Thế giới

Mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trong ngành giao thông vận tải châu Á

Ba trong số các nền kinh tế lớn nhất châu Á sẽ chi khoảng 12 nghìn tỷ USD để đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0 trong ngành vận tải của nước họ.

Đó là nội dung chính của báo cáo gần đây Ngân hàng Quốc tế Hà Lan ING công bố, CNBC đưa tin.

Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm gần 2/3 tổng lượng phát thải CO2 ở châu Á - Thái Bình Dương và khoảng 1/3 lượng phát thải toàn cầu, ING cho biết.

Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng không carbon vào năm 2050, và Trung Quốc vào năm 2060. Mức phát thải ròng bằng 0 có nghĩa là loại bỏ nhiều khí nhà kính ra khỏi bầu khí quyển hơn so với lượng khí thải được tạo ra.

Ước tính chi phí 12,4 nghìn tỷ USD "tương đương với hơn 90% GDP năm 2020 của Trung Quốc", theo Robert Carnell, trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của ING và là tác giả của báo cáo.

Nó sẽ bao gồm công suất sản xuất điện mà các quốc gia cần để cung cấp cho các đội xe điện mới chạy bằng pin, đường sắt điện khí hóa, xe tải chạy bằng hydro, máy bay chạy bằng nhiên liệu hàng không bền vững và tàu chạy bằng amoniac, Carnell cho biết.

Mức giá 12,4 nghìn tỷ USD không bao gồm chi tiêu cho cơ sở hạ tầng để thay thế các đội xe hiện có, lắp đặt các điểm sạc xe điện hoặc tích trữ nhiên liệu mới trong ngành, ông lưu ý.

Thị trường giao dịch trao đổi carbon được Trung Quốc chính thức vận hành từ hôm 16/7/2021, nhằm đạt mục tiêu trung hòa carbon năm 2060. Ảnh: RT

Theo ING, với 30% tổng tiêu thụ năng lượng đến từ hệ thống giao thông của ba quốc gia, họ sẽ cần phải hành động nhanh chóng và áp dụng các giải pháp bền vững để đảm bảo các mục tiêu của họ nằm trong tầm tay.

Nếu Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc bắt đầu quá trình chuyển đổi năng lượng của họ ngay hôm nay và mở rộng nỗ lực của họ trong vòng 30-40 năm tới, chi phí để đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0 trong ngành giao thông vận tải sẽ ở mức có thể xoay xở được, ING cho biết.

Mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Trung Quốc

Trung Quốc là quốc gia phát thải CO2 lớn nhất thế giới. Để đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0, ngành giao thông vận tải nước này cần tiêu tốn 11 nghìn tỷ USD - hay “1,8% GDP mỗi năm cho đến năm 2060”, báo cáo của ING cho biết.

Trích dẫn Triển vọng Năng lượng Tái tạo Trung Quốc 2020, ING chỉ ra rằng lượng phương tiện cho vận tải hành khách ở Trung Quốc sẽ tăng hơn gấp đôi lên 450 triệu chiếc vào năm 2050 - từ 220 triệu chiếc vào năm 2018.

Trung Quốc đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực xe điện, và ING dự đoán rằng nếu nước này sử dụng hoàn toàn xe điện chạy bằng pin vào năm 2060, tổng nhu cầu năng lượng từ các phương tiện chở khách vào năm 2050 có thể giảm đáng kể.

ING cho biết, ngành công nghiệp hàng hải của Trung Quốc sẽ đòi hỏi nhiều khoản đầu tư nhất để đạt được mục tiêu phát thải carbon ròng bằng 0, đồng thời cho biết thêm rằng nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường biển ước tính sẽ tăng lên khoảng 120% mức hiện nay vào năm 2060.

Tuy nhiên, trạng thái trung hòa carbon sẽ không thể đạt được nếu dầu diesel và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) không được thay thế bằng amoniac xanh, do đó sẽ phát sinh thêm chi phí 3,7 tỷ USD và thêm 433 GW công suất phát điện.

Mục tiêu trung hòa carbon của Nhật Bản và Hàn Quốc

Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều đặt mục tiêu đạt trạng thái trung hòa carbon vào năm 2050.

Nhật Bản sẽ tiêu tốn 1 nghìn tỷ USD để thực hiện kế hoạch phát thải ròng bằng 0 cho hệ thống giao thông của nước này, xét về công suất phát điện cần thiết, theo dự báo của ING.

Con số này chiếm “khoảng 20% GDP hiện tại của Nhật Bản” - nhưng con số đó có thể giảm xuống còn “0,6% GDP mỗi năm nếu tính chung từ nay đến năm 2050.”

Nhật Bản đặt mục tiêu đạt trạng thái trung hòa carbon vào năm 2050. Ảnh: Climate Home News

Báo cáo cho biết, Nhật Bản đã đạt được rất ít tiến bộ trong việc khử cacbon trong nền kinh tế vì nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm hơn 2/3 nguồn cung cấp năng lượng chính của đất nước.

Theo một khía cạnh tích cực, điều này có nghĩa là “Nhật Bản có rất nhiều lợi ích để khai thác trong quá trình chuyển đổi mang lại triển vọng tiến bộ nhanh chóng”.

ING ước tính rằng, tổng chi phí năng lượng xanh để chuyển đổi ngành giao thông của Hàn Quốc hướng tới một tương lai phát thải carbon ròng bằng 0 sẽ tiêu tốn khoảng 400 tỷ USD, hay 0,6% GDP hiện tại mỗi năm khi tính chung trong 30 năm tới.

Mặc dù chi phí mà các quốc gia sẽ phải bỏ ra để chuyển đổi hệ thống giao thông của họ có thể là rất lớn, nhưng điều quan trọng cần nhớ là “tất cả khoản chi tiêu này sẽ thể hiện dưới dạng GDP”, Carnell cho biết.

Minh Đức