Dân sinh

Mùa “săn” ong rừng

Chọn những khu vực rừng già để “săn” ong, mỗi vụ mùa những hộ dân ở huyện miền núi Vũ Quang (Hà Tĩnh) thu về hàng chục triệu đồng.

Cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhiều hộ dân tại huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh vẫn tranh thủ thời gian “vào mùa” để  đi “săn” ong, kiếm thu nhập.

Ông Nguyễn Đình Phú (trú thôn Cao Phong, xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) mặc bộ đồ bảo hộ, trùm kín mặt để chuẩn bị đi “săn” ong rừng.

Ong rừng theo cách gọi của người dân vùng miền núi tỉnh Hà Tĩnh là “ong ruồi”, loài này sinh sống trong rừng, như cây gỗ khô mục, hang đá…

Nhiều năm qua, bắt đầu từ tháng 9, ông Phú lại vượt hàng chục km đến các khu vực rừng núi vùng biên giới ở huyện Hương Sơn để bắt ong rừng. 

"Đây là lúc những đàn ong ruồi sống tự nhiên trong rừng sâu bắt đầu quá trình di cư tìm chỗ trú đông, tránh rét vào mùa đông. Khi bắt được đàn ong mới, tôi sẽ về nhà để nuôi lấy mật. Những đàn ong này được nuôi trong những chiếc hộp được đóng bằng gỗ, bên trong có nhiều ngăn để ong sinh sản và đến mùa lấy mật”, ông Phú nói.

Ông Phú cho hay, mùa lấy mật từ tháng 3 đến tháng 5 là hết. Bởi đây là dịp ở rừng các loài hoa nở nhiều. Còn từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau là thời điểm đi bắt ong khi những đàn này di cư tránh rét.

Mỗi hộp nuôi ong lấy mật được đóng cẩn thận, phía dưới chân đặt thêm 4 chiếc bát nhỏ để tránh kiến hoặc các loài côn trùng đến phá.

Hiện tại ông có hơn 20 tổ ong đang được nuôi tại vườn. Đây là những đàn ong mà ông đi bắt được vào mùa đông.

“Để bắt được ong đòi hỏi phải có kỹ thuật, ngoài ra tổ ong mồi cũng phải được làm từ các loại gỗ như gỗ mít vì ong thích ở những gốc cây này. Mỗi năm từ hơn 20 tổ ong này, gia đình thu về hơn 3 tạ mật. Ước tính doanh thu mỗi mùa trên 30 triệu đồng”, ông Phú cho hay.

Qua tháng 8 dương lịch, hết mùa hoa là giai đoạn chăm sóc, dưỡng ong, nên người nuôi không vắt mật nữa mà để đó làm thức ăn dự trữ cho ong.

Theo thống kê, hiện, toàn xã Đức Lĩnh có khoảng 2.000 đàn ong lấy mật. Nếu như trước đây, quy mô nuôi còn nhỏ lẻ, hiệu quả thấp, thì nay hầu hết người dân trên địa bàn đều mạnh dạn nhân giống, tăng đàn, nuôi theo hướng hàng hóa gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.