An ninh - Hình sự

Mua phải ma túy giả, đôi nam nữ đến công an trình báo bị cướp tài sản

Mặc dù không có ma túy nhưng Dương phối hợp với Ngọc gói một số viên thuốc tây và bán cho đôi nam nữ ở Thừa Thiên Huế để chiếm lấy số tiền 2,5 triệu đồng.

  Ngày 6/1, theo thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế), đơn vị này vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Lê Phan Đại Dương (35 tuổi) và Phan Văn Ngọc (31 tuổi, cùng trú tại phường Thuận Hòa) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, vào ngày 6/9/2021, Trần Anh Pháp (28 tuổi) và Lê Thị Thu (cùng trú trên địa bàn tỉnh) đã liên hệ Dương để mua ma túy với số tiền 2,5 triệu đồng.

Mặc dù không có ma túy nhưng Dương phối hợp với Ngọc gói một số viên thuốc tây và bán cho Pháp và Thu để chiếm lấy số tiền 2,5 triệu đồng.

Sau khi biết bị lừa, Pháp và Thu đã đến công an trình báo, nhưng khai gian dối là bị cướp giật 2,5 triệu đồng. .

Sau một thời gian xác minh, củng cố tài liệu chứng cứ, Công an thành phố Huế đã làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Lê Phan Đại Dương và Phan Văn Ngọc. Đồng thời, phối hợp các đơn vị liên quan để có biện pháp xử lý đối với Pháp và Thu có dấu hiệu liên quan đến mua bán ma túy.

Mua bán ma túy giả có phạm tội Mua bán trái phép chất ma túy không?

Để giải đáp cho câu hỏi trên, tại mục 1.4 Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP, hướng xử lý đối với người thực hiện hành vi mua bán ma túy giả.

Trường hợp, người thực hiện hành vi phạm tội không biết chất đó là ma túy giả mà cho rằng chất đó là ma túy.

Theo hướng dẫn tại Thông tư 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP, nếu chất được giám định không phải là chất ma túy hoặc không phải là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, nhưng người thực hiện hành vi phạm tội ý thức rằng chất đó là chất ma túy hoặc chất đó là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, thì tùy hành vi phạm tội cụ thể mà truy cứu trách nhiệm hình sự người đó theo tội danh quy định tại khoản 1 của điều luật tương ứng đối với các tội phạm về ma túy.

Khi đó, người thực hiện hành vi mua bán ma túy giả sẽ bị truy cứu TNHS về tội Mua bán trái phép chất ma túy theo quy định tại Khoản 1 Điều 251 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Trường hợp, người thực hiện hành vi phạm tội có căn cứ để biết là ma túy giả nhưng dùng các thủ đoạn làm cho người khác tưởng là ma túy thật để mua bán, trao đổi.

Theo hướng dẫn tại Thông tư 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP, trường hợp một người biết là chất ma túy giả nhưng làm cho người khác tưởng là chất ma túy thật nên mua bán, trao đổi... thì người đó không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm về ma túy mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015, nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tuệ Minh