trấn Balakliya, chiếm lại một số ngôi làng kể từ đầu tuần này.

Trong bài phát biểu của mình, ông Zelenskyy đã nêu tên 3 lữ đoàn đạt thành tích xuất sắc trong cuộc giao tranh, và cảm ơn 2 lữ đoàn đã tham gia vào cuộc phản công ở vùng Kherson, miền Nam Ukraine.

“Mọi thành công của quân đội chúng ta trên hướng này hay hướng khác đều làm thay đổi tình hình trên toàn bộ mặt trận có lợi cho Ukraine”, Tổng thống Zelenskyy kết luận.

Tên lửa phóng từ khu vực Belgorod ở miền Tây nước Nga được nhìn thấy vào rạng sáng ở Kharkiv, Đông Bắc Ukraine, ngày 3/9/2022. Ảnh AP đăng trên Times of Israel

Tướng Ukraine lần đầu đánh giá chi tiết về xung đột với Nga

Trong những bình luận công khai hiếm hoi, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, Tướng Valeriy Zaluzhnyi, hôm 7/9 đã cảnh báo về mối đe dọa Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, điều sẽ tạo ra nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân “hạn chế” với các cường quốc khác.

Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine bắt đầu từ hôm 24/2 có thể sẽ kéo dài sang đến năm sau, ông Zaluzhnyi cho biết trong một bài báo với nhà lập pháp Mykhailo Zabrodskyi, thành viên ủy ban quốc phòng của Quốc hội Ukraine, đồng tác giả đăng trên tờ Ukrinform của nhà nước Ukraine.

Cho đến nay, đây là bài báo có đánh giá chi tiết nhất của Tổng tư lệnh Ukraine về cuộc chiến và đưa ra những thông điệp hoàn toàn trái ngược với những thông điệp mà các quan chức hàng đầu Ukraine đưa ra.

Bài viết có đoạn: “Có một mối đe dọa trực tiếp về việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật của các lực lượng vũ trang Nga, trong một số trường hợp nhất định. Cũng không thể loại trừ hoàn toàn khả năng các nước hàng đầu thế giới tham gia trực tiếp vào một cuộc xung đột hạt nhân “hạn chế”, trong đó viễn cảnh Thế chiến III đã hiển hiện trực tiếp”.

Moscow trước đây đã bác bỏ những đồn đoán về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc hóa học ở Ukraine.

Giọng điệu của bài báo tương phản với những tuyên bố lạc quan thường thấy của các quan chức cấp cao Ukraine.

“Độ dài của cuộc chiến đã được đo bằng tháng, và có lý do để tin rằng cuộc chiến này sẽ kéo dài qua năm 2022”, bài báo cho biết.

Lính cứu hỏa làm việc tại một tòa nhà bị hư hại nặng khi họ tìm kiếm các nạn nhân sau cuộc tấn công quân sự ở Slovyansk, Donetsk, miền Đông Ukraine, ngày 7/9/2022. Ảnh: The Guardian

Ông Zaluzhnyi và ông Zabrodskyi thừa nhận rằng Ukraine có vị trí “cực kỳ bất lợi” trên hai chiến tuyến miền Đông, xung quanh các thị trấn Bakhmut và Izyum, cho rằng vũ khí do nước ngoài cung cấp sẽ trở thành trụ cột của quốc phòng Ukraine trong năm tới.

“Vào năm 2023, nguồn lực cho cuộc kháng chiến của Ukraine vẫn phải dựa vào khối lượng viện trợ quân sự đáng kể từ các quốc gia đối tác của chúng tôi”.

Ukraine nhận trách nhiệm về các vụ việc ở Crimea

Bài báo cũng hé lộ về những cuộc tấn công gần đây bằng tên lửa vào các mục tiêu ở Crimea do Nga sáp nhập từ năm 2014.

Ông Zaluzhnyi viết rằng Ukraine “đã thực hiện thành công các cuộc tấn công tên lửa vào các căn cứ quân sự của đối phương, bao gồm cả sân bay Saki”.

Moscow trước đó cho biết rằng một loạt vụ nổ tại căn cứ không quân Saki hồi tháng 8 là do sự cố. Ít nhất 1 người đã thiệt mạng và một số khí tài hàng không bị phá hủy trong vụ việc.

Kiev không tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ tấn công vào thời điểm đó, nhưng đã công khai nghi ngờ về những giải thích của Nga.

Theo Reuters, Ukraine được cho là không có các hệ thống vũ khí có tầm hoạt động đủ để tấn công căn cứ Saki, nơi nằm cách chiến tuyến ít nhất 200 km.

Hình ảnh vệ tinh do Planet Labs PBC cung cấp cho thấy máy bay Nga bị phá hủy tại căn cứ không quân Saki ở Crimea sau một vụ nổ ngày 9/8/2022.

Nga nối dài danh sách trừng phạt đối với EU

Bộ Ngoại giao Nga cho biết hôm 7/9, thêm nhiều quan chức của Liên minh châu Âu (EU) đã bị cấm nhập cảnh vào Nga để đáp trả các lệnh trừng phạt của Brussels đối với Nga và việc EU cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Hiện nay, hạn chế áp dụng đối với các sĩ quan quân đội cấp cao của EU, các quan chức cấp cao từ các cơ quan thực thi pháp luật của các nước thành viên EU và đại diện của các nhà sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự của châu Âu có liên quan đến việc giao vũ khí cho Ukraine, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố, mà không nêu tên những người có trong “danh sách đen” hoặc tiết lộ có bao nhiêu người bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt này.

“Chúng tôi muốn nhắc nhở những người đã khởi xướng các biện pháp chống lại Nga rằng chúng tôi vẫn kiên định với quyết tâm đáp trả bất kỳ hành vi không thân thiện nào nhằm vào Nga”, tuyên bố cho biết.

EU chia rẽ vì ý tưởng áp trần giá năng lượng Nga

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen hôm 7/9 đã đề xuất những động thái “ngay lập tức” để giúp khắc phục tình trạng khẩn cấp về năng lượng của châu Âu, bao gồm giới hạn giá khí đốt nhập khẩu từ Nga.

“Mục tiêu ở đây rất rõ ràng. Chúng ta phải cắt giảm nguồn thu của Nga mà ông Putin sử dụng để tài trợ cho cuộc chiến tàn khốc chống lại Ukraine”, bà von der Leyen nói với các phóng viên.

Trước đó, trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (EEF) ở vùng Viễn Đông Nga hôm 7/9, Tổng thống Putin đã cảnh báo rằng nếu trần giá được áp dụng, Nga sẽ ngừng cung cấp hoàn toàn dầu và khí đốt cho châu Âu.

Một số quốc gia EU đã cảnh giác với ý tưởng giới hạn giá khí đốt Nga trước lời đe dọa này.

Một nhà máy của Gazprom ở vùng Orenburg, Nga, ngày 6/9/2022. Ảnh: NYT

Bà von der Leyen đề xuất 5 động thái “ngay lập tức” để giúp khắc phục tình trạng khẩn cấp về năng lượng của châu Âu: thiết lập giới hạn giá khí đốt của Nga; các biện pháp bắt buộc để giảm nhu cầu sử dụng điện; giới hạn doanh thu đối với các công ty sản xuất điện từ các nguồn chi phí thấp (được gọi là các nhà sản xuất không chuẩn) nhằm dùng phần “lợi nhuận bất ngờ” đó để bù đắp cho người tiêu dùng; áp thuế cộng đồng đối với các công ty sử dụng nhiên liệu hóa thạch thu được lợi nhuận lớn; và tạo điều kiện hỗ trợ cho các công ty tiện ích đang gặp khó khăn.

Trong số 5 biện pháp, chỉ có 2 biện pháp được cả EC và các nước thành viên EU ủng hộ, trang Politico.eu cho biết, dẫn lời một số nhà ngoại giao tham dự cuộc họp của các đại sứ EU ở Brussels hôm 7/9.

Vấn đề gây tranh cãi nhất là trần giá năng lượng Nga, phần lớn nhằm trừng phạt Điện Kremlin về mặt tài chính vì cuộc chiến ở Ukraine. Các nước thành viên EU có “quan điểm rất trái ngược nhau” về vấn đề này, một nhà ngoại giao EU cho biết.

Đức cho biết họ “hoài nghi” về ý tưởng này. Hungary, đồng minh EU thân cận nhất của Nga, cũng như Slovakia và ít nhất 2 quốc gia khác, chống lại ý tưởng này, các nhà ngoại giao cho biết.

Những nước khác, bao gồm Ba Lan và Italy, muốn EC tiến xa hơn và giới hạn giá của tất cả khí đốt nhập khẩu vào EU. Bà von der Leyen cho biết đây là điều mà EC đang “xem xét”. Tuy nhiên, nhìn chung Brussels không đồng tình với ý tưởng này trong các đánh giá của mình cho đến nay vì nó sẽ khiến tình hình trở nên phức tạp hơn nhiều so với việc chỉ giới hạn giá khí đốt Nga.

Các Bộ trưởng Năng lượng của EU sẽ thảo luận về giá năng lượng trong một cuộc họp khẩn vào ngày 9/9.

Biểu đồ cho thấy sự biến động trong tỉ trọng nhập khẩu khí đốt tự nhiên của EU từ Nga. Nguồn: Eurostat. Đồ họa: NYT

Một số diễn biến khác quanh xung đột Nga-Ukraine trong ngày qua

Lãnh đạo đảng cầm quyền Nước Nga Thống nhất (United Russia) Andrei Turchak hôm 7/9 đã đề xuất rằng một cuộc trưng cầu dân ý nên được tổ chức tại các vùng Nga đang kiểm soát ở Ukraine vào ngày 4/11. Về lý do chọn mốc thời gian, ông Turchak cho biết, đây là ngày lễ quốc gia về đoàn kết dân tộc được kỷ niệm ở Nga, và việc tổ chức bỏ phiếu vào ngày này sẽ “mang tính biểu tượng” cao.

Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại Uzbekistan vào tuần tới, Đại sứ Nga tại Trung Quốc Andrei Denisov nói với các phóng viên hôm 7/9. Hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra tại thành phố Samarkand, Uzbekistan, vào ngày 15-16/9, ông Denisov cho biết thêm. Đây sẽ là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo kể từ khi ông Putin phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine từ cuối tháng 2.

Ba nước Baltic là Litva, Latvia và Estonia đã đạt được một thỏa thuận về nguyên tắc hạn chế nhập cảnh đối với công dân Nga đi du lịch từ Nga và Belarus, Ngoại trưởng Latvia Edgars Rinkēvičs cho biết hôm 7/9. Theo ông Rinkēvičs, vấn đề quá cảnh của các công dân Nga là “một vấn đề an ninh công cộng, cũng là một vấn đề có bản chất chính trị và đạo đức”.

Minh Đức (Theo The Guardian, Reuters, DW, Politico.eu)