An ninh - Hình sự

Mức án nào cho các bị can vụ tài xế Ferrari chống đối CSGT?

Duy cho Giang giả vờ đang mang thai ra ngồi trước xe nhằm cản trở việc thi hành nhiệm vụ của các chiến sĩ công an. Tiếp đó, Duy còn gọi điện cho Phú ra hỗ trợ.

Khởi tố 3 bị can

Mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 8 đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, tiến hành tống đạt các Quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Lâm Duy, SN 1988, ngụ phường 17, quận Bình Thạnh, TP.HCM về tội Chống người thi hành công vụ.

Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng khởi tố thêm hai bị can là Nguyễn Thị Trúc Giang, SN 1988, ngụ phường 9, quận 4 và Nguyễn Vĩnh Phú, SN 1990, ngụ phường 5, quận 8 cùng về tội Chống người thi hành công vụ, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.

Trước đó, vào khoảng 23h ngày 9/5, tổ công tác 363 do Đại uý Hoàng Thành Luân, Phó Trưởng trạm Cảnh sát giao thông Đa Phước - Phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt, Công an TP.HCM chỉ huy thực hiện nhiệm vụ phòng chống tội phạm, đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên đường Dương Bá Trạc, quận 8.

Khi đang rà soát tuyến đường trên, tổ công tác phát hiện một xe ô tô biển số 51F-819.40 do Duy điều khiển, chở Trúc được cho là đang mang thai, lưu thông trên đường không có gắn biển số phía trước nên đã tiến hành dừng xe để kiểm tra.

Lúc này, Cảnh sát giao thông đã thông báo lỗi vi phạm và yêu cầu người điều khiển xe xuất trình các loại giấy tờ theo quy định. Tuy nhiên, tài xế không chấp hành yêu cầu kiểm soát của lực lượng chức năng mà còn có lời lẽ không phù hợp đối với tổ công tác.

Duy chống đối lại lực lượng CSGT làm nhiệm vụ.

Do đó, lực lượng chức năng đã tiến hành khống chế người vi phạm, thông báo cho Công an phường 1, quận 8 để phối hợp hỗ trợ.

Đồng thời, lập biên bản vi phạm hành chính với các lỗi: “điều khiển xe không gắn đủ biển số”, “không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ” (theo Nghị định 100/2019).

Tổ công tác khẳng định, khi bị lực lượng chức năng khống chế thì Duy bắt đầu la hét, kích động, lôi kéo người dân xung quanh.

Lúc này, Giang từ trong xe bước xuống và ngồi trước đầu xe ô tô, cố ý cản trở không cho tổ công tác cẩu xe về trụ sở.

Đồng thời, người phụ nữ này còn dùng điện thoại để quay clip, lợi dụng mạng xã hội để công kích, tạo áp lực cho lực lượng chức năng.

Sau đó, Duy điện thoại cho Phú đến hỗ trợ. Lợi dụng lúc đông người, Phú vào ngồi ở vị trí lái xe, khóa trái cửa gây khó khăn cho việc thi hành nhiệm vụ của tổ công tác.

Tiếp đó, đến khoảng 2h ngày 10/5, Duy lấy lý do sức khỏe có vấn đề nên đã gọi cấp cứu 115 để đến bệnh viện FV kiểm tra.

Trong quá trình di chuyển đến bệnh viện, lực lượng chức năng vẫn theo sát. Tại bệnh viện, bác sĩ chuẩn đoán sức khỏe của cả hai người đều bình thường, nhưng Duy yêu cầu được nhập viện để theo dõi.

Trong lúc Duy và Giang đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe, các cán bộ còn lại trong tổ đã yêu cầu Phú xuống xe để tiến hành niêm phong và cẩu xe về trụ sở đơn vị.

Sau khi giải thích, trấn tĩnh đối tượng không được, tổ công tác đànhphải dùng biện pháp nghiệp vụ khống chế để đưa các đối tượng về cơ quan làm việc. Riêng với Giang, tổ công tác không thực hiện cưỡng chế vì có thể đang mang thai.

Tại cơ quan Công an quận phường 1, quận 8, thái độ của đối tượng không có một chút ăn năn, hối lỗi, một mực khẳng định mình không sai.

Duy khai Giang là vợ mình và đang mang thai. Tuy nhiên, qua điều tra, cơ quan chức năng xác định tại thời điểm xảy ra vụ việc, Giang không phải vợ Duy, cũng không có thai như lời khai trước đó.

Xử phạt ra sao?

Biên bản vi phạm hành chính do phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt, Công an TP.HCM lập có ghi rõ, đối tượng đã vi phạm các lỗi sau: Điều khiển xe không gắn đủ biển số; không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ; không có giấy phép lái xe và không xuất trình CMND khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền. Với những lỗi nêu trên, tổng mức phạt là khoảng 11.050.000 đồng.

Việc xử lý người có hành vi vi phạm về tội Chống người thi hành công vụ được quy định tại khoản 1 và 2, Điều 330, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Cụ thể, khoản 1 quy định: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Giang ngồi lên xe không hợp tác với CSGT.

Khoản 2: đối với những người phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; phạm tội 02 lần trở lên; Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên và tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Luật sư Mai Công Minh, đoàn Luật sư TP.HCM nhận định, với trường hợp trên, đối tượng Duy rất có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm tù.

Bởi, ngoài việc đối tượng dùng thủ đoạn cho Giang giả có thai ngồi trước xe để cản trở lực lượng chức năng thi hành công vụ, Duy còn xúi giục, kêu thêm người đến thực hiện việc cản trở, gây khó khăn cho tổ công tác.

Riêng đối với các bị can Giang và Phú, mức án sẽ nhẹ hơn, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Hồng Ngọc